Phát triển rau vụ đông
LSO-Nhiều năm qua, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính của bà con nông dân huyện Cao Lộc. Trong đó, sản xuất rau được người dân tập trung phát triển không chỉ trên diện tích chuyên canh rau màu mà còn tận dụng đất ruộng sau khi thu hoạch lúa mùa, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bà Hoàng Thị Hà, thôn Hợp Tân, xã Gia Cát thu hoạch cà chua |
Những ngày này, gia đình anh Dương Văn Toán, thôn Nà Hán, xã Tân Liên đang tập trung chăm sóc rau vụ đông. Vụ đông năm ngoái, gia đình anh trồng khoảng 3 sào rau, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên rau phát triển tốt, khi rau được thu hoạch, trung bình mỗi ngày, anh thu được từ 200 đến 400 nghìn đồng. Anh Toán cho biết: Gia đình tôi trồng rau vụ đông từ nhiều năm nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp từ 3 đến 4 lần so với trồng lúa, ngô nên năm nay, gia đình tôi mở rộng diện tích trồng hơn 4 sào gồm: su hào, bắp cải, cải làn, cải ngồng… Nếu chăm sóc tốt thì sau 3 tháng vụ đông gia đình thu được trên 20 triệu đồng.
Là người có kinh nghiệm trồng rau hơn 10 năm, bà Hoàng Thị Hà, thôn Hợp Tân, xã Gia Cát cho biết: Rau vụ đông đã giúp gia đình tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Năm nay, gia đình tôi trồng khoảng 5 sào rau, chủ yếu là: bắp cải, cải ngồng, cà chua… Đây là diện tích chuyên canh rau màu nên từ khi trồng rau vụ hè tôi đã tính toán xem nên trồng những loại rau nào, bao lâu thì được thu hoạch để bước vào sản xuất vụ đông sớm nhất, vì đầu mùa giá bán các loại rau thường cao hơn chính vụ. Năm nay, nhờ thu hoạch vụ hè sớm nên thời điểm này, gia đình tôi đã có khoảng 1 sào cà chua được bán với giá trung bình từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg. Hằng năm, gia đình thu được trên 30 triệu đồng từ bán rau vụ đông.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ trồng rau màu vụ đông, ngành chức năng huyện Cao Lộc đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động bà con mở rộng diện tích trên đất chuyên canh và đất lúa 2 vụ, tập trung trồng các loại rau đặc sản của Lạng Sơn như: cải ngồng, cải làn, cải bắp, su hào… Vụ đông năm 2017, huyện có kế hoạch gieo trồng trên 800 ha rau màu các loại, tăng từ 5 đến 10% so với năm 2016. Trong đó 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều phát triển trồng rau màu và đã hình thành vùng trồng rau tập trung ở các xã: Tân Liên, Gia Cát. Thời gian qua, nhằm giúp bà con xây dựng thương hiệu rau sạch, an toàn, phát triển rau màu bền vững, huyện Cao Lộc chú trọng phát triển vùng trồng rau an toàn tại 2 xã: Tân Liên và Gia Cát được thực hiện bởi Hợp tác xã (HTX) rau củ quả sạch Gia Cát và HTX rau củ quả Nà Hán (mỗi xã trồng trên diện tích 6 ha), cùng với đó gắn sản xuất rau an toàn với tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Để sản xuất rau màu vụ đông đạt kết quả cao, ngay từ đầu vụ, cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp với các xã xuống từng thôn vận động, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại rau; các tổ chức đoàn thể (hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên) chủ động lồng ghép nội dung phát triển, hướng dẫn sản xuất vụ đông vào các phong trào và trong sinh hoạt của các tổ chức hội nhằm tăng năng suất, chất lượng rau màu, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên… Để nâng cao năng suất và chất lượng rau, hằng năm, huyện phối hợp với các phòng chuyên môn tổ chức trên 30 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con.
Hiện nay, ngoài các HTX sản xuất rau an toàn đứng ra thu mua, sản phẩm rau an toàn của các HTX còn được bày bán tại ki ốt bán rau an toàn chợ bờ sông (thành phố Lạng Sơn). Không chỉ vậy, rau màu của bà con trên địa bàn huyện còn được tiêu thụ sang các huyện lân cận, qua đó giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
KIM HUYÊN
Ý kiến ()