Phát triển nhiên liệu sinh học: Còn nhiều khó khăn
Việc thực hiện Quyết định 177/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” tại các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Việc thực hiện Quyết định 177/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” tại các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ lớn của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương liên quan.
|
Ông Nguyễn Phú Cường. (Ảnh: HH) |
Khó khăn chồng khó khăn
Khó từ việc xây dựng các nhà máy đến việc trồng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối và tiêu thụ sản phẩm nhiên liệu sinh học, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ khoa học công nghệ, Bộ Công thương cho biết tại buổi tập huấn “Phát triển nhiên liệu sinh học bền vững tại Việt Nam” cho các nhà báo trong nước, ngày 9/7.
Tính đến nay, Chính phủ đã phê duyệt cho 6 nhà máy (NM) xây dựng và đã đi vào hoạt động là: NM sản xuất ethanol nhiên liệu (Công ty CP Đồng Xanh) có công suất thiết kế 130 triệu lít/năm, nhưng đến cuối năm 2012 đang tạm dừng vì phải giải quyết công nợ; NM sản xuất ethanol nhiên liệu (Công ty TNHH Tùng Lâm), với công suất thiết kế 70 triệu lít/năm; NM sản xuất bioethanol Đắc Tô – Kon Tum với công suất thiết kế 65 triệu lít/năm; NM sản xuất ethanol sinh học Dung Quất với công suất thiết kế 100 triệu lít/năm; NM sản xuất ethanol nhiên liệu Bình Phước thuộc PVOIL có công suất thiết kế 100 triệu lít/năm.
Hiện các nhà máy đó đều đang trong tình trạng sản xuất cầm chừng; riêng NM sản xuất ethanol (Công ty Đại Việt) có công suất thiết kế 70 triệu lít/năm cũng chỉ chạy khoảng 35% công suất thiết kế.
Cùng với đó, hiện nay NM sản xuất Ethanol Phú Thọ thuộc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) tại Tam Nông, Phú Thọ đã tạm dừng, khiến cho người dân trồng sắn (vùng nguyên liệu) không bán được, vì thế càng khó khăn hơn.
Các DN đã đầu tư đều đáp ứng chạy 100% công suất, tuy nhiên sản phẩm đầu ra tiêu thụ trong nước chỉ đạt 20% để pha trộn xăng E5 và bán theo hệ thống Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Công ty Sài Gòn Petro; 80% còn lại xuất khẩu cho các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippine ở dạng 99,5% và 96% Ethanol, nhưng do chi phí xuất khẩu tăng cao nên DN gặp rất nhiều khó khăn.
Được biết, tính đến cuối năm 2012, năng lực sản xuất ethanol nhiên liệu của cả nước đạt 535 triệu lít/năm. Khi các NM đi vào hoạt động sẽ đạt công suất thiết kế, do đó, sản lượng ethanol sẽ đủ để phối trộn 8,35 triệu tấn xăng E5 hoặc 4,17 triệu tấn xăng E10, đảm bảo đủ và vượt để cung cấp cho thị trường cả nước bằng xăng E5 từ đầu năm 2013.
Theo đại diện của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đến nay Tập đòan đã đầu tư 5 cơ sở pha chế xăng E5 tại Đình Vũ, Nhà Bè, Liên Chiểu, Vũng Tàu và 4 kho đầu mối để phục vụ kinh doanh xăng E5. Hệ thống phân phối xăng E5 trên toàn quốc đã có 175 cửa hàng thuộc hệ thống của PV OIL, Petec, Sài Gòn Petro thuộc địa bàn 34 tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Huế, Tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Vũng Tàu, Quảng Nam…
Trong năm 2012, các Nhà máy cồn ở Bình Phước và Dung Quất đã sản xuất và cung ứng ra thị trường được tổng cộng 25.900 m3 Ethanol E100 thành phẩm.
Do khó khăn về thị trường, phần lớn các sản phẩm nhiên liệu sinh học của các nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp, giá bán không bù đủ chi phí giá thành do giá Ethanol trên thế giới thời điểm năm 2012 xuống thấp, trong khi giá nguyên liệu sắn lại tăng cao.
Tốc độ phát triển mạng lưới phân phối còn chậm và chưa tương xứng với tốc độ phát triển các cơ sở sản xuất đã gây trở ngại lớn cho việc tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở sản xuất Ethanol nhiên liệu. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân tác động đến tốc độ phát triển mạng lưới phân phối là do các doanh nghiệp cần phải đầu tư cải tạo, bổ sung một số thiết bị, cơ sở vật chất để phục vụ phân phối xăng E5 nhưng không được hưởng các chính sách ưu đãi như các dự án sản xuất.
Đối với nhóm ngành sản xuất và phân phối điêzen sinh học, hiện Việt Nam chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn do việc phát triển vùng nguyên liệu đòi hỏi thời gian cũng như khó khăn trong nghiên cứu, lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp. Một số bio-điêzen sử dụng mỡ các phụ phẩm của ngành chế biến thủy sản làm nguyên liệu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hoạt động cầm chừng do giá nguyên liệu lên quá cao. Các dự án trồng và phát triển cây jatropha làm nguyên liệu không đạt kế hoạch đề ra do chưa chọn được các giống tốt và mô hình canh tác phù hợp. Các mô hình sản xuất sử dụng nguyên liệu là dầu mỡ thực phẩm thải chưa đưa vào được thực tế do không thu mua được nguyên liệu.
Cần sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ
Để đem lại hiệu quả kinh doanh nhiên liệu sinh học như mong muốn, theo các DN, Chính phủ cần có chính sách dài hạn cho DN đầu tư như miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị vật tư tồn trữ, vận chuyển, pha chế, phân phối NLSH trong nước chưa sản xuất được; miễn thuế môi trường đối với phần xăng nền để pha chế xăng E5; giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5 đưa vào lưu thông (bao gồm cả phần xăng nền dùng để pha chế xăng E5); hỗ trợ thuế VAT đối với sản phẩm đầu ra cho E100 của các NM NLSH và tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm xăng E100, nhằm bảo hộ thị trường sản xuất trong nước.
Ngoài ra, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ phát triển nguồn trồng sắn nguyên liệu cho người dân để tăng năng suất mà không cần mở rộng diện tích vẫn đạt hiệu quả cao, đáp ứng đủ nguyên liệu cho đầu vào sản xuất.
Đặc biệt, cần phải có cơ chế cho việc tuyên truyền, sao cho người dân hiểu đúng về chất lượng sản phẩm và tin dùng. Vì hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chính sách hỗ trợ, khuyến khích thông qua ưu đãi về thuế, phí và hàng loạt các chính sách hỗ trợ khác… Nếu Việt Nam làm được việc đó thì giá thành NLSH mới có thể cạnh tranh được với xăng dầu truyền thống và thu hút được nhiều DN cùng tham gia.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()