Phát triển rừng quế: Hướng thoát nghèo ở Tân Tiến
– Tân Tiến là xã vùng ba còn nhiều khó khăn của huyện Tràng Định, những năm qua, người dân trên địa bàn xã đã tích cực trồng và phát triển rừng quế. Từ trồng quế, nhiều hộ dân trên địa bàn xã có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.
Người dân trên địa bàn xã Tân Tiến bắt đầu trồng quế từ hơn 20 năm trước, nhưng chỉ có vài hộ trồng lẻ tẻ, manh mún để phủ xanh đất trống. Từ năm 2012 trở lại đây, nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp và giá trị từ cây quế đem lại cao, UBND xã đã xác định quế là cây chủ lực trên địa bàn và tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng diện tích.
Người dân thôn 1, xã Tân Tiến chăm sóc rừng quế
Ông Hứa Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Xác định quế là cây trồng chủ lực, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực vận động các hộ dân trên địa bàn mở rộng diện tích. Hằng năm, UBND xã đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức từ 4 đến 5 lớp tập huấn lồng ghép cho bà con về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế.
Ông Hoàng Văn Đại, thôn Khuổi Cù phấn khởi chia sẻ: Năm 2012, gia đình tôi trồng gần 12.000 cây quế trên diện tích 4 ha. Nhờ được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế qua các lớp do UBND xã phối hợp tổ chức, tôi đã áp dụng vào thực tế sản xuất nên vườn quế phát triển tốt. Từ năm 2019 đến nay, cây quế cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn vỏ, với giá bán từ 50.000 đến 56.000 đồng/kg quế khô, đem lại cho gia đình thu nhập gần 80 triệu đồng/năm.
Không chỉ gia đình ông Đại, gia đình anh Nông Văn Hoàng, thôn 1 cũng là một trong số những hộ cho thu nhập cao từ trồng quế. Anh Hoàng cho biết: Năm 2003, gia đình tôi trồng 2.000 cây quế, trên diện tích 1 ha. Nhận thấy cây quế phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã nên hằng năm gia đình tôi đều trồng mới cây quế, đến nay, gia đình đã trồng được trên 5 ha. Từ năm 2010 đến nay, gia đình khai thác tỉa từ 1 đến 2 tấn vỏ quế/năm. Năm 2021, gia đình tôi bán 1 ha quế, đem lại thu nhập gần 400 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi tiếp tục trồng thêm 1 ha quế trên diện tích đã khai thác và thu hoạch tỉa, cây cành lâu năm, vỏ càng dày thì thu nhập càng cao.
Hiện nay, mô hình trồng quế trên địa bàn xã đã và đang đem lại hiệu quả tích cực. Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn xã đã khai thác và tiêu thụ gần 40 tấn quế, đem lại giá trị trên 1,5 tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với xã vùng ba như Tân Tiến. Cùng với đó, nhu cầu về vỏ quế, gỗ rừng trồng hiện nay đang cao, thương lái từ các tỉnh: Yên Bái, Thái Nguyên… thường xuyên tìm đến tận nơi thu mua nên đầu ra ổn định.
Bên cạnh đó, để người dân có nguồn lực đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi tại các ngân hàng. Đến nay, tổng dư nợ vay vốn của người dân tại Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt gần 39,7 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện 20 tỷ đồng. Nguồn vốn cho vay được người dân sử dụng chủ yếu với mục đích trồng và chăm sóc rừng quế.
Với sự hỗ trợ của chính quyền xã cùng sự tích cực, chủ động của người dân, mô hình trồng quế trên địa bàn xã ngày càng phát triển, trung bình mỗi năm, xã rồng mới trên 60 ha quế. Đến nay, toàn xã có 560/626 hộ tại 7/7 thôn trồng quế, hộ trồng ít có 2 ha, hộ trồng nhiều hơn 10 ha. Nhờ đó, tổng diện tích rừng quế của xã đạt gần 500 ha, trong đó, 60% diện tích đã cho thu hoạch. Đây cũng là xã có diện tích trồng quế lớn thứ hai toàn huyện Tràng Định.
Có thể thấy, phát triển rừng quế đã mở ra hướng đi mới giúp người dân trên địa bàn xã tăng thu nhập, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Nếu như năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 16 triệu đồng/người thì hiện nay tăng lên là 36 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 12,8% (giảm 30% so với năm 2016).
Ý kiến ()