Phát triển người tham gia bảo hiểm tự nguyện: Quyết liệt từ chủ trương tới hành động
Triển khai thực hiện từ năm 2008, bảo hiểm tự nguyện (BHTN) là chính sách mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mở ra cơ hội được hưởng lương hưu cho tất cả người lao động trên mọi lĩnh vực.
“Giá đỡ” an sinh
Được sự tư vấn của cán bộ bảo hiểm xã hội (BHXH) địa phương, chị Nguyễn Thị Lệ, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã quyết định tham gia BHTN, coi đó như một khoản dự phòng cho tương lai. Chị Lệ chia sẻ: “Những năm trước, tôi đã mua bảo hiểm thương mại nhưng mỗi lần đóng tiền thực sự áp lực đối với người không có lương hưu, buôn bán nhỏ như tôi. Qua tư vấn và tìm hiểu, tôi được biết BHTN có phương thức đóng rất linh hoạt, mức đóng phù hợp. Người tham gia BHTN được lựa chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của mình và có thể thay đổi mức đóng từ thấp lên mức cao hơn. Trong trường hợp rủi ro, bị giảm thu nhập thì người tham gia có thể tạm ngừng đóng và được bảo lưu thời gian đóng để làm cơ sở cộng nối thời gian đóng sau đó. Tôi tham gia BHTN mong muốn sau này có được khoản lương hưu, để không phải phụ thuộc vào con cháu và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”.
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, quận Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ: “Là lao động tự do, thu nhập không ổn định, ban đầu tôi không để ý đến việc đóng bảo hiểm cho mình. Trong lần đi chợ, tôi nghe được một nhân viên của ngành BHXH tư vấn cho các tiểu thương và tôi quyết định tham gia BHTN. Mỗi tháng, tôi chỉ cần đóng một khoản tiền nhỏ cho cơ quan BHXH, đổi lại, khi đóng đủ số năm sẽ có lương hưu, được cấp thẻ BHYT”.
Đăng ký tham gia bảo hiểm tự nguyện tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. |
Tích cực triển khai
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH hiện khoảng 18,26 triệu người, đạt 39,25% lao động trong độ tuổi, trong đó, số người tham gia BHTN khoảng 1,83 triệu người, đạt 3,92% lao động trong độ tuổi, tăng 305 lần so với năm 2008-năm đầu tiên thực hiện chính sách BHTN (tăng từ 6.000 người lên 1,83 triệu người; số người tham gia BHYT hơn 93,3 triệu người, đạt 93,35% dân số, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân... Diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN tăng, góp phần mở rộng hiệu quả lưới an sinh xã hội tới mọi người dân, người lao động, củng cố vững chắc nền an sinh xã hội của đất nước. Theo Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu: Năm 2023, mặc dù triển khai nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, song toàn ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành, vượt chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT, vượt số thu; số tiền chậm đóng giảm sâu nhất từ trước đến nay. Đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thống nhất từ chủ trương tới hành động để triển khai đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt các giải pháp trong công tác tham mưu, truyền thông, đôn đốc thu, thanh tra, kiểm tra... Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo về BHXH, BHYT; kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở các cấp; chủ động xây dựng kịch bản phù hợp, quyết liệt triển khai ở từng địa bàn... Đến nay đã có 22/63 tỉnh huy động ngân sách địa phương hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, 62/63 tỉnh hỗ trợ tham gia BHYT...
Hiện nay, khi tham gia BHTN, người lao động sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của bản thân, như: Đóng định kỳ (hằng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, nhiều năm một lần nhưng không quá 5 năm/lần); hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thấp nhất của người tham gia BHTN hiện nay là: 231.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ nghèo); 247.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ cận nghèo); 297.000 đồng/tháng (với đối tượng khác). Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tự do được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHXH, nhiều tỉnh còn hỗ trợ thêm ngân sách địa phương cho người tham gia BHTN ngoài mức quy định của Nhà nước. Do đó, số tiền thực đóng của người dân khi tham gia BHTN tại các địa phương này tiếp tục thấp hơn.
Nhận định về tình hình lao động tác động tới công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN năm 2024, ông Dương Văn Hào, Trưởng ban Quản lý thu-sổ, thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết: "Tỷ lệ lao động quay lại làm việc ở các địa phương khá lạc quan, có những địa phương đạt 100%... Đây là cơ sở thuận lợi để cơ quan BHXH đẩy mạnh triển khai các giải pháp thu, phát triển người tham gia ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, dự báo trong năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi tiếp tục triển khai đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp đôn đốc thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN".
BHTN là hình thức bảo hiểm với nhiều tính ưu việt, giúp người lao động tự do, người dân khu vực nông thôn giảm bớt khó khăn, rủi ro lúc về già hay không còn sức lao động. Chính sách này cũng thể hiện sự tích cực, chủ động của người lao động về vấn đề tự an sinh cho chính bản thân mình, góp phần chia sẻ với cộng đồng và phát triển xã hội.
Ý kiến ()