Phát triển nhanh dịch vụ kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dầu khí Việt Nam
Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ-Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) là đơn vị dịch vụ kỹ thuật dầu khí hàng đầu của ngành Dầu khí Việt Nam chuyên cung cấp các loại hình dịch vụ kỹ thuật dầu khí như: dịch vụ tàu chuyên ngành dầu khí, dịch vụ cơ khí dầu khí, dịch vụ tàu chứa FSO/FPSO, dịch vụ căn cứ cảng dầu khí, dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, đấu nối và vận hành bảo dưỡng... cho các công ty, nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước.Là đơn vị dịch vụ chuyên cung cấp dịch vụ, trước đây PTSC thường chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty cung cấp dịch vụ khác khi tham gia chào giá cung cấp dịch vụ. Các công ty này thường chào giá cung cấp dịch vụ với mức giá thấp, tuy nhiên chất lượng dịch vụ không bảo đảm và kém ổn định. Có thể nói, Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là chủ trương đúng đắn và kịp thời nhằm chấn chỉnh các hoạt động cung cấp dịch vụ trong ngành, là căn cứ để...
Là đơn vị dịch vụ chuyên cung cấp dịch vụ, trước đây PTSC thường chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty cung cấp dịch vụ khác khi tham gia chào giá cung cấp dịch vụ. Các công ty này thường chào giá cung cấp dịch vụ với mức giá thấp, tuy nhiên chất lượng dịch vụ không bảo đảm và kém ổn định. Có thể nói, Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là chủ trương đúng đắn và kịp thời nhằm chấn chỉnh các hoạt động cung cấp dịch vụ trong ngành, là căn cứ để các đơn vị trong ngành chủ động hỗ trợ và phối hợp lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD). Nghị quyết không chỉ tạo điều kiện cho các đơn vị dịch vụ mở rộng đầu tư, tập trung phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính để nâng cao quy mô, năng lực cung cấp dịch vụ mà còn tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng dịch vụ bảo đảm nhận được dịch vụ có chất lượng cao, ổn định và nhanh chóng với giá cạnh tranh, giảm thời gian và nguồn lực cho các công tác chào giá đấu thầu, cũng như giảm rủi ro do nhận các sản phẩm dịch vụ kém chất lượng.
Nghị quyết số 233/NQ-ĐU mang lại những điều kiện thuận lợi, cơ hội cho PTSC duy trì và đẩy mạnh các hoạt động SXKD, tạo tiền đề và cơ sở vững chắc cho PTSC đạt được những thành tựu to lớn, góp phần nâng cao năng lực, uy tín và thương hiệu của PTSC trên thị trường dịch vụ. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước giai đoạn 2009-2010 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Tổng công ty PTSC vẫn thực hiện thành công bước phát triển tăng tốc giai đoạn 2009-2010 theo chiến lược phát triển được Tập đoàn phê duyệt, với tổng doanh thu thực hiện cả năm 2009 đạt 12 nghìn tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm 2008 và doanh thu năm 2010 là 20.800 tỷ đồng, tăng 73% so với năm 2009. Theo số liệu thống kê, tỷ trọng giá trị hợp đồng PTSC thực hiện được từ việc nhận chỉ định thầu trong năm 2010 tăng cao hơn đáng kể so với năm 2009. Cụ thể dịch vụ cung ứng tàu chuyên ngành dầu khí tăng hơn 18%, dịch vụ cơ khí dầu khí tăng 19%, dịch vụ khảo sát địa chất công trình và khảo sát sửa chữa công trình ngầm bằng ROV tăng hơn 18%…
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 233/NQ-ĐU trong 2 năm qua cho thấy, chủ trương ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong ngành đã tạo điều kiện cho PTSC trên các mặt sau: Giúp cho PTSC chủ động trong việc lập và thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển nguồn lực cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phương tiện, tăng cường tuyển dụng, đào tạo nhằm nâng cao năng lực dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của các nhà thầu dầu khí. Tổng giá trị thực hiện đầu tư của PTSC tăng mạnh trong năm 2009 và năm 2010, giúp nâng tổng tài sản của PTSC năm 2009 lên hơn 12 nghìn tỷ đồng (tăng 50% so với năm 2008) và đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng trong năm 2010 (tăng 41% so với năm 2009). Năng suất lao động năm 2009 đạt 172 triệu đồng/người/tháng (tăng 8% so với năm 2008) và đạt 217 triệu đồng/người/tháng (tăng 25% so với năm 2009). Giá trị tự thực hiện trong các hợp đồng của PTSC bảo đảm duy trì mức tăng ổn định đối với tất cả các lĩnh vực dịch vụ cho thấy PTSC đã thật sự tận dụng được hiệu quả chủ trương Nghị quyết 233 cho sự phát triển bền vững của Tổng công ty, nhanh chóng đầu tư nâng cao năng lực để chiếm lĩnh thị trường dịch vụ trong và ngoài nước.
Bước sang năm 2011, năm 'bản lề' của Tổng công ty thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2011-2015 nhằm thực hiện thành công chiến lược tăng tốc phát triển lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật ngành dầu khí nói chung và PTSC nói riêng; trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới đã phục hồi và bước vào chu kỳ phát triển mới, dự báo hoạt động SXKD dịch vụ trong lĩnh vực kỹ thuật dầu khí sẽ có những bước khởi sắc, PTSC cần phải nỗ lực phấn đấu để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch cả năm 2011, góp phần cùng Tập đoàn thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ chung được Chính phủ giao. Với vai trò là đơn vị dịch vụ kỹ thuật hàng đầu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, phát huy truyền thống Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, nhận thức rõ tầm quan trọng đặc biệt của việc cùng Tập đoàn thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, HĐQT, Ban Tổng Giám đốc PTSC xác định năm nhóm giải pháp trọng yếu cần tập trung thực hiện trong năm 2011 như sau:
Nhóm giải pháp về thị trường và phát triển dịch vụ
Xây dựng chiến lược ma-két-tinh đồng bộ về chính sách giá, chất lượng dịch vụ, quan hệ khách hàng và thị trường, tập trung vào sáu loại hình dịch vụ chính: Dịch vụ cung ứng tàu chuyên dụng dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng dầu khí, dịch vụ cơ khí dầu khí, dịch vụ kho nổi FSO/FPSO, dịch vụ vận chuyển lắp đặt, vận hành bảo dưỡng các công trình dầu khí (O&M), dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất công trình và khảo sát sửa chữa công trình ngầm; tiếp tục giữ vững vị trí và vai trò là đơn vị hàng đầu trong ngành cung cấp các loại hình dịch vụ kỹ thuật dầu khí.
Theo dõi, nắm bắt và đáp ứng kịp thời các nhu cầu dịch vụ các dự án trọng điểm của Tập đoàn trong thời gian tới, cũng như tranh thủ sự ủng hộ của Tập đoàn, đơn vị bạn trong chủ trương ưu tiên sử dụng dịch vụ nội bộ để tham gia cung cấp dịch vụ với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh, nhằm nâng cao uy tín và thương hiệu của PTSC đối với các đơn vị trong ngành, góp phần duy trì mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với các công ty, nhà thầu dầu khí, giữ vững thị trường nội địa, làm điểm tựa vững chắc để cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Đẩy mạnh liên doanh, liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, trong và ngoài ngành dầu khí để phát huy các thế mạnh của mỗi đơn vị nhằm tăng sức cạnh tranh dịch vụ cũng như tránh đối đầu trực tiếp. Phối hợp chặt chẽ, bám sát các hoạt động mở rộng, phát triển dịch vụ ra nước ngoài của Tập đoàn, PVEP để tham gia thực hiện ma-két-tinh, quảng bá thương hiệu, từng bước tham gia cung cấp dịch vụ ra các nước Nga, Mi-an-ma, Ấn Độ…
Nhóm giải pháp về tổ chức và phát triển nguồn nhân lực
Củng cố, hoàn thiện và phổ biến văn hóa PTSC 'Đoàn kết, năng động, sáng tạo và chuyên nghiệp' tới từng vị trí công tác, từng người lao động, tạo động lực cho người lao động phát huy khả năng của mình.
Tổ chức thực hiện công tác đổi mới doanh nghiệp, tái cấu trúc các đơn vị thành viên theo Nghị quyết số 1879/NQ-DKVN ngày 6-8-2010 của HĐTV Tập đoàn nhằm cơ cấu, sắp xếp hợp lý các lĩnh vực dịch vụ theo hướng tập trung, chuyên sâu, để nâng cao sức mạnh và ưu thế trong cạnh tranh dịch vụ.
Hoàn thiện, nâng cao tổ chức công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, coi đây là công cụ trọng yếu trong công tác quản lý điều hành của mô hình công ty mẹ – công ty con của PTSC nhằm kịp thời xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động SXKD, phát huy cao nhất sự phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị thành viên để tạo sức mạnh tổng hợp chung của toàn Tổng công ty. Tổ chức, quy hoạch cán bộ trong toàn Tổng công ty để làm cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ sau này.
Chú trọng thực hiện các giải pháp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất lao động. Tập trung vào tính hiệu quả trong công tác đào tạo tay nghề, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho người lao động để bảo đảm nguồn nhân lực có trình độ quốc tế cho nhu cầu phát triển dài hạn của PTSC.
Nhóm giải pháp về đầu tư
Tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát tiến độ các dự án đầu tư. Tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là các dự án trọng điểm như: Dự án Mở rộng giai đoạn III Cảng căn cứ Dịch vụ-Kỹ thuật dầu khí Hạ lưu Vũng Tàu (13,8 ha); Dự án đầu tư mở rộng giai đoạn 2 Cảng Hòn La; Trung tâm Thương mại và DVDK Đà Nẵng; Dự án cao ốc phức hợp văn phòng và chung cư nhà ở 266 Lê Lợi Vũng Tàu; Dự án đóng mới tàu 2.200HP, tàu 5.100HP, đầu tư tàu dịch vụ 10.000 HP, góp vốn đầu tư tàu 3D và các thiết bị cho cơ khí dầu khí, xe nâng, xe cẩu các loại… nhằm sớm đưa các dự án đi vào hoạt động.
Thực hiện phân loại và sắp xếp trật tự ưu tiên các dự án đầu tư, bảo đảm: sử dụng hiệu quả vốn, đầu tư theo trọng điểm, không đầu tư các dự án không có khả năng thu xếp vốn, hiệu quả kinh tế – xã hội không cao.
Nhóm giải pháp về công tác tài chính, kế toán
Đa dạng hóa công tác huy động vốn, tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, sử dụng các công cụ quản trị rủi ro trong huy động và quản lý nguồn vốn huy động, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động SXKD. Sử dụng nguồn vay trung và dài hạn từ các ngân hàng, định chế tài chính, để đáp ứng nhu cầu đầu tư là chủ yếu.
Thực hiện tăng vốn chủ sở hữu bằng phương pháp phát hành tăng vốn điều lệ (dự kiến sẽ tăng thêm 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ). Duy trì hệ số nợ một cách thích hợp để bảo đảm tính tự chủ, an toàn về tài chính.
Quản lý sử dụng dòng tiền hiệu quả thông qua duy trì quản lý và sử dụng tốt hệ thống tài khoản trung tâm. Mở rộng hạn mức tín dụng tại các ngân hàng bảo đảm đủ và chủ động nhu cầu vốn lưu động, tín dụng ngắn hạn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh toàn Tổng công ty.
Nhóm giải pháp về tổ chức SXKD
Rà soát, bổ sung, sửa đổi các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng; định mức khai thác và sử dụng máy móc, thiết bị; định mức phục vụ công tác quản lý: chi tiêu, sử dụng ô-tô, điện thoại, trang bị tài sản…; định mức lao động, tiền lương theo hướng quản lý chặt chẽ nhằm hạ giá thành sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', chỉ đạo quyết liệt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát động các phong trào, có cơ chế khuyến khích người lao động phát huy sáng kiến kỹ thuật nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Duy trì tốt việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, an toàn sức khỏe và môi trường trong toàn Tổng công ty. Cập nhật và cải tiến các hệ thống quản lý cho phù hợp với sự phát triển của PTSC, nâng cao hiệu quả SXKD.
Theo Nhandan
Ý kiến ()