Chủ nhật, 29/12/2024 12:13 [(GMT +7)]
Phát triển nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp
Thứ 2, 05/07/2010 | 10:07:00 [(GMT +7)] A A
Các trường đại học bên cạnh công tác đào tạo còn phải nghiên cứu khoa học. Những nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn sẽ luôn được các doanh nghiệp quan tâm và đầu tư tài chính để các trường đại học thực hiện các nghiên cứu cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sự hợp tác nói trên ở Việt Nam chưa nhiều, còn bộc lộ một số điểm bất cập.
Hình thức hợp tác
Trường đại học tiếp thu kiến thức mới nhất của nhân loại, nơi tập hợp đội ngũ các nhà khoa học hàng đầu. Do vậy, hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp được coi là mô hình kết hợp nghiên cứu và sản xuất, đã áp dụng tất cả ở các nước phát triển. Sản phẩm cuối cùng của quá trình nghiên cứu là sở hữu của cả hai bên, doanh nghiệp và trường đại học cùng chia sẻ lợi nhuận. Trong quá trình hợp tác này, doanh nghiệp thu được lợi nhuận từ việc bán sản phẩm. Các doanh nghiệp gắn với trường đại học, viện nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm.
Còn nhà trường có nguồn thu từ việc hợp tác với doanh nghiệp. Ngoài ra, do doanh nghiệp được coi là kênh thông tin cập nhật cho nên nhà trường thu được thông tin phản hồi từ khách hàng, từ đó nhà trường tìm ra hướng nghiên cứu phù hợp thị hiếu khách hàng.
Hiện nay, trên thế giới tồn tại hai hình thức hợp tác:
Thứ nhất, các trường đại học làm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đầu tư tiền cho các trường đại học nghiên cứu theo sản phẩm mà doanh nghiệp cần, doanh nghiệp sẽ đầu tư hoàn toàn kinh phí cho nghiên cứu, hoặc có trường hợp nhà trường bỏ ra một phần kinh phí.
Kết quả thu được giữa nhà trường và doanh nghiệp phải được sử dụng và khai thác. Khi tạo ra một công nghệ mới đưa về doanh nghiệp sản xuất chia theo phần trăm tỷ lệ góp vốn hoặc khi công nghệ chuyển giao cho một số nơi khác, kinh phí thu được sẽ chia theo lợi nhuận chuyển giao.
Thứ hai, doanh nghiệp đầu tư cho trường đại học những sản phẩm về đào tạo, đó là những kỹ sư, thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Họ được đào tạo chuyên môn sâu, khi ra trường trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định, sẽ làm việc ở trường đại học hoặc doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, hình thức hợp tác này đã có nhưng mức độ đầu tư của doanh nghiệp vào trường đại học còn ít. Doanh nghiệp trong nước có mức độ quan tâm chưa nhiều bằng doanh nghiệp nước ngoài.
Ở nước ta tồn tại những hình thức sau: doanh nghiệp làm việc trực tiếp với nhà khoa học để giải quyết những vấn đề đang mắc phải, hai bên ký hợp đồng hợp tác. Hoặc hình thức thứ hai thông qua nhà trường. Doanh nghiệp đến nhà trường đặt hàng, đề nghị nhà trường giải quyết giúp. Nhà trường tập hợp một nhóm giảng viên cùng giải quyết, lợi nhuận thu được thông qua trường để gửi đến các thầy giáo, cô giáo. Khi đó nhà khoa học yên tâm nghiên cứu, nhà trường đóng vai trò là người đi tìm đối tác, thu nhận thông tin. Nhà trường sử dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có, tăng thêm nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học.
Còn những bất cập
Theo TS La Thế Vinh, Phó Trưởng khoa Công nghệ hóa học, Trường đại học Bách khoa Hà Nội, khó khăn lớn nhất trong việc hợp tác này là vấn đề kinh phí đầu tư: từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng đưa vào sản xuất cần khoảng thời gian dài. Trong khi đó, doanh nghiệp muốn rút ngắn thời gian tạo ra sản phẩm, không dám mạo hiểm đầu tư. Doanh nghiệp tính đến bài toán hiệu quả kinh tế nên tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường được doanh nghiệp quan tâm. Các nhà khoa học phải tạo ra sản phẩm có giá trị và chất lượng cạnh tranh được. Sản phẩm cần có tính tiện ích, hình thức, tính sáng tạo, tính mới… thì mới tạo ra lợi nhuận cao. Hai bài toán doanh nghiệp đặt hàng nhà khoa học là nghiên cứu giải quyết một số mặt còn cần hoàn thiện hoặc tạo ra sản phẩm mới hoàn toàn.
Tuy nhiên, khâu chia sẻ lợi nhuận còn gặp nhiều vướng mắc. Doanh nghiệp muốn lấy cả công trình nghiên cứu, nhà khoa học cho rằng doanh nghiệp chỉ cần đầu tư vào một giai đoạn, không được sở hữu hoàn toàn sản phẩm. Để giải quyết những khó khăn trên cần tiến hành triển khai nhiều biện pháp, có như vậy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mới đạt kết quả tốt đẹp. TS La Thế Vinh cho rằng: Trước hết, cần xác định nghiên cứu đó phục vụ việc gì? Nhà khoa học tính toán mất bao nhiêu thời gian? Kinh phí thế nào? Nhà khoa học, nhà trường bỏ ra bao nhiêu? Tiến hành ở đâu? Những nhiệm vụ cần phải làm để hoàn thiện nghiên cứu đó? Trên cơ sở nhiệm vụ, dự trù kinh phí và cuối cùng phân chia lợi nhuận tính rõ ràng. Hợp đồng hợp tác nên có chuyên gia tư vấn về luật pháp, về cả hành chính, về cả mặt khoa học. Lợi nhuận, quyền lợi được hưởng của các bên được xác định minh bạch. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về sở hữu trí tuệ cho các nhà khoa học để bảo vệ quyền lợi của cá nhân nhà khoa học, tránh bị thua thiệt trong quá trình hợp tác. Thiết nghĩ ở đây nên thành lập một tổ tư vấn về sở hữu trí tuệ. Tổ tư vấn này có trách nhiệm đăng ký bản quyền, sáng chế, giải pháp hữu ích cho các giảng viên – các nhà khoa học và tham mưu cho nhà khoa học trong quá trình ký kết hợp tác.
Hiện nay, để tránh tình trạng hợp tác nhỏ lẻ, khai thác chất xám của các nhà khoa học, các giảng viên một cách manh mún cần thành lập cơ quan điều hành hoạt động hợp tác này trong nhà trường. Có như vậy, mới quy tụ được các nhà khoa học giỏi chuyên môn, hình thành nhóm nghiên cứu mạnh, từ đó hiệu quả hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp được nâng cao, mang lại lợi ích cho các bên tham gia.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()