Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa
LSO-Những năm gần đây, huyện Bắc Sơn tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh, sản xuất sản phẩm theo hướng hàng hóa.
Cán bộ ngành nông nghiệp của tỉnh khảo sát mô hình trồng cam tại xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn |
Ông Tô Bắc Thái, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn cho biết: Giai đoạn 2015 – 2020, UBND huyện tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đặc biệt, huyện chủ trương tạo mối liên kết giữa 4 nhà (nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp) để thúc đẩy phát triển bền vững, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng trên địa bàn.
Với chủ trương đó, Bắc Sơn đã từng bước thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất, bước đầu mang lại kết quả thiết thực như: mô hình trồng lúa nếp cái hoa vàng tại xã Bắc Sơn; nuôi trâu nhốt chuồng xã Chiến Thắng; trồng rau an toàn tại xã Hữu Vĩnh; trồng cam Canh tại xã Tân Lập… Ngoài ra, huyện còn tạo điều kiện để các tổ hợp tác, doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh tế mới như: nuôi thỏ sinh sản tại xã Trấn Yên; trồng cam đường tại xã Tân Hương.
Điển hình như mô hình nuôi thỏ tại xã Trấn Yên do Hợp tác xã Nông nghiệp xanh thực hiện. Mặc dù mới được đầu tư từ đầu năm 2016, nhưng đến nay đã và đang cho thấy kết quả khả quan. Với hơn 400 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, mua sắm trang thiết bị và 65 con thỏ giống bố, mẹ, đến nay do được áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên thỏ phát triển tốt, đã sinh sản được hơn 1.000 con. Tháng 2/2017, hợp tác xã đã xuất bán lô hàng đầu tiên cho Công ty Nippon Zoki của Nhật Bản. Mặc dù quy mô mô hình còn hạn chế, song đây là hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của huyện Bắc Sơn nói riêng và của tỉnh nói chung.
Ông Hoàng Văn Định, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xanh chia sẻ: Nuôi thỏ sinh sản là mô hình còn rất mới đối với Lạng Sơn, qua tìm hiểu của hợp tác xã, hiện cả tỉnh chỉ có khoảng 4 mô hình nhưng quy mô nhỏ với khoảng trên dưới 200 con. Mục tiêu của hợp tác xã là huy động nguồn lực để nâng cấp quy mô chuồng trại và liên kết với các mô hình khác nhằm nâng tổng số con giống lên trên 2.000 con, hướng đến ký hợp đồng lâu dài với đối tác Nhật Bản.
Cũng trong năm 2016, huyện Bắc Sơn đã tạo điều kiện để Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hồng Phong xây dựng mô hình trồng cây ăn quả tại xã Tân Hương với 2 loại cam mới là đồng tiền và đường xuân. Đến nay, công ty đã đầu tư nguồn vốn hơn 20 tỷ đồng, trồng được 45.000 cây cam với hệ thống tưới tiêu bán tự động trên tổng diện hơn 50 ha, dự kiến vụ sau sẽ cho quả. Nếu thành công thì đây sẽ là mô hình cây ăn quả tập trung lớn thứ 2 của huyện sau vùng quýt truyền thống.
Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Để phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai một số giải pháp cụ thể. Trong đó, bên cạnh đầu tư xây dựng các mô hình mới, đối với những sản phẩm chủ lực, huyện tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng và mở rộng sản xuất ở các vùng có lợi thế, đặc biệt quan tâm đến quy hoạch các vùng sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng và quảng bá sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị, tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm.
ANH DŨNG
Ý kiến ()