Phát triển rau an toàn, cần chính sách hỗ trợ
Theo báo cáo của Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, năm 2012, diện tích sản xuất rau cả nước là gần 824 nghìn ha, trong đó 120.000 ha chuyên canh, 430.000 ha luân canh; sản lượng rau đạt 14 triệu tấn. Mặc dù chủng loại rau rất đa dạng và phong phú, nhưng quy mô sản xuất rau hiện vẫn nhỏ lẻ, manh mún.
Theo báo cáo của Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, năm 2012, diện tích sản xuất rau cả nước là gần 824 nghìn ha, trong đó 120.000 ha chuyên canh, 430.000 ha luân canh; sản lượng rau đạt 14 triệu tấn. Mặc dù chủng loại rau rất đa dạng và phong phú, nhưng quy mô sản xuất rau hiện vẫn nhỏ lẻ, manh mún.
Đáp ứng 14 đến 15% nhu cầu Đối với rau an toàn (RAT), diện tích quy hoạch đến đầu năm 2013 là 71.728 ha, trong đó diện tích đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT là 6.310 ha; diện tích được cấp giấy chứng nhận VietGAP và các GAP khác là 491 ha; diện tích sản xuất theo hướng an toàn là 16.797 ha.
Theo ông Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện sản lượng RAT, rau hữu cơ vẫn rất hạn chế và tăng chậm, chỉ chiếm 8 đến 8,5% diện tích rau của cả nước. Ông Thắng cũng đưa ra thí dụ: Hà Nội hiện có hơn bảy triệu dân, nhu cầu rau xanh khoảng 2.600 tấn/ngày, tương đương 950 nghìn tấn/năm, nhưng sản lượng rau của Hà Nội hiện mới đạt 600 nghìn tấn/năm, trong đó RAT đáp ứng được 14 đến 15%.
“Hạn chế của sản xuất RAT hiện nay là các hệ thống chứng nhận khá tốn kém và khó thực hiện. Niềm tin của người tiêu dùng đối với RAT chưa cao, địa điểm kinh doanh, tiêu thụ RAT chưa thuận tiện”. Ông Thắng nói.
Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù trong tổng thể chính sách thu hút đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn được coi là lĩnh vực khuyến khích đầu tư nhưng không nhiều doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy mặn mà.
Trong Diễn đàn ISG (Chương trình hỗ trợ quốc tế) thường niên về an toàn thực phẩm vừa diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, trong thời gian qua, đã có nhiều dự án phát triển chuỗi sản xuất nông sản an toàn từ trang trại đến bàn ăn được triển khai nhưng thành quả không bền vững vì chi phí vận hành quản lý và giá thành sản xuất cao.
Cụ thể, Việt Nam đã phát triển được một số chuỗi quản lý rau an toàn qua một số dự án của Đan Mạch, Ca-na-đa, Nhật Bản, nhưng khi kết thúc dự án thì rất khó duy trì do thiếu kinh phí. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của quốc tế trong vấn đề xây dựng các chuỗi nông sản an toàn bền vững, trong đó có rau an toàn.
Xây dựng chuỗi giá trị RAT Trong những dự án FDI đầu tư vào nông nghiệp gần đây, phải kể đến sự đóng góp của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro). Vừa qua, doanh nghiệp này phối hợp với Công ty Fresh Studio, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Hà Lan, đã triển khai dự án “Xây dựng Chuỗi giá trị rau an toàn tại miền bắc Việt Nam”. Dự án này có tổng giá trị cam kết đầu tư lên tới gần một triệu ơ-rô được thực hiện từ tháng 10-2010 đến tháng 5-2013.
Tham gia dự án gồm gần 120 nông dân chia thành sáu nhóm, sản xuất trên 30 chủng loại sản phẩm và cung cấp ra thị trường khoảng 20 tấn rau/ngày.
Được biết, dự án là bước mở rộng tiếp theo của chuỗi cung ứng rau quả tại Đà Lạt được Công ty Metro xây dựng. Bên cạnh việc đào tạo kiến thức và kỹ năng cho nông dân, Metro đã xây dựng một trạm trung chuyển và bảo quản lạnh tại tỉnh Lâm Đồng. Trạm trung chuyển này đã được cấp chứng nhận HACCP và được coi là một trong những trạm trung chuyển đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm rau quả tốt nhất Việt Nam hiện nay. Trung bình mỗi ngày có hơn 30 tấn rau quả đạt chất lượng được thu mua qua trạm này.
Chị Nguyễn Thị Ngà, một hộ nông dân tham gia vào dự án cho biết: “Chúng tôi được hướng dẫn theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, đồng thời được tập huấn giống mới trên mô hình trang trại mẫu.
Một trong những khóa tập huấn rất mới và có ích đó là khóa tập huấn cho nông dân về quy trình làm việc với các đơn vị phân phối và bán lẻ”.
Sau ba năm, các hộ nông dân tham gia dự án đã nhìn thấy được cơ hội sản xuất rau an toàn. Hiện nay, họ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng trang trại, đầu tư trang thiết bị đóng gói, các dụng cụ chuyên dụng và thậm chí cả xe tải chuyên chở.
Ông P.Ba-cac, Tổng Giám đốc Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam cho biết: “Từ góc độ thị trường, chúng tôi thấy rằng nhận thức của khách hàng về rau an toàn cũng được tăng lên thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của dự án. Sản lượng rau sạch tiêu thụ ngày càng tăng và hiện nay các sản phẩm còn được cung cấp vào các siêu thị và cửa hàng ngoài hệ thống Metro. Chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, hướng tới sản xuất an toàn, mang lại giá trị cao cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Mặc dù vậy, nếu tính lượng rau sạch mà các kênh phân phối này tiêu thụ được mỗi ngày so với nhu cầu rau xanh của toàn thành phố thì cũng vẫn chỉ là “muối bỏ bể”. Vấn đề xây dựng mạng lưới phân phối, tiêu thụ và kết nối giữa người sản xuất với các doanh nghiệp thương mại vẫn là một vấn đề lớn cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()