Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 11/5/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp Lâm Đồng đã có những bước phát triển đáng kể, trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước phát triển mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao.
Nhờ ứng dụng công nghệ cao và đưa hoa vào nhà kính, |
Theo chân tổ công tác của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã trực tiếp đến tham quan và nghe anh Bùi Văn Sỹ (thường trú tại Phường 11, TP.Đà Lạt) – một “nhà nông sản xuất giỏi” của tỉnh Lâm Đồng nói về mô hình và hiệu quả của việc trồng hoa trong nhà kính.
Anh Sỹ kể: Sau nhiều năm trồng rau không hiệu quả, năm 1997, anh tình cờ gặp một số người quen đang làm việc ở TP. Đà Lạt và huyện Đức Trọng trong lĩnh vực nông nghiệp – trồng hoa cao cấp. Được họ mách bảo và chỉ dẫn cách trồng hoa trong nhà kính, anh bắt đầu học hỏi rồi quyết định đầu tư vài trăm mét vuông nhà kính để trồng thử nghiệm hoa cúc. Và thật bất ngờ, ngay trong lứa hoa đầu tiên, anh đã thành công. “Mình đã lãi đến hơn 50% từ vụ hoa này. Với thành công ban đầu đó, hoa của mình không chỉ bán ở chợ hoa Trại Mát (tại Phường 11) mà thương lái từ nhiều nơi khác cũng tìm đến, ngày càng đắt giá và bán được nhiều hơn. Đến năm 2007, mình đã tiếp tục đầu tư mô hình trồng hoa theo hướng công nghệ cao trong nhà kính hơn 3 ha. Trong đó, hơn 70% diện tích này, mình dành trồng cây hoa cúc, còn lại trồng hoa cát tường và cẩm chướng”- anh Sỹ chia sẻ.
Theo ông Lê Văn Minh – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, trường hợp của anh Sỹ chỉ là một trong hàng trăm nông dân “chân đất” đã thành công nhờ ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất; nâng mức thu nhập bình quân từ 300 triệu đến 2 tỷ đồng/ha đất canh tác. “Không chỉ có hoa mà cả rau, cùng nhiều nông sản khác đã được nông dân Lâm Đồng đưa vào nhà kính, trồng và cho năng suất cao. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực được gần 40.000 ha. Trong đó, diện tích sản xuất rau, hoa và cây đặc sản ứng dụng công nghệ cao là 14.603 ha; sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao là 5.635 ha; sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao là 15.335 ha; sản xuất lúa chất lượng cao là 3.585 ha; gần 10.000 con bò sữa… ” – ông Minh cho biết thêm.
Để mở rộng diện tích, số lượng nuôi trồng các đối tượng cây trồng, vật nuôi theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, đến nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng và phê duyệt 2/5 đề án quy hoạch gồm: Quy hoạch vùng sản xuất rau, chè tập trung; quy hoạch phát triển nuôi cá nước lạnh. Hiện địa phương đang tiếp tục hoàn chỉnh để phê duyệt quy hoạch vùng sản xuất cà phê; quy hoạch vùng sản xuất lúa; quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây đặc sản.
Cùng với việc phê duyệt các đề án trên, ông Đoàn Văn Việt – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến nay, tỉnh đã đề nghị Bộ NN&PTNT công nhận 1 Khu công nghệ sinh học và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; 2 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để đưa vào quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao toàn quốc. Theo đó, Bộ cũng đã thống nhất, đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
|
Nông dân Nguyễn Đăng Hiến (TP. Đà Lạt) – người đã thành công |
Để sản xuất theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát triển, bên cạnh việc mở rộng diện tích, Lâm Đồng còn tổ chức các lớp tập huấn nhằm chuyển giao công nghệ đến nông dân. Đặc biệt, đến nay, tỉnh đã xây dựng hàng trăm mô hình trình diễn, mô hình phát triển sản xuất ứng dụng cácthiết bị, công nghệ, vật liệu mới vào sản xuất đến các huyện, TP trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT cũng đã xây dựng các mô hình liên kết có hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp tại các huyện có vùng nguyên liệu nông sản lớn như: Đơn Dương, Di Linh, Đức Trọng và TP Đà Lạt… Ngoài ra, công tác thu hút đầu tư, đa dạng hóa các nguồn vốn và hợp tác quốc tế cũng đang được mở rộng. Từ giữa năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 67 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng; đã phối hợp với tỉnh Đông Flanders (Bỉ) thực hiện dự án Trung tâm công nghệ cao canh tác rau, hoa trong nhà kính; phối hợp với tổ chức JICA thực hiện Dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp; đồng thời, tỉnh cũng đã khuyến khích các nông hộ đầu tư phát triển 532 trang trại trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.
Đến nay, công tác chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao đã được triển khai khá tích cực. Trong đó, tỉnh đã triển khai nghiên cứu, khảo nghiệm, phục tráng, di nhập trên 20 giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao; phát triển được 50 cơ sở nuôi cấy mô thực vật sản xuất trên 30 triệu cây giống gốc (tăng gần 50% so với giai đoạn 2004-2010) và trên 200 vườn ươm sản xuất khoảng 2 tỷ cây giống thương phẩm để phục vụ sản xuất (tăng trên 30% so với giai đoạn 2004-2010).
Công nghệ ghép giống đã được địa phương phổ biến rộng rãi trên toàn địa bàn và phát huy hiệu quả rõ rệt trong thực hiện tái canh, cải tạo giống cà phê, chuyển đổi giống chè; đồng thời, tăng khả năng chịu bệnh cho cây cà chua. Ngoài ra, các mô hình sản xuất theo tiêu thức VietGAP, Global GAP và áp dụng các biện pháp chế biến tạo sản phẩm chất lượng cao, áp dụng công nghệ invitro, giống ghép, nhà lưới, nhà kính có điều khiển… cho một số sản phẩm như: Chè, cà phê, rau,.. và một số cây đặc sản khác đã được thị trường nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
Có thể nói, những kết quả đáng kể bước đầu trong việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã và đang mở ra một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng. Từ hướng đi này, Lâm Đồng đã trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước phát triển mô hình nông nghiệp sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()