Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái
Với lợi thế nhiều danh lam, thắng cảnh và tiềm năng về du lịch cộng đồng, các xã trên địa bàn đang hướng đến việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch để thu hút nguồn lực, thực hiện mục tiêu tiêu chuẩn hoá được ít nhất 15 sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vào năm 2020.
Thực tế thời gian qua, một số huyện đã phát triển sản phẩm chủ lực gắn với du lịch sinh thái. Điển hình như tại huyện Bắc Sơn đã hình thành một số điểm du lịch vườn quýt, thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan kết hợp mua và thưởng thức sản phẩm tại vườn mỗi vụ. Địa danh vườn quýt Hang Hú đã trở nên quen thuộc và nổi tiếng, thu hút du khách từ nhiều tỉnh, thành. Hay như từ việc phát triển các vườn na mẫu, từ năm 2016 đến nay, huyện Chi Lăng đã tạo ra gần 10 điểm du lịch nhà vườn vào mùa thu hoạch na.
Du khách tham quan vườn quý Hang Hú, huyện Bắc Sơn.
Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Lạng Sơn là mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch, nhiều địa danh đã xuất hiện trên bản đồ du lịch như: Mẫu Sơn, thung lũng hoa Bắc Sơn, “thảo nguyên” Hữu Kiên… Đặc biệt, những năm qua, tỉnh đã quan tâm phát triển du lịch cộng đồng, dần hình thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ homestay chuyên nghiệp. Đây chính là cơ sở, tiền đề thuận lợi cho việc xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch.
Ngoài ra, các mô hình du lịch theo kiểu tham quan, trải nghiệm quá trình sản xuất nông sản hoặc làng nghề ngày càng được các gia đình lựa chọn và được đầu tư xã hội hóa với nhiều hình thức. Từ những lợi thế cũng như việc bám sát Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP, các huyện, xã hoặc tổ chức kinh tế có cơ sở để lựa chọn, tìm hướng phát triển các sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn.
Hơn thế nữa, ngành “công nghiệp không khói” đã và đang được tỉnh quan tâm, có nhiều chính sách khuyến khích phát triển và có định hướng lâu dài. Việc xây dựng các sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và cộng đồng như khai thác, bảo tồn bản sắc văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân và gắn với phát triển du lịch bền vững.
Trên tinh thần đó, một số huyện đã và đang chủ trương phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với du lịch. Bà Hoàng Thị Ngọc Mây, cán bộ phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Bình cho biết: Năm 2019, huyện đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP là khoai lang, được đánh giá phân hạng 3 sao. Thời gian tới, chúng tôi đề xuất với lãnh đạo phòng, tham mưu cho UBND huyện tập trung xây dựng sản phẩm OCOP với quả chanh rừng, rượu Mẫu Sơn và gà 6 ngón gắn với du lịch sinh thái núi Mẫu Sơn đang được đầu tư quy mô lớn.
Việc lồng ghép xây dựng sản phẩm OCOP gắn với du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực đầu tư, “một mũi tên trúng hai đích”. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút du khách và ngược lại, hoạt động du lịch sẽ quảng bá, tiêu thụ và nâng cao giá trị cho sản phẩm OCOP . Từ đó việc quan tâm, đầu tư tạo dựng sản phẩm OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.
Năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến Lạng Sơn ước đạt 2.952 nghìn lượt, tăng 5,1% so với năm 2018, cho doanh thu khoảng 1.226 tỷ đồng, tăng 25,1%. Với lượng khách và doanh thu tăng qua từng năm đã cho thấy du lịch Lạng Sơn đang đi đúng hướng và được khai thác hiệu quả. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội để các địa phương, tổ chức kinh tế khai thác lợi thế sẵn có, xây dựng thành công những sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, đưa những sản phẩm đặc trưng “từ làng ra phố” tới người dân và du khách.
Theo Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030”, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh tiêu chuẩn hoá ít nhất 15 sản phẩm; mỗi huyện, thành phố có ít nhất từ 2 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo chu trình thường niên; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP. |
Ý kiến ()