Phát triển nhanh và bền vững đất nước để bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa"
Đại hội XIII của Đảng nhận định: "Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc".
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an ninh con người. Đến thế kỷ 21 đã xuất hiện nhiều khái niệm và vấn đề mới như "biên giới mềm", "sức mạnh mềm", "không gian ảo"… Các vấn đề toàn cầu: thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… tiếp tục diễn biến phức tạp.
Thách thức trong quản trị không gian mạng và không gian ảo như vấn đề kinh doanh đa cấp ảo, bong bóng đầu tư vào các loại tiền ảo tiềm ẩn khủng hoảng lan truyền tới thị trường tài chính có thể gây mất ổn định xã hội.
Khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao, an ninh năng lượng, an ninh lương thực... đang thử thách năng lực điều hành của các chính phủ, sự vững chắc của các thể chế chính trị và các nền kinh tế. Những vấn đề mới đó đã được Đảng nhận thức sớm.
Tại Nghị quyết số 08/NQ-TW, ngày 17/12/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII, Đảng đã cảnh báo và chỉ ra các yếu tố thách thức đối với an ninh quốc gia, trong đó có vấn đề an ninh phi truyền thống. Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ ứng phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia khi những vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp và có tác động mạnh mẽ, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử quân sự khẳng định: Bước phát triển mới về tư duy, nhận thức của Đảng về công cuộc bảo vệ Tổ quốc là phải dự đoán, chuẩn bị, bảo vệ Tổ quốc "từ sớm, từ xa".
Nhiệm vụ của chúng ta là quán triệt thực hiện "Xây dựng các lực lượng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống". Nhiệm vụ của chúng ta còn là sẵn sàng ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.
Đại tá Trần Ngọc Long cũng chỉ ra những đặc điểm: "An ninh truyền thống lấy chủ quyền quốc gia làm trung tâm, nhấn mạnh các mối đe dọa có nguồn gốc từ bên ngoài. An ninh phi truyền thống lấy con người làm trung tâm, nhấn mạnh việc bảo đảm cho mỗi cá nhân trong cộng đồng được hưởng các quyền cơ bản và điều kiện thuận lợi để phát triển năng lực của mình. Biện pháp đảm bảo an ninh phi truyền thống đa dạng hơn và chủ yếu mang tính chất phi quân sự, với sự hợp tác, phối hợp hành động".
Xây dựng quốc gia phát triển bền vững, thịnh vượng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững an ninh là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ tương quan không tách rời. Từ nhận thức đó, chúng ta nỗ lực phát triển kinh tế, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, tăng cường quốc phòng và an ninh...
Xây dựng quốc gia phát triển bền vững, thịnh vượng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững an ninh là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ tương quan không tách rời.
Ngoài ra còn cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo và ứng phó với thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ... Tất cả đều góp phần tạo nền tảng vững chắc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc "từ sớm, từ xa". Điều này đã được Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Tô Lâm chỉ đạo có tính tổng quát.
Trong bài Phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII, ngày 20/9/2024, đồng chí Tô Lâm đã nhấn mạnh: "Cần chú trọng tập trung cao nhất các giải pháp ưu tiên để bảo đảm tăng trưởng cao của nền kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo tốt nhất cho đời sống người dân, đặc biệt là đối với các địa phương chịu hậu quả nặng nề của cơn bão số 3; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và không ngừng nâng cao vị thế và đóng góp của Việt Nam vào hòa bình, ổn định phát triển của khu vực và thế giới".
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, phương hướng, giải pháp chiến lược đầu tiên đã được Tổng Bí thư chỉ rõ: "Kiên định phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường là trung tâm, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, tăng cường quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế là trọng yếu, thường xuyên".
Chúng ta đã và đang nỗ lực thực hiện tốt những công việc theo định hướng đó và cũng đồng thời thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ý kiến ()