Phát triển phân khúc thị trường nhà giá thấp
Tính đến ngày 31-12-2013, tồn kho bất động sản đã giảm hơn 26%, cùng với đó tỷ lệ nợ xấu cũng giảm gần 0,5% so cùng kỳ, xuống còn 4,93%. Đây là tín hiệu đáng mừng, tạo triển vọng "ấm dần" cho thị trường bất động sản.
Trong đó, phân khúc nhà ở xã hội (NOXH) và nhà giá thấp (diện tích dưới 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m 2) đóng góp gần hai phần ba tỷ lệ giao dịch thành công trên thị trường.
Phát triển mạnh mẽ phân khúc thị trường nhà này được kỳ vọng tạo sức lan tỏa cho thị trường bất động sản.
Giao dịch thành công tăng mạnh Tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản trong năm 2013 diễn ra theo chiều hướng tốt dần lên về cuối năm, nhất là phân khúc nhà ở chung cư có diện tích nhỏ, giá bán thấp.
Tại Khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), chủ đầu tư Tổng công ty Viglacera đã bán hết 228 căn hộ có diện tích từ 47 đến 69 m 2 , giá bán trung bình 13,8 triệu đồng/m 2 (đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì). Dự án chung cư thu nhập thấp Đặng Xá 2- Viglacera đang triển khai xây dựng 1.064 căn, do vị trí thuận lợi, hạ tầng tốt và giá bán hợp lý (giá bán 8,7 triệu đồng/m 2 ) nên đến tháng 12-2013, Viglacera đã bán được 900 căn, hiện nay vẫn còn khoảng 800 hồ sơ đăng ký mua. Tại TP Hồ Chí Minh, phân khúc nhà ở trung bình và giá thấp cũng có giao dịch khả quan, tập trung chủ yếu ở các dự án đã xây xong hoặc gần hoàn thiện. Công ty Danh Khôi trong năm 2013 chủ yếu thực hiện giao dịch căn hộ có giá thấp từ 11 đến 13 triệu đồng/m 2 (như căn hộ Nhất Lan 3) với 606 giao dịch mua bán, Công ty BCCI bán được 335 căn hộ (như Tân Tạo 1, Nhất Lan) có giá từ 12 đến 14 triệu đồng/m 2 .
Do phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của thị trường, phân khúc nhà giá thấp bao gồm cả loại hình NOXH, nhà ở thu nhập thấp có lượng giao dịch thành công nhiều nhất, tại các đô thị lớn được tiêu thụ mạnh, hầu như không còn tồn kho loại sản phẩm này.
Song song với những dự án NOXH được khởi công (16 dự án), thị trường nhà giá thấp còn được tăng nguồn cung từ những dự án xin chuyển đổi từ nhà thương mại sang NOXH và những dự án xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ. Tuy nhiên, trong khi nguồn cung khan hiếm thì việc triển khai xem xét chuyển đổi và điều chỉnh cơ cấu căn hộ còn chậm. Trong số 40 dự án được xem xét, thẩm định, TP Hà Nội đã chấp thuận chủ trương cho phép chuyển đổi sáu dự án; sáu dự án đang tiếp tục xem xét, ba dự án không đủ điều kiện và mới ban hành 13 quyết định cho ba dự án chuyển đổi thành NOXH, 10 dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ. Tương tự, với 26 dự án được xem xét, TP Hồ Chí Minh mới chấp thuận cho phép điều chỉnh hoặc chuyển đổi 10 dự án, gồm: năm dự án chuyển đổi sang NOXH, bốn dự án điều chỉnh cơ cấu căn hộ, cho dù đã có ba dự án xin điều chỉnh cơ cấu căn hộ đã hoàn thiện và năm dự án đã xây dựng xong phần thô.
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ này. Việc thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng, chuyển đổi dự án, vay vốn ưu đãi để đầu tư phải trải qua nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau, dẫn đến thời gian kéo dài. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến việc giải quyết các trình tự, thủ tục về công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án NOXH, cũng như việc xem xét, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang NOXH, cho phép điều chỉnh cơ cấu diện tích các căn hộ nhà ở thương mại cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, phù hợp với tiêu chí cho vay (căn hộ nhỏ dưới 70 m 2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m 2 ) theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQCP ngày 7-1-2013 của Chính phủ. Một số ngân hàng thương mại được giao nhiệm vụ triển khai việc cho vay còn quá thận trọng, dẫn đến việc chậm trễ trong việc xét duyệt, thẩm định đối tượng cho vay vốn. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, để được vay vốn ưu đãi thì sau khi có văn bản giới thiệu của Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp ngoài việc thực hiện một số thủ tục như: ký bản ghi nhớ với ngân hàng cho vay về việc tài trợ vốn vay, cung cấp các hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp và hồ sơ dự án để ngân hàng xem xét, đánh giá, thẩm định để xét duyệt hồ sơ vay vốn…, các ngân hàng còn đòi hỏi nhiều thủ tục khác không cần thiết, khiến thời gian giải ngân kéo dài…
Cần thêm những chính sách tháo gỡ Để nhà giá thấp đến được đúng đối tượng và thật sự tạo hiệu ứng tích cực cho thị trường bất động sản vẫn cần nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn.
Theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Bộ Xây dựng đã có đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ cho vay nhà ở (gói 30 nghìn tỷ đồng).
Theo đó, kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm. Mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại khi mua căn hộ có diện tích nhỏ hơn hoặc bằng 90 m 2 (thay cho diện tích căn hộ nhỏ hơn 70 m 2 như quy định hiện nay), giá bán thấp hơn 15 triệu đồng/m 2 , tổng giá trị hợp đồng mua bán căn hộ không quá 1,05 tỷ đồng. Đối với nhà liền kề thì diện tích khuôn viên đất không quá 90 m 2 , nhưng tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng. Mở rộng cho vay đối với các hợp đồng mua NOXH đã ký trước thời điểm 7-1-2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ). Bên cạnh đó, ngoài năm ngân hàng thương mại Nhà nước, bổ sung một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, được phép tổ chức triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định để cho phép các chủ đầu tư dự án có nhu cầu điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại, kể cả văn phòng cho thuê sang NOXH và công trình dịch vụ theo đúng hướng dẫn tại Thông tư 02/2013/TTBXD ngày 8-3-2013 của Bộ Xây dựng. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay. Đồng thời nghiên cứu ban hành tiêu chí, trình tự thủ tục cho vay gói 30 nghìn tỷ đồng để áp dụng thống nhất trong các ngân hàng được giao thực hiện gói tín dụng này, tránh việc mỗi ngân hàng lại có tiêu chí, quy trình, thủ tục cho vay riêng, không thống nhất giữa các ngân hàng…
Theo Nhandan
Ý kiến ()