Phát triển nông nghiệp, nông thôn: Hiệu quả từ nguồn vốn ODA
LSO - Có thể khẳng định, trong những năm qua, các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, trong đó đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân trên địa bàn tỉnh. Cuộc hội thảo vận động nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh diễn ra vào ngày 31/10-1/11 vừa qua có ý nghĩa lớn trong việc tiếp thêm nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Xứ Lạng.
LSO – Có thể khẳng định, trong những năm qua, các nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức nước ngoài, trong đó đặc biệt là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân trên địa bàn tỉnh. Cuộc hội thảo vận động nguồn vốn ODA trên địa bàn tỉnh diễn ra vào ngày 31/10-1/11 vừa qua có ý nghĩa lớn trong việc tiếp thêm nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn Xứ Lạng.
Ưu tiên đầu tư cho giao thông nông thôn (Mở đường vào xã Vân An, huyện Chi Lăng)
Các nguồn vốn ODA đầu tư vào Lạng Sơn từ khá sớm, trước tiên là triển khai trong công tác trồng rừng. Từ năm 1995, chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và Chính phủ Việt Nam đã đồng tài trợ dự án trồng rừng Việt – Đức, trong đó Lạng Sơn là một trong các địa phương được thụ hưởng. Các dự án được tài trợ qua 3 thời kỳ với tổng mức đầu tư 77,3 tỷ đồng, trong đó vốn ODA đầu tư 65,4 tỷ đồng và 11,9 tỷ đồng vốn đối ứng. Triển khai dự án này, đã có 281 thôn bản ở 31 xã trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng, trồng mới gần 18.000ha rừng. Ngay sau dự án trồng rừng Việt – Đức, dự án trồng PAM được triển khai từ năm 1998-2000 trên địa bàn 36 xã, 320 thôn bản với 10.796 hộ gia đình tham gia. Tổng kinh phí thực hiện dự án là trên 25,8 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí của PAM tài trợ hơn 21,5 tỷ đồng. Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Thị Thanh Nhàn khẳng định: thông qua các dự án này không chỉ góp phần tăng nhanh diện tích rừng trên địa bàn tỉnh mà còn giúp người nông dân nhanh chóng tiếp cận với nghề rừng, phát triển kinh tế rừng. Riêng dự án PAM đã trồng mới được hơn 9 nghìn ha rừng, hàng vạn lượt nông dân được thụ hưởng.
Ngoài các dự án trồng rừng, trong thời gian qua, Lạng Sơn đã tiếp nhận 16 dự án ODA đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn với tổng mức đầu tư 1.269,5 tỷ đồng. Các dự án này chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực giao thông nông thôn, thủy lợi, xây dựng trường học, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe và nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực dự án. Mặt khác từ năm 1998 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hiện còn 4 dự án đang hoạt động với tổng vốn 56 nghìn USD, các dự án chủ yếu đầu tư vào trồng rừng, chế biến nông, lâm sản. Trong 3 năm trở lại đây, tỉnh cũng đã tiếp nhận 15 dự án từ nguồn vốn phi chính phủ (NGO) đầu tư vào khu vực nông thôn với tổng giá trị cam kết tài trợ đạt 3,2 triệu USD. Có thể khẳng định, các dự án hỗ trợ đầu tư đã có những tác động mạnh mẽ, góp phần quan trọng củng cố hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân. Theo thống kê, đến nay Lạng Sơn đã có hệ thống thủy lợi với 1.059 công trình lớn, 2.340 công trình tiểu thủy nông và gần 1 nghìn km kênh mương, trong đó 57,8% đã được kiên cố hóa. Với hệ thống 609 công trình cấp nước tập trung và trên 56.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ, đã tạo điều kiện cho 81% cu dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hệ thống điện và chợ nông thôn cũng không ngừng phát triển với 207/207 xã trên địa bàn có điện lưới quốc gia, tổng số chợ là 84 chợ, trong đó có 62 chợ nông thôn…
Tuy nhiên, để tiếp tục thúc đẩy, tạo động lực cho nông nghiệp, nông thôn Lạng Sơn có những bước tiến nhanh và vững chắc, nguồn lực cần là rất lớn. Tổng nhu cầu vốn thực hiện các mục tiêu quy hoạch đề ra với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay là trên 34.700 tỷ đồng. Ngày 6/7/2011, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 1076/2011/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án gọi vốn đầu tư vào tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2011-2015, tổng số 57 dự án với tổng số vốn dự kiến đầu tư trên 1.269 triệu USD, trong đó lĩnh vực nông lâm nghiệp có 9 dự án với tổng số vốn dự kiến đầu tư 43,5 triệu USD và ngày 22/12/2012 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2017/QĐ-UBND phê duyệt danh mục dự án vận động thu hút nguồn vốn ODA và các nguồn vốn hỗ trợ khác vào tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tổng số 96 dự án với tổng nhu cầu vốn là 1.412,4 triệu USD.
Với những hiệu quả triển khai thực hiện nguồn vốn trong những năm qua và căn cứ vào danh mục dự án kêu gọi vốn của tỉnh, hội thảo vận động ODA là cơ hội lớn để Lạng Sơn có thể tiếp nhận thêm các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bài, ảnh: Vũ Như Phong
Ý kiến ()