Phát triển rừng gắn với chế biến lâm sản
– Được xác định là lĩnh vực ưu tiên phát triển trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, các cấp, ngành chức năng đã quan tâm, khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất gắn với phát triển cơ sở chế biến lâm sản, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Đình Lập là một trong những huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn, trong đó, diện tích đất có rừng là 91.000 ha. Với lợi thế đó, hằng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng; giao chỉ tiêu và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia trồng rừng để phát triển kinh tế. Nhờ đó, mỗi năm, toàn huyện trồng mới trên 1.000 ha rừng.
Công nhân xưởng gỗ bóc xã Đình Lập, huyện Đình Lập phơi sản phẩm
Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phát huy hiệu quả kinh tế rừng, phòng đã tích cực phối hợp với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân trồng rừng và khuyến khích xây dựng cơ sở chế biến lâm sản. Hiện nay, trên địa bàn có 17 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản, góp phần tạo đầu ra ổn định nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, dự kiến đến năm 2022, nhà máy chế biến nhựa thông trên địa bàn huyện sẽ đi vào hoạt động với công suất 40.000 tấn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản phẩm này.
Cùng với Đình Lập, phát triển kinh tế đồi rừng cũng được các huyện chú trọng, tiêu biểu như các huyện: Lộc Bình, Hữu Lũng, Cao Lộc… Toàn tỉnh có diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp là 617.973,34 ha, chiếm 74,3% tổng diện tích tự nhiên. Hằng năm, chỉ tiêu trồng mới rừng của tỉnh là 9.000 ha. Để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND ngày 14/6/2016 về thực hiện Chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 1.668 dự án là hộ gia đình được vay vốn với tổng dư nợ 204.642 triệu đồng, trồng được gần 12.000 ha cây lâm nghiệp và 137 ha cây ăn quả. Cùng với đó, UBND các huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển kinh tế rừng và hỗ trợ trồng rừng một phần từ ngân sách huyện.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành các vùng sản xuất tập trung một số loại cây chủ lực, cây gỗ lớn như: vùng trồng thông (Lộc Bình, Đình Lập, Cao Lộc) với diện tích 110.000 ha; vùng trồng keo, bạch đàn (Chi Lăng, Hữu Lũng, Đình Lập) diện tích trên 31.200 ha; vùng hồi (Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng) diện tích trên 25.000 ha…
Để phát huy hiệu quả kinh tế rừng, tỉnh đã quan tâm thu hút và hỗ trợ đầu tư phát triển các cơ sở chế biến lâm sản. Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 46 đề án hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các cơ sở, doanh nghiệp chế biến lâm sản với tổng kinh phí hỗ trợ 5.151 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện có 162 cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản các loại. Các cơ sở hằng năm chế biến được khoảng 20.500 m3 ván xẻ; 45.500 m3 ván bóc; 30.000 m3 ván ép; 20.000 tấn nhựa thông và 6.000 – 6.500 tấn hồi khô.
Bà Mai Bích Thuỷ, chủ xưởng chế biến lâm sản xã Bắc Lãng, huyện Đình Lập cho biết: Xưởng được thành lập từ năm 2014, trong quá trình hoạt động, tôi đã đầu tư 6 máy móc, trang thiết bị các loại để sản xuất gỗ bóc với công suất trung bình khoảng 300 tấn/ngày. Để chủ động nguồn nguyên liệu, chúng tôi ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các hộ dân trên địa bàn các xã: Bắc Lãng, Châu Sơn. Hiện nay, xưởng tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương trên 7 triệu đồng/người/tháng.
Để ngành lâm nghiệp phát triển bền vững, thời gian tới, các cấp, ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền người dân bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, kinh doanh lâm sản mở rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất.
“Việc trồng rừng gắn với chế biến lâm sản là hướng phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. Qua đó, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiêu thụ sản phẩm, ổn định về giá, giải quyết việc làm cho lao động địa phương mà còn nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp đạt 4.122 tỷ đồng (tăng 1,7 lần so với năm 2015)”. Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh |
Ý kiến ()