Phát triển nông nghiệp cận đô thị ở Phú Thọ
Là tỉnh trung du miền núi, dân cư thưa thớt, đất sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún khiến nông dân gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng nông sản. Từ khi chương trình sản xuất nông nghiệp cận đô thị được triển khai, nhiều hướng đi mới, cách làm hay đã được áp dụng, bước đầu đem lại thu nhập khá cao cho nông dân.
Tạo hướng đi mới
Sau hai tháng triển khai, mô hình trồng dưa chuột Nhật Bản xuất khẩu của 87 hộ dân tại xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ đã cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân mở ra hướng đi mới, hiệu quả. Mô hình này được UBND thị xã hỗ trợ kinh phí 700 nghìn đồng/sào tiền giống, vật tư, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Ông Nguyễn Quang Bình, khu 11, xã Hà Thạch cho biết, trước đây, do không có hướng dẫn nên gia đình vẫn trồng các loại lúa, ngô thông thường nên giá trị kinh tế thấp, mất nhiều công chăm sóc, vun trồng. Từ khi tham gia mô hình trồng dưa chuột Nhật Bản xuất khẩu, chúng tôi thấy hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, gia đình tôi đang trồng 1,3 sào dưa chuột, sau hơn một tháng đã cho thu hoạch 50%, được 1,5 tấn, giá bán dao động từ 1.000 đến 2.800 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi sào thu được khoảng năm triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng ngô, lúa. Đây là mô hình được triển khai theo hình thức “liên kết bốn nhà”, do đó, 100% số sản phẩm của nông dân được bao tiêu, mở ra cơ hội mới trong sản xuất nông nghiệp của xã.
Còn mô hình trồng ớt Hotchil, dưa chuột, nấm, lúa chất lượng cao đang triển khai tại một số địa phương của huyện Cẩm Khê cũng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người dân. Đối với cây ớt Hotchil xuất khẩu, chỉ cần gần ba tháng gieo trồng, cây ớt cho thu hoạch, năng suất đạt 42 triệu đồng/ha; mô hình trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu cũng mang lại hiệu quả kinh tế. Ông Lê Thu Ngà, xã Hương Lung cho biết, gia đình ông trồng hai sào dưa bao tử, sau 35 ngày trồng, dưa bắt đầu cho thu hoạch, thu trong vòng hai tháng, năng suất đạt từ hai đến 2,5 tấn/sào; giá bán loại một là 5.500 đồng/kg, loại hai là bốn nghìn đồng/kg và loại ba là ba nghìn đồng/kg; trừ chi phí, mỗi sào cho lãi hơn năm triệu đồng, cao gấp ba lần so với trồng lúa. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hương Lung Nguyễn Đình Xuyên cho biết, mô hình trồng ớt Hotchil xuất khẩu tại xã được triển khai hai năm nay. Để bảo đảm từ khâu trồng đến khâu bao tiêu sản phẩm, xã đã ký hợp đồng với doanh nghiệp theo hình thức liên kết “bốn nhà”. Vì vậy, người dân yên tâm sản xuất, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn trong huyện. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ra các khu, dự kiến sẽ liên kết cùng với các xã lân cận để tạo vùng nguyên liệu rộng lớn và mở hướng làm giàu cho người dân.
Còn tại huyện Đoan Hùng, mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu. Hiện nay, huyện đã triển khai nuôi cá lồng tại bảy xã với tổng số 114 lồng, năng suất đạt hai tấn/lồng, trừ chi phí mỗi lồng cá cho thu từ 150 đến 200 triệu đồng/lồng. Anh Triệu Quốc Trung, thôn 9, xã Hùng Long được dự án hỗ trợ, năm 2014 anh vay vốn ngân hàng đóng mới thêm 20 lồng cộng với 15 lồng cá cũ, hiện gia đình anh có 35 lồng nuôi cá lăng chấm, cá chiên, nheo, trắm. Anh Trung phấn khởi cho biết, với 15 lồng cá cũ, năm ngoái gia đình đã thu được 300 triệu đồng. Nếu thời tiết thuận lợi, dự tính vụ cá này, trừ hết các chi phí, gia đình anh sẽ thu được từ năm đến sáu trăm triệu đồng. Anh Trung cho biết thêm, từ khi nuôi cá đến nay chưa bao giờ gia đình phải mang cá đi bán, đến khi thu hoạch, các lái buôn, nhà hàng trong và ngoài tỉnh đến tận nơi thu mua hết.
Mở rộng liên kết
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang triển khai 19 dự án nông nghiệp cận đô thị, trong đó có hai dự án sản xuất lúa chất lượng cao; bảy dự án sản xuất rau, quả an toàn; hai dự án sản xuất nấm, ba dự án nuôi cá lồng; hai dự án chăn nuôi gà chất lượng cao và một số dự án khác. Bước đầu các dự án đều đạt những kết quả khả quan, có thể nhân ra diện rộng thành những vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Trong đó, có những dự án hướng nông dân đến phương thức sản xuất hiện đại, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn thực phẩm như dự án cá lồng trên sông Lô, sông Đà, sông Bứa; dự án sản xuất lúa lai chất lượng cao tại Thanh Ba, Cẩm Khê hoặc dự án trồng rau an toàn tại Lâm Thao, thị xã Phú Thọ, huyện Cẩm Khê…
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Khê Trần Thị Thu Hưởng, việc triển khai các mô hình nông nghiệp cận đô thị thật sự đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân rất phấn khởi. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, từng bước thay đổi được tư duy, tập quán canh tác lạc hậu, manh mún. Nông dân có ý thức và trách nhiệm hơn về sản phẩm mình làm ra, bước đầu đã tạo được lòng tin của người tiêu dùng, đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap, Quacert.
Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình trên vẫn còn xuất hiện những bất cập, như nông dân vẫn chưa làm chủ được sản phẩm trên đồng ruộng mà phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ, các thương lái; ở một số nơi, nông dân chưa thật sự tuân thủ theo đúng hướng dẫn kỹ thuật; còn tình trạng thụ động trong việc tìm các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp và vẫn có sự ỷ lại không nhỏ vào cơ chế, chính sách của Nhà nước. Thậm chí, ngay cả ở những vùng nằm trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp cận đô thị, người nông dân chỉ làm tốt khi tham gia mô hình, được cung cấp giống, phân bón, hỗ trợ nhiều khoản chi phí khác, sau khi kết thúc mô hình, nhân ra diện rộng thì năng suất giảm rõ rệt bởi các bài học kỹ thuật chăm sóc đã không được tuân thủ nghiêm ngặt.
Để phát huy hiệu quả các mô hình, dự án nông nghiệp cận đô thị, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất; quan tâm đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, đồng thời vận động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ Trần Tú Anh cho biết, phát triển nông nghiệp cận đô thị được xem như một hướng đi đột phá, tạo tiền đề để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, an toàn thực phẩm. Từ đó để ngành nông nghiệp xây dựng và hình thành các vùng chuyên canh lớn, tạo nền móng xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai. Hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh đã hợp tác với một số doanh nghiệp để cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Tới đây sẽ tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa các cây con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao vào đồng ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các nhà cung cấp, các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Với cách làm này, các mô hình, dự án hỗ trợ sản xuất được triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đi đúng hướng, từng bước được nhân rộng, góp phần vào công cuộc giảm nghèo tại địa phương và tạo điều kiện cho người dân làm giàu và xây dựng nông thôn mới.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()