Phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài
Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: "Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài...".Tôi cho rằng, khi mà số đông học sinh, sinh viên đi học chỉ để vượt qua được các kỳ thi, có bằng cấp, chứng chỉ, xem đó là mục tiêu cuối cùng, còn việc học làm người, học cách tư duy, phương pháp làm việc chưa là sự nung nấu trong suy nghĩ hằng ngày, ở mọi lúc mọi nơi, thì chưa thể nói đến ý nghĩa đích thực của chất lượng giáo dục và đào tạo. Chúng ta phải có được một đội ngũ đông đảo người thầy, cán bộ nghiên cứu khoa học là tấm gương sáng về đạo đức và nghề nghiệp, sống với cái tâm trong sáng, đủ sức thu hút đông đảo học sinh, sinh viên cùng lao động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ. Để khắc phục những yếu kém, đạt được các mục tiêu như mong muốn, đòi hỏi...
Tôi cho rằng, khi mà số đông học sinh, sinh viên đi học chỉ để vượt qua được các kỳ thi, có bằng cấp, chứng chỉ, xem đó là mục tiêu cuối cùng, còn việc học làm người, học cách tư duy, phương pháp làm việc chưa là sự nung nấu trong suy nghĩ hằng ngày, ở mọi lúc mọi nơi, thì chưa thể nói đến ý nghĩa đích thực của chất lượng giáo dục và đào tạo. Chúng ta phải có được một đội ngũ đông đảo người thầy, cán bộ nghiên cứu khoa học là tấm gương sáng về đạo đức và nghề nghiệp, sống với cái tâm trong sáng, đủ sức thu hút đông đảo học sinh, sinh viên cùng lao động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ. Để khắc phục những yếu kém, đạt được các mục tiêu như mong muốn, đòi hỏi một sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn xã hội, từ các lĩnh vực truyền thông đến mọi gia đình, toàn thể xã hội, cán bộ quản lý trong mọi lĩnh vực, chỉ riêng ngành giáo dục và khoa học – công nghệ không thể tạo được chuyển biến quan trọng.
Về vấn đề chất lượng trong giáo dục – đào tạo: Các chỉ tiêu về số lượng cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ cần có trong thời gian tới là những chỉ tiêu đáng phấn khởi vì chúng ta sẽ có được đội ngũ nhiều người lao động qua đào tạo ở trình độ cao. Vì vậy, vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm là chất lượng, trình độ của những người sở hữu các văn bằng và đặc biệt là khi sử dụng các văn bằng như là một tiêu chí để tuyển chọn và đề bạt cán bộ. Việc lẫn lộn 'thật, giả' không chỉ ảnh hưởng lớn đến kết quả và hiệu quả công việc mà chính họ còn gây trở ngại, hạn chế sự phát huy tài năng của những người khác.
Kiểm định chất lượng giáo dục – đào tạo, nếu chỉ dừng ở một số chỉ tiêu theo kết quả thi cử, đánh giá chất lượng những trường đại học theo những con số: số sinh viên/giáo viên, suất đầu tư, quy mô thư viện, mạng in-tơ-nét…, thì hoàn toàn chưa đủ mà còn cần quan tâm chất lượng một cách toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Đó là: trình độ tri thức, chất lượng của từng bài giảng, kinh nghiệm và trình độ tư duy của từng thầy giáo, mà không chỉ là bằng cấp, chứng chỉ mà họ sở hữu; chất lượng của từng học sinh, sinh viên phải là sau từng năm học họ có những tiến bộ gì về tri thức, kinh nghiệm, khả năng tự học, khả năng tư duy mà không chỉ là điểm số đạt được qua các kỳ thi. Ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, tuy còn khiêm tốn so với các nước phát triển, nhưng đó là khoản đầu tư mà Nhà nước và nhân dân đã phải hết sức cố gắng dành cho giáo dục và khoa học. Điều đáng buồn là, một phần không nhỏ những khoản đầu tư ấy đã không được sử dụng một cách hiệu quả. Then chốt vẫn là ở trách nhiệm của những người làm công tác quản lý, tấm lòng và trách nhiệm của những người thực hiện sự nghiệp cao quý này.
Về bồi dưỡng nhân tài, Dự thảo Cương lĩnh nêu: '…Phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài…'. Có bồi dưỡng được nhân tài không? Nên hiểu như thế nào là nhân tài? Nội hàm chính là ươm mầm tài năng và tạo điều kiện môi trường thuận lợi để các 'hạt giống' tốt này phát triển. Vì vậy, để làm rõ nội hàm trên, nên chăng có thể bổ sung và sửa đoạn này thành 'phát hiện, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cả về vật chất và tinh thần', môi trường thuận lợi của gia đình và xã hội thực tế đã đem lại thành công cho nhiều tài năng tiềm ẩn trong toàn xã hội. Đối với phụ nữ, điều này càng quan trọng, cần được tạo điều kiện sớm để nhiều tài năng nữ (hơn 50% dân số) có thể thành công.
'Nhân tài' là người tài, chắc không nhiều lắm, nhưng điều chúng ta cần là phát hiện và tạo điều kiện để phát huy 'tài năng' của mỗi người về từng mặt, từng lĩnh vực. Nếu tạo được điều kiện và môi trường thuận lợi, phát triển được tài năng riêng của mỗi người, thì tài năng nở rộ, trong đó sẽ bật lên các nhân tài, hiệu quả đóng góp cho sự phát triển đất nước sẽ là rất to lớn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()