Phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công vùng Tây Bắc giai đoạn 2015-2020
Chiều 24/5, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công vùng Tây Bắc giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2030”.
Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc ĐHQGHN, Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc (gọi tắt là Chương trình Tây Bắc); đồng chí Trương Xuân Cừ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc và đồng chí Lê Quân, Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước thuộc Chương trình Tây Bắc đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo khoa học “Phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công |
Hội thảo khoa học là một trong nhiều hoạt động nhằm triển khai Đề tài cấp Nhà nước Nghiên cứu nhu cầu và đề xuất giải pháp phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công vùng Tây Bắc giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục đích của Đề tài nghiên cứu nhằm đề xuất được giải pháp phát triển nhân lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công cho vùng Tây Bắc gắn với đặc thù địa phương, phù hợp với phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Hội thảo khoa học tập trung vào thảo luận một số vấn đề chủ yếu như: Ứng dụng khung năng lực vào phát triển nhân lực lãnh đạo quản lý vùng Tây Bắc, thực trạng đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh và huyện vùng Tây Bắc, các chính sách phát triển đội ngũ cán bộ vùng Tây Bắc.
Khung năng lực là khái niệm phổ biến trong quản trị nhân lực khu vực công ngày nay. Khung năng lực luôn gắn với một chức danh hay vị trí công việc cụ thể, được định nghĩa là tập hợp các năng lực cần thiết để thực thi các công việc, nhiệm vụ của chức danh hay vị trí công việc đó.
Khung năng lực được ứng dụng trong các khâu của quy trình nhân sự, bao gồm tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, sử dụng, đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng. Khung năng lực là cẩm nang quản trị nguồn nhân lực khu vực công. Các quốc gia phát triển đều có Bộ khung năng lực cho các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Nhóm đề tài tập trung nghiên cứu ứng dụng Khung năng lực hiện hành của Canada, Thụy Điển, Singapore, Anh, Pháp vào trong điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam.
Tại Việt Nam, ứng dụng khung năng lực sẽ giải quyết được hiện tượng tỷ lệ cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng nhiều (chuyên môn), nhưng chất lượng chưa tăng tương xứng (về năng lực quản lý điều hành). Thông qua khung năng lực, chân dung của từng vị trí chức danh sẽ rõ ràng.
Ứng dụng khung năng lực vào vùng Tây Bắc, nhóm nghiên cứu tiếp cận theo quy trình Dưới – Lên. Tức là huy động sự tham gia của Tây Bắc vào xây dựng khung năng lực gắn với đặc thù và điều kiện, trình độ phát triển của địa phương. Cách tiếp cận này tránh được tư duy chủ quan, duy ý trí, áp đặt những tiêu chuẩn cao và thiếu thực tiễn. Ứng dụng khung năng lực trong giai đoạn đầu chú trọng để phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và tạo động lực tự hoàn thiện bản thân cho cán bộ.
Theo chỉ đạo của đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc ĐHQGHN, đề tài được triển khai theo phương thức mới: nghiên cứu và bàn giao ngay sản phẩm ứng dụng cho địa phương trong ngay quá trình triển khai đề tài (không theo tiếp cận nghiên cứu xây dựng báo cáo, nghiệm thu đề tài rồi mới chuyển giao ứng dụng). Trách nhiệm của chủ nhiệm đề tài và các nhà khoa học gắn với tính ứng dụng thực tế của sản phẩm đề tài.
Theo tiếp cận này, trước khi bảo vệ đề tài chính thức, Đề tài sẽ bàn giao các sản phẩm chính bao gồm: Cơ sở dữ liệu về nhu cầu nhân lực lãnh đạo quản lý cấp tỉnh, huyện vùng Tây Bắc giai đoạn tới (về số lượng, chất lượng); Bộ khung năng lực và các công cụ ứng dụng khung năng lực vào đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ các chức danh lãnh đạo quản lý cấp tỉnh, huyện;
Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và huyện theo yêu cầu của Đề án vị trí việc làm của các tỉnh vùng Tây Bắc phục vụ ban hành các Quyết định của UBND các tỉnh; Báo cáo đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu theo khung năng lực của đội ngũ lãnh đạo cấp tỉnh và huyện vùng Tây Bắc phục vụ công tác xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giai đoạn tới;
Kế hoạch và nội dung chương trình, gắn với ngân sách, phương pháp… đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và huyện vùng Tây Bắc nhiệm kỳ 2015-2020. Tập trung xây dựng chương trình đào tạo bồi dưỡng các cán bộ thuộc diện quy hoạch nhiệm kỳ tới. Đề tài sẽ tổ chức thí điểm các chương trình tập trung vào phát triển năng lực quản lý điều hành thông qua chuyển giao công nghệ đào tạo tiên tiến đã thành công tại nhiều quốc gia.
Kiến nghị đề xuất một số chính sách; trong đó chú trọng đúc rút bài học kinh nghiệm và nhân rộng các chính sách đã được thí điểm thành công tại một số địa phương. Trọng tâm là Chính sách với cán bộ dân tộc thiểu số; Chính sách đào tạo nguồn tại chỗ và tránh hiện tượng chảy máu sau đào tạo; Chính sách luân chuyển cán bộ cấp tỉnh về huyện, cấp huyện sở về xã; Chính sách đào tạo lãnh đạo trẻ gắn với hội nhập…
Đề tài đóng vai trò xây dựng mô hình kết nối để phát triển nguồn nhân lực giữa Vùng Tây Bắc (đơn vị thụ hưởng) và ĐHQGHN (đơn vị tư vấn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, dịch vụ đào tạo), cùng các Bộ, Ngành, Ủy ban Dân tộc, các tổ chức quốc tế (các đơn vị ban hành chính sách, bảo trợ, tài trợ).
Được biết, qua 5 tháng triển khai đề tài, các địa phương và ĐHQGHN đã phối hợp triển khai xây xong giai đoạn thí điểm với một số huyện và Sở. Đến nay, ĐHQGHN và các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Yên Bái đã ký kết hợp đồng hợp tác triển khai và chuyển giao sản phẩm của đề tài.
Theo CPV
Ý kiến ()