Phát triển rừng gỗ lớn: Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng
(LSO) – Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 xác định nội dung, lĩnh vực ưu tiên để tập trung lãnh đạo, đó là: lâm nghiệp – chăn nuôi – trồng trọt. Trong đó, lâm nghiệp là lĩnh vực được tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư, đặc biệt là phát triển vùng cây gỗ lớn.
Bước chuyển kinh tế lâm nghiệp
Vài năm qua, một số huyện có thế mạnh về đất rừng như: Hữu Lũng, Lộc Bình, Đình Lập, Bình Gia, Tràng Định hều hết đều tập trung đầu tư mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Như huyện Bình Gia, theo số liệu mới nhất, huyện hiện có gần 1.000 ha quế, gần 1.300 ha lát hoa, đây là huyện có diện tích trồng cây quế và lát lớn nhất trên địa bàn tỉnh.
Kết quả đạt được là do khoảng 10 năm trở lại đây, huyện xác định phát triển kinh tế rừng là hướng đi chủ đạo. Đặc biệt, việc trồng rừng từng bước hướng tới tập trung vào phát triển một số loại cây gỗ lớn và cây có giá trị kinh tế cao như: keo, lát hoa… Việc tập trung trồng những loại cây lâm nghiệp này đã mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng rừng trên địa bàn huyện. Hiện ở những xã như: Tân Hòa, Thiện Long, Hòa Bình, Vĩnh Yên…, các hộ trồng rừng đã có thu nhập trung bình 50 triệu đồng/năm. Những hộ có diện tích trồng lớn và trồng rừng lâu năm đã có mức thu nhập đạt từ 150 – 200 triệu đồng/năm.
Gieo ươm cây keo giống tại huyện Hữu Lũng
Không chỉ người trồng rừng tại Bình Gia, ở các huyện khác như: Hữu Lũng, Đình Lập, Lộc Bình, Văn Quan, Tràng Định…, thu nhập của người trồng rừng cũng đều tăng lên. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện nay thu nhập của các hộ trồng rừng đạt trung bình từ 50 đến 60 triệu đồng/năm. Tổng giá trị ngành nông lâm nghiệp trong năm 2018 đạt hơn 6.000 tỷ đồng, thì riêng giá trị sản xuất lâm nghiệp đã đạt 2.187 tỷ đồng. Như vậy, tỷ trọng giá trị ngành lâm nghiệp đóng góp hơn 1/3 trong tổng giá trị toàn ngành. Và con số “biết nói” này đã khẳng định việc tập trung đầu tư phát triển lâm nghiệp của tỉnh đã đúng hướng.
Ông Vũ Quang Hưng, Trưởng phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Trong khoảng vài năm trở lại đây, một số huyện đã xây dựng được vùng chuyên canh cây lâm nghiệp, trong đó có một số loại cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao với tổng diện hiện có khoảng trên 46 nghìn héc ta. Đây chính là những yếu tố giúp giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng mạnh (giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2013 chỉ đạt khoảng 800 tỷ đồng).
Cần giữ thành rừng gỗ lớn
Từ 2014 đến hết năm 2018, toàn tỉnh trồng rừng mới được hơn 57 nghìn héc ta rừng, qua đó nâng tổng diện tích đất có rừng lên hơn 511 nghìn héc ta. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu quả kinh tế thu lại từ việc trồng rừng chưa tương xứng với tiềm năng.
Trên thực tế, người trồng rừng khai thác cây quá sớm, thường chỉ khoảng 5 – 7 năm là đã khai thác, bán gỗ. Như cây keo, cây lát nếu thu hoạch ở năm thứ 6 thì vẫn là cây gỗ nhỏ, nên chỉ bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, nếu tuổi khai thác từ 10 năm trở lên, giá trị đạt khoảng 120 – 160 triệu đồng/ha, cao gấp 2 – 3 lần giá trị khi khai thác non.
Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên diện tích trồng rừng sản xuất, người trồng có thể chăm nuôi trở thành rừng gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. Bởi, việc tiếp tục tập trung trồng những loại cây cho gỗ lớn tập trung chăm nuôi, ngoài hiệu quả về kinh tế, còn giúp giảm bớt việc phải trồng lại rừng, giảm xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác gây ra, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Tuy vậy, qua trao đổi với lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh được biết, hiện nay, do điều kiện kinh tế của người trồng rừng chưa cao, nên khả năng giữ rừng đến khi thành rừng gỗ lớn của bà con còn hạn chế. Do đó, để có thể thành rừng gỗ lớn, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là sự vào cuộc của các doanh nghiệp chế biến, sản xuất gỗ lớn. Bởi nếu như các doanh nghiệp này tham gia vào quá trình trồng rừng gỗ lớn, đi kèm với nó là việc hỗ trợ tài chính, nguồn lực cho người trồng rừng trong quãng thời gian chưa khai thác, khi đó, người trồng rừng mới đủ lực để tập trung chăm nuôi rừng một quãng thời gian dài.
Những năm trở lại đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế rừng mang lại, bà con nhân dân tại các huyện, thành phố đã chủ động tập trung nguồn lực cho trồng rừng, đặc biệt là trồng rừng sản xuất, rừng gỗ lớn. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2015, tỷ lệ xã hội hóa cho trồng rừng là 28%; 2018, tỷ lệ này đã tăng lên 47%. |
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()