Phát triển sản phẩm OCOP hướng tới xuất khẩu
– Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị nông sản, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng mang tính đặc trưng của tỉnh. Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP đã và đang khẳng định thương hiệu, chất lượng và có tiềm năng vươn ra thị trường nước ngoài.
Tập trung xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm
Chương trình OCOP là một trong những nội dung quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, do vậy, giai đoạn 2019 – 2022, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp xây dựng sản phẩm OCOP.
Theo đó, các cấp, ngành đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền. Từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành đã tổ chức lồng ghép được 183 hội nghị tuyên truyền về sự cần thiết, nguyên tắc triển khai chương trình OCOP cho khoảng 10.300 lượt người, cấp phát trên 10.300 bộ tài liệu. Cùng đó, với vai trò là ngành chuyên môn trực tiếp triển khai thực hiện chương trình, từ năm 2019 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức kiểm tra 12 cuộc về thực hiện chương trình tại 11 huyện, thành phố. Nhờ đó, chương trình OCOP trên địa bàn các huyện, thành phố được triển khai đồng bộ, quyết liệt, đúng chủ trương, tinh thần chỉ đạo của tỉnh.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực thực hiện chương trình. Giai đoạn 2019 đến 2022, tổng nguồn lực huy động đạt trên 13,1 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các huyện, thành phố, chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP.
Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 105 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình, trong đó, có 94 sản phẩm của 11 huyện, thành phố được đánh giá, phân hạng OCOP 3 sao và 4 sao. Qua thực hiện chương trình OCOP đã mang lại lợi ích thiết thực cho tổ chức, các hộ sản xuất kinh doanh, giá trị sản phẩm được nâng lên, có thương hiệu, tạo sự tin tưởng với khách hàng.
Bà Mai Thị Loan, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng cho biết: Năm 2020, được Phòng NN&PTNT huyện hỗ trợ, tôi đã đăng ký sản phẩm nem nướng tham gia chương trình OCOP và được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sau khi được chứng nhận OCOP, sản phẩm được nhiều người biết đến, thị trường tiêu thụ mở rộng ra các tỉnh khác như: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Ninh… Hiện trung bình mỗi năm, doanh thu của cơ sở đạt khoảng 1 tỷ đồng (tăng khoảng 50% so với trước khi được chứng nhận sản phẩm OCOP).
Tìm đường xuất khẩu sản phẩm OCOP
Không chỉ xây dựng thương hiệu OCOP cho các sản phẩm, thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm phát triển các sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Theo ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT, các sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đều là các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, chất lượng đảm bảo. Nhờ vậy, so với các sản phẩm nông sản thông thường, sản phẩm OCOP có nhiều tiềm năng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Với những lợi thế đó, thời gian qua, ngành chuyên môn đã từng bước thực hiện các giải pháp định hướng góp phần thúc đẩy cho các sản phẩm OCOP có tiềm năng mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là hướng đến xuất khẩu. Theo đó, Sở NN&PTNT đã đẩy mạnh công tác xây dựng và cấp mã số vùng trồng đối với nông sản trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp được 128 mã số vùng trồng thạch đen và 4 mã số vùng na tại Chi Lăng. Qua đó, là điều kiện, cơ hội cho công tác xúc tiến thương mại đưa sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh ra thị trường quốc tế.
Cùng đó, từ năm 2019 đến nay, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã hỗ trợ trên 1,5 triệu tem truy xuất nguồn gốc, 67.647 bao bì các loại, xây dựng 22 câu chuyện sản phẩm… cho 44 chủ thể tham gia chương trình. Góp phần giúp các chủ thể tạo những thông tin hấp dẫn, mẫu mã bao bì bắt mắt, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại được các ngành, đơn vị chú trọng. Đơn cử, trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức Hội chợ Thương mại Quốc tế Việt – Trung, theo đó, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã đưa 67 sản phẩm OCOP tới trưng bày, quảng bá. Tại hội chợ, có 2 chủ thể sản phẩm OCOP ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thông qua hoạt động này, không chỉ giúp các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP giới thiệu sản phẩm đến tay người dùng trên cả nước mà còn tiến xa hơn là đến tay người tiêu dùng quốc tế.
Công nhân Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý chế biến sản phẩm bột thạch đen thô
Nhờ những định hướng, giải pháp của ngành chức năng cùng sự năng động của người sản xuất, đến nay, toàn tỉnh đã có các sản phẩm OCOP: tinh dầu hồi, bột thạch đen, chè Ô Long, chè Bát Tiên được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ. Đây là tín hiệu vui bước đầu khẳng định vị thế sản phẩm nông sản của tỉnh trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo ông Hà Viết Quý, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý, xã Kim Đồng, huyện Tràng Định, nhận thấy tiềm năng của thạch đen và mong muốn đưa cây thạch đen vươn tầm thế giới, ông đã dày công nghiên cứu để sản xuất các sản phẩm từ cây thạch. Năm 2019, ông mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc để chế biến bột thạch đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Đồng thời, năm 2021, được sự hỗ trợ của UBND huyện, ông đã đăng ký sản phẩm thạch đen dạng bột tham gia chương trình OCOP và đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Nhờ được đầu tư chế biến bài bản, sản phẩm đã đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu ra ngoài nước. Trung bình mỗi năm, công ty xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước gần 2.000 tấn bột thạch đen, đem lại doanh thu hơn 5 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 45 lao động tại địa phương.
Mặc dù hướng đến xuất khẩu các sản phẩm OCOP có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao giá trị nhưng thực tế còn nhiều sản phẩm chưa xuất khẩu được. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, số lượng sản phẩm ít, việc xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì còn hạn chế… Vì vậy, thiết nghĩ trong thời gian tới, cùng với sự chủ động của các chủ thể sản xuất, các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc phát triển sản phẩm OCOP, trong đó, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm trong và ngoài nước.
Ý kiến ()