Là tỉnh mới tái lập, Hậu Giang còn nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế xã hội. Đa số cán bộ, công chức ở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể được điều chuyển, phân công từ tỉnh Cần Thơ (cũ) về.
Theo số liệu thống kê năm 2005, chỉ có 31,37% số cán bộ chuyên trách cấp xã đạt chuẩn về chuyên môn chiếm 32,68% số công chức cấp xã đạt chuẩn; số cán bộ lãnh đạo quản lý có trình độ đại học trở lên chiếm 62,16% (khối đảng là 22,29%); công chức chuyên môn có trình độ đại học chiếm 49,26% (khối đảng là 16,90%). Đáng lưu ý, số cán bộ, công chức có trình độ sau đại học chỉ chiếm 0,71%. Trong hai năm 2004 – 2005, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung rà soát, kiểm tra, điều chỉnh, bổ sung và chuẩn hóa các chức danh chức trách từ cấp tỉnh đến cơ sở.
Để xây dựng Hậu Giang thành một tỉnh phát triển mạnh mọi mặt, Tỉnh ủy xác định phải sớm ổn định tổ chức, làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ, đảng viên. Tuy là tỉnh mất cân đối về ngân sách nhưng hằng năm tỉnh đều xây dựng kế hoạch và phân bổ kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng (hơn 20 tỷ đồng mỗi năm), việc phân công, bổ nhiệm, điều chuyển, bồi dưỡng cán bộ… được tỉnh rất quan tâm và thực hiện có hiệu quả.
Gắn với bài toán về nhân lực với việc thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đầu năm 2006, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã ký Ban hành Quyết định số 2265 phê duyệt năm Chương trình phát triển kinh tế – xã hội trọng điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ 11 nhiệm kỳ 2005 – 2010, trong đó có “Chương trình phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài và cải cách hành chính”. Tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định về tiêu chuẩn ngạch và chức danh. Tỉnh đã bốn lần tổ chức thi tuyển công chức vào các năm 2004, 2005, 2007 và 2009. Qua các kỳ thi tuyển đã tuyển dụng hơn 600 sinh viên có trình độ đại học về công tác tại các cơ quan hành chính của tỉnh, đồng thời xét tuyển hơn 2.000 viên chức sự nghiệp bổ sung cho ngành giáo dục, y tế, văn hóa…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức rất được quan tâm và chỉ đạo thực hiện thường xuyên và hiệu quả. Trước thực trạng trình độ cán bộ, công chức, viên chức khá thấp so với yêu cầu phát triển của tỉnh, ngày 13-4-2006, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 982 về phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực sau đại học trong và ngoài nước cho tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2006 – 2010 và những năm tiếp theo. Đầu năm 2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 338 phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2007 – 2010. Cuối năm 2007, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định 2414 phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ, giáo viên ngành giáo dục và đào tạo có trình độ sau đại học đến năm 2010 và những năm tiếp theo.
Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, chính quyền Hậu Giang quan tâm đến công tác thu hút nhân tài về công tác tại địa phương. Đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi về công tác tại tỉnh được hưởng 100% lương, không qua lương tập sự; người tốt nghiệp đại học tự nguyện về công tác tại nông thôn khi tỉnh có yêu cầu (từ năm năm trở lên) được hỗ trợ ban đầu là sáu triệu đồng, được hưởng 100% lương (không qua lương tập sự) và được phụ cấp hằng tháng bằng 30% mức lương hiện hưởng. Đối với những người có trình độ sau đại học, ngoài các chế độ theo quy định chung còn được hưởng theo từng trình độ và ngành nghề nhất định. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện chính sách đưa bác sĩ và kỹ sư nông nghiệp về xã và bước đầu đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực.
Trong năm năm qua, Hậu Giang luôn được đánh giá là một trong những tỉnh thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Nếu như năm 2006 toàn tỉnh có 25 cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học tập trung vào một số chuyên ngành thì nay đã có 263 cán bộ, công chức, viên chức tốt nghiệp và đang theo học là 225 trường hợp, được đào tạo trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài ra, tỉnh còn phân bổ kinh phí để tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, kiến thức quản lý nhà nước theo ngạch và chức danh… Hằng năm, có khoảng 95% công chức hành chính và cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước (chỉ tiêu chương trình là 90%). Đặc biệt, 100% công chức được bổ nhiệm mới (phó trưởng phòng trở lên) đạt chuẩn theo quy định về trình độ chuyên môn, 87,7% trưởng, phó phòng từ cấp huyện trở lên có trình độ đại học (chỉ tiêu của chương trình là từ 70 đến 80%), 12,3% còn lại đều đang theo học các lớp đại học. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hồ sơ nhằm hiện đại hóa công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Hiện tại đã có 11 đơn vị sử dụng phần mềm quản lý văn bản, nhằm giảm bớt giấy tờ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước. Hậu Giang phấn đấu đến năm 2015 có 100% số cán bộ, công chức đạt chuẩn theo quy định (đặc biệt là cấp xã); 100% trạm y tế xã có bác sĩ; 100% các xã điểm của tỉnh có kỹ sư nông nghiệp.
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, và các chính sách luân chuyển, điều động cán bộ nhằm tạo điều kiện để cán bộ trẻ tiếp xúc thực tế, tích lũy kinh nghiệm để phân công, bố trí nhiệm vụ thích hợp trong những nhiệm kỳ tiếp theo, trong năm 2009 Hậu Giang đã điều động, luân chuyển, phân công, bổ nhiệm 50 cán bộ. Trong đó có 9 đồng chí ủy viên Ban chấp hành đảng bộ tỉnh. Các cấp ủy huyện, thị cũng tiến hành xây dựng kế hoạch luân chuyển và điều động cán bộ theo phân cấp quản lý cán bộ để chuẩn bị nguồn cán bộ phục vụ công tác nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp.
Ý kiến ()