Phát triển nhãn hiệu tập thể cho quả hồng Vành khuyên: Giúp nông dân làm giàu từ cây đặc sản
(LSO) – Tính đến năm 2018, toàn huyện Văn Lãng có 720 ha hồng Vành khuyên, sản lượng trung bình hằng năm đạt 2.000 tấn. Với giá bán từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg, mỗi năm, cây hồng Vành khuyên mang lại hơn 30 tỷ đồng cho nông dân trên địa bàn huyện. Việc tiếp tục nâng cao chất lượng, tăng cường quảng bá hồng Vành khuyên là một trong những giải pháp giúp nông dân làm giàu.
Năm 2016, hồng Vành khuyên đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, tuy nhiên, việc phát triển thương hiệu chưa tương xứng với giá trị và vai trò của nó. Chính vì vậy, từ tháng 6/2018 đến tháng 3/2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Lãng đã xây dựng dự án “Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Văn Lãng” cho sản phẩm hồng Vành khuyên của huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn”.
Hồng Vành khuyên huyện Văn Lãng có hệ thống nhận diện thương hiệu
Ông Đinh Mạnh Khiêm, chuyên viên Phòng NN&PTNT, chủ nhiệm dự án cho biết: Đến năm 2018, toàn huyện mới có 2 hộ thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bao bì mang nhãn hiệu ít được sử dụng. Sản lượng quả còn thấp, năng suất không ổn định, hơn 50% số hộ được hỏi chưa biết hoặc không quan tâm đến NHTT. Mục tiêu của dự án là thiết lập và vận hành cơ chế quản lý nhãn hiệu tập thể NHTT “Hồng Vành khuyên Văn Lãng”; phát triển các kênh thương mại; gắn việc sử dụng bao bì vào chuỗi tiêu thụ hồng vành khuyên; cấp quyền sử dụng NHTT cho các tổ chức, cá nhân; tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Triển khai thực hiện dự án, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp tổ chức 26 hội nghị tập huấn giới thiệu và hướng dẫn sử dụng NHTT “Văn Lãng”, quy trình trồng, chăm sóc hồng Vành khuyên cho hơn 3.100 lượt người trên địa bàn huyện. Vận động các cá nhân, hợp tác xã xây dựng được 6 mô hình sản xuất hồng Vành khuyên theo tiêu chuẩn VietGAP, 1 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với tổng diện diện tích gần 263 ha. Cùng đó, Phòng NN&PTNT chủ trì xây dựng hệ thống nhận diện sản phẩm hồng Vành khuyên Văn Lãng với tem, hộp, túi đựng… Cụ thể, phòng phát hành 3.000 tờ rơi giới thiệu về hồng Vành khuyên Văn Lãng, in 40.000 tem truy xuất nguồn gốc; thiết kế 4.700 hộp, 400 kg túi đựng cung cấp cho các kênh bán lẻ.
Triển khai hoạt động quảng bá, Phòng NN&PTNT phối hợp xây dựng các phóng sự, tin, bài tuyên truyền trên Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, Đài truyền hình Việt Nam; tham gia Tuần lễ quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm Na Chi Lăng và nông sản đặc sản Lạng Sơn tại Hà Nội năm 2019; tham gia Tuần lễ Văn hóa – Du lịch – Thương mại doanh nhân Lạng Sơn năm 2019. Đặc biệt, phòng đã xây dựng được 4 kênh bán lẻ ngoại tỉnh tại: thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Thái Nguyên. Trong tỉnh, đã có 10 kênh bán lẻ được thiết lập tại các huyện: Văn Quan, Lộc Bình, Bình Gia, Chi Lăng, Tràng Định. Sau khi thiết lập được các kênh bán hàng, Phòng NN&PTNT đã bàn giao cho Hợp tác xã Nà Mò tiếp nhận và phân phối sản phẩm. Năm 2019, các kênh bán lẻ đã tiêu thụ trên 31 tấn sản phẩm. Về chủ thể để cấp quyền sử dụng NHTT “Văn Lãng” cho sản phẩm hồng Vành khuyên, Phòng NN&PTNT đã lựa chọn 10 công ty, đại lý bán lẻ và đề nghị Hội Làm vườn huyện tiến hành cấp giấy chứng nhận.
Ông Hoàng Văn Hậu, Giám đốc Hợp tác xã Nà Mò, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng cho biết: Để nâng tầm giá trị quả hồng Vành khuyên thì sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là điều tất yếu. Chính vì vậy, 23/117 hộ dân trong thôn đã chuyển từ sản xuất truyền thống sang VietGAP và hữu cơ với tổng diện tích trên 46 ha. Hiệu quả là năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng.
Nhờ chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác mà năm 2020, sản lượng hồng Vành khuyên huyện Văn Lãng tăng gấp đôi so với những năm trước đây, đạt trên 4.000 tấn, tổng thu từ quả hồng đạt hơn 60 tỷ đồng. Việc nông dân chủ động sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cùng nỗ lực của chính quyền địa phương trong xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm đang từng bước giúp nông dân làm giàu từ loại cây ăn quả đặc sản này.
Ý kiến ()