Phát triển sản phẩm hồng không hạt mang chỉ dẫn địa lý "Bảo Lâm"
– Sau khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý năm 2012, quả hồng không hạt Bảo Lâm chủ yếu vẫn tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ. Thực hiện mục tiêu phát triển, nâng cao vị thế sản phẩm hồng không hạt Bảo Lâm trên thị trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cao Lộc đã tham mưu UBND huyện và chủ trì đồng hành cùng nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bà Lành Thị Minh Huyền, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc cho biết: Xác định cần tiếp tục định hướng nông dân phát triển sản phẩm nhằm giữ vững vị thế, uy tín của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Bảo Lâm trên trị trường, năm 2021, phòng phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống Nông nghiệp, Viện Cây lương thực và cây thực phẩm triển khai dự án “Duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bảo Lâm” cho sản phẩm quả hồng không hạt của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn”. Dự án có nhiều hoạt động cụ thể như lập hồ sơ điều chỉnh phạm vi bảo hộ, quảng bá sản phẩm, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Đại diện Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (bên trái) trao quyết định sửa đổi giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý “Bảo Lâm” cho sản phẩm hồng cho lãnh đạo UBND huyện Cao Lộc
Thực hiện dự án, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc chủ động nghiên cứu điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của từng xã trên địa bàn huyện để xác định khu vực phù hợp với cây hồng Bảo Lâm, từ đó khuyến khích nông dân mở rộng diện tích. Theo đó, phòng đã khuyến khích nông dân các xã: Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Cao Lâu, Tân Thành, thị trấn Đồng Đăng phát triển các vườn hồng mới. Phòng cũng phối hợp xây dựng các vườn cây đầu dòng nhằm tạo nguồn gen để tạo ra sản phẩm cây giống có chất lượng tốt cung cấp cho nông dân trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật ghép mắt hồng nhằm giúp nông dân cải tạo vườn hồng chất lượng thấp, đến nay, nông dân trên địa bàn huyện đã làm chủ kỹ thuật này. Song song với công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh hồng Bảo Lâm, phòng còn hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, đến nay, toàn huyện có hơn 38 ha diện tích hồng thâm canh theo hướng VietGAP, chỉ tính từ 2022 đến nay, toàn huyện đã phát triển thêm 8 ha hồng VietGAP. Nếu như trước đây, mỗi năm toàn huyện chỉ trồng mới khoảng 5 ha thì từ năm 2021 đến nay, mỗi năm toàn huyện trồng mới từ 30 đến 40 ha.
Cùng với đó, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp xây dựng hồ sơ sửa đổi văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý theo hướng mở rộng khu vực bảo hộ ra 7 xã, thị trấn gồm: Gia Cát, Hòa Cư, Hải Yến, Lộc Yên, Cao Lâu, Tân Thành thị trấn Đồng Đăng. Đến tháng 4/2023, bảo hộ Chỉ dẫn địa lý hồng không hạt Bảo Lâm được điều chỉnh từ 3 xã, thị trấn lên 10 xã, thị trấn của huyện Cao Lộc.
Cùng với đó, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm hồng Bảo Lâm đến các thị trường trong cả nước, năm 2022, Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tại Hà Nội vào tháng 7 nhằm quảng bá và tìm đầu ra cho sản phẩm hồng Bảo Lâm. Nhờ đó, nhiều hợp đồng bao tiêu sản phẩm được ký kết, sản phẩm hồng Bảo Lâm không chỉ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh hay chợ truyền thống mà đã được đưa vào nhiều siêu thị tại Hà Nội. Phòng cũng chủ động xây dựng được 2 chuỗi liên kết tiêu thụ hồng không hạt Bảo Lâm gồm: Hợp tác xã Sản xuất cây, củ quả sạch Hòa Cư, xã Hòa Cư liên kết với Công ty Trantech (Lạng Sơn) bao tiêu sản phẩm trên địa bàn xã với diện tích 30 ha; chuỗi sản xuất tiêu thụ hồng không hạt Bảo Lâm của Hợp tác xã Rau củ quả sạch trên địa bàn xã Gia Cát với diện tích khoảng 50 ha, cùng đó, một số doanh nghiệp ngoài tỉnh cũng đã thu mua, chế biến sản phẩm để đưa vào các cửa hàng rau củ, quả sạch với số lượng hơn 10 tấn.
Ông Lộc Văn Hoàng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hồng Bảo Lâm xã Hải Yến cho biết: Tổ hợp tác sản xuất của chúng tôi có 72 thành viên với tổng hiện tích 12 ha, với mong muốn tạo ra những sản phẩm tốt nhất đưa đến tay người tiêu dùng, năm 2019, 100% hội viên đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ đó chất lượng quả hồng tăng lên, giá bán từ 15.000 đến 60.000 đồng/1 kg tùy thời điểm, kích cỡ quả. Trong năm 2023, các thành viên tổ hợp tác đăng ký trồng mới 5 ha.
Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã tổ chức 19 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh hồng Bảo Lâm cho trên 700 lượt người; phát triển thêm 57 ha diện tích hồng Bảo Lâm, nâng tổng diện tích hồng Bảo Lâm toàn huyện lên hơn 462 ha, trong đó 257 ha đang cho thu hoạch với sản lượng mỗi vụ từ 1.300 đến 1.500 tấn, doanh thu đạt từ 60 đến 70 tỷ đồng. Việc tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần gìn giữ và phát triển thương hiệu hồng không hạt “Bảo Lâm”, nhờ đó nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã có thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/năm từ cây trồng này.
Hiện nay, huyện Cao Lộc đang phát triển thêm 16 ha hồng VietGAP và xây dựng thêm 3 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ hồng Bảo Lâm tại các xã Lộc Yên, Hòa Cư, Thạch Đạn. Giữ gìn uy tín và phát triển sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý là việc làm cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, do đó, thời gian tới, Phòng NN&PTNT huyện Cao Lộc sẽ tiếp tục kết nối, tìm đầu ra ổn định cho hồng không hạt Bảo Lâm, đồng thời nghiên cứu các công nghệ bảo quản, chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Ý kiến ()