Phát triển nghề trong nông thôn huyện Ðông Sơn
Chế tác đá trang sức tại cơ sở Bảy Hương, xã Đông Hoàng (Thanh Hóa). Nhằm phá thế thuần nông, nhiều năm qua, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) chú trọng khôi phục nghề thủ công truyền thống, tạo thêm nhiều nghề mới gắn với cải thiện môi trường. Từ đó đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phân công lao động xã hội trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.Khôi phục nghề cũ, tạo thêm nghề mớiHuyện Đông Sơn từ xưa đã có nghề đúc đồng đạt tới trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao với sản phẩm tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn, kết tinh trí tuệ, tâm hồn, bàn tay tài hoa của người Việt cổ. Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ III đầu Công nguyên, nghề làm đồ đá ở Nhuệ Thôn, xã An Hoạch (thị trấn Nhồi ngày nay) đã phát triển khá mạnh mẽ. Người thợ, sản phẩm đá làng Nhồi từng để lại dấu ấn đậm nét trong các công trình lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Dẫu vậy, nghề thủ công truyền thống ở Đông Sơn cũng nhiều thăng trầm, đứng trước...
Chế tác đá trang sức tại cơ sở Bảy Hương, xã Đông Hoàng (Thanh Hóa). |
Khôi phục nghề cũ, tạo thêm nghề mới
Huyện Đông Sơn từ xưa đã có nghề đúc đồng đạt tới trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao với sản phẩm tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn, kết tinh trí tuệ, tâm hồn, bàn tay tài hoa của người Việt cổ. Theo thư tịch cổ, từ thế kỷ III đầu Công nguyên, nghề làm đồ đá ở Nhuệ Thôn, xã An Hoạch (thị trấn Nhồi ngày nay) đã phát triển khá mạnh mẽ. Người thợ, sản phẩm đá làng Nhồi từng để lại dấu ấn đậm nét trong các công trình lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Dẫu vậy, nghề thủ công truyền thống ở Đông Sơn cũng nhiều thăng trầm, đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền. Đi đôi với việc khôi phục, phát triển nghề thủ công truyền thống, huyện Đông Sơn quan tâm du nhập thêm nhiều nghề mới vào khu vực nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp. Thiều Quang Tùng, chủ cơ sở phục dựng trống đồng Đông Sơn cho biết: Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, chúng tôi đã làm chủ quy trình, kỹ thuật đúc trống đồng theo phương pháp thủ công truyền thống, tạo ra nhiều loại trống đồng kích cỡ khác nhau, mô phỏng theo kiểu dáng, đường nét, hoa văn trang trí của trống đồng cổ.
Đến với các xã thuần nông phía tây huyện Đông Sơn, mấy năm gần đây, nghề chế tác đá trang sức được du nhập, nhân rộng, thu hút cả nghìn lao động. Giám đốc Công ty TNHH Huy Thành Lê Sĩ Bảy bộc bạch: Tha phương, làm thuê cho doanh nghiệp Hàn Quốc ở TP Hồ Chí Minh, hai anh em chăm chỉ học nghề, dồn vốn mở cơ sở gia công, tiến tới sản xuất, kinh doanh độc lập. Sau đó, anh đem theo nghề chế tác đá trang sức về quê, tạo thêm việc làm cho nông dân lúc nông nhàn. Được cấp ủy, chính quyền xã Đông Hoàng bố trí mặt bằng thuận lợi, cho thuê đất lâu dài tổ chức sản xuất tập trung, anh đẩy mạnh việc dạy nghề, mở rộng nghề chế tác đá trang sức sang các xã Đông Minh, Đông Ninh, thu hút 1.300 lao động vào quy trình sản xuất. Đến nay, nghề chế tác đá trang sức lan sang các xã: Tiến Nông, Dân Lý, Minh Dân (Triệu Sơn); Thiệu Đô (Thiệu Hóa); Văn Lộc (Hậu Lộc), tạo việc làm cho gần một nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 1,4 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng. 54 chủ cơ sở chế tác đá trang sức còn tự nguyện tham gia thành lập Hiệp hội đá quý trang sức Thanh Hóa nhằm hỗ trợ nhau trong tổ chức sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Anh Lê Quang Tự ở thôn Cẩm Tú, xã Đông Hoàng tâm sự: Ngoài làm ruộng, chăn nuôi, nhiều năm nay hai vợ chồng anh làm việc tại cơ sở chế tác đá mỹ nghệ của gia đình anh Bảy Hương với tổng thu nhập gần bốn triệu đồng/tháng. Tính chất công việc phù hợp với nhiều đối tượng cho nên một số thanh niên khuyết tật ở các huyện Hoằng Hóa, Triệu Sơn mới học nghề, làm việc tại cơ sở cũng đạt mức thu nhập 1,5 triệu đồng/người/tháng. Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng Lê Trung Ái ghi nhận: Nghề chế tác đá trang sức du nhập vào địa phương đã góp phần tạo việc làm cho người dân trong thời gian nông nhàn; nâng thu nhập bình quân đầu người lên 12,5 triệu đồng/năm và 32 hộ chế biến đá trang sức đang tạo việc làm, thu nhập cho 450 lao động trong xã.
Phát triển nghề đi đôi với cải thiện môi trường nông thôn
Khảo sát các cơ sở chế tác đá mỹ nghệ ở thị trấn Nhồi, chúng tôi ghi nhận nỗ lực của mỗi gia đình, dòng họ, nghệ nhân, doanh nhân trong gìn giữ, phát triển nghề thủ công truyền thống. Nghệ nhân Nguyễn Văn Cương phân tích: Một cục đá vật liệu xây dựng thông thường chỉ bán được hơn một nghìn đồng nhưng tác thành chiếc lư hương có giá gần triệu đồng. Chế tác đá mỹ nghệ tiết kiệm tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường cho nên tôi cùng con cháu tiếp tục gìn giữ, phát triển di sản ông cha truyền dạy. Hai xưởng của gia đình tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho 20 lao động, trong đó thợ có trình độ tay nghề cao được trả tới 12 triệu đồng/người/tháng. Phó Chủ tịch thị trấn Nhồi Nguyễn Văn Lợi cho biết thêm: Cấp ủy, chính quyền thị trấn luôn chú trọng khôi phục, phát triển nghề chế tác đá và hằng năm dành khoảng 200 triệu đồng hỗ trợ hoạt động đào tạo nghề cho người lao động; xây dựng khu công nghiệp rộng 20 ha, di chuyển các cơ sở sản xuất trong khu dân cư vào đây, giảm ô nhiễm môi trường. Thị trấn cũng đã dừng khai thác đá tại địa bàn, xóa bỏ dần các lò nấu vôi nên các thông số quan trắc môi trường không vượt ngưỡng cho phép, được đưa ra khỏi danh sách các khu vực bức xúc về ô nhiễm môi trường. Gần 100 doanh nghiệp chủ yếu hoàn thiện, mài bóng sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động với mức thu nhập ba triệu đồng/người/tháng. Năm vừa qua, sản phẩm đá xuất khẩu đem lại nguồn thu 110 tỷ đồng, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người ở thị trấn lên 28 triệu đồng/năm. Các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng liên kết, liên doanh; chuyển hướng khai thác đá nguyên liệu, xẻ thành phẩm từ các mỏ đá ở các huyện miền núi trong và ngoài tỉnh về chế biến sâu. Chính quyền cơ sở cùng các cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ cam kết bảo vệ môi trường trước khi cho phép doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này.
Phó trưởng Phòng Công thương Khương Huy Thái đánh giá: Thời gian qua, huyện Đông Sơn đã đạt được kết quả bước đầu trong phát triển ngành nghề ở nông thôn và UBND huyện tiếp tục cụ thể hóa hướng đi này thành đề án phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giai đoạn 2011 – 2015. Trên địa bàn huyện hiện có 301 hộ, cơ sở với 2.827 lao động sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có tới 103 hộ, cơ sở sản xuất đá ốp lát. Nghề chế tác đá mỹ nghệ từng bước được khôi phục, phát triển ở 21 cơ sở, doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Tân, Đông Hưng, Đông Ninh, thị trấn Nhồi. Nghề đúc đồng mỹ nghệ được khôi phục, tổ chức sản xuất ở xã Đông Tiến và sản phẩm trống đồng Đông Sơn từng bước khẳng định trên thương trường. Bên cạnh đó, nghề chế tác đá trang sức được phát triển ở 66 cơ sở, hộ gia đình; chế biến nông, lâm sản phát triển ở 1.081 hộ, chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành công nghiệp ở Đông Sơn. Nét nổi bật là Đông Sơn sớm quy hoạch, xây dựng bốn khu công nghiệp: Nhồi, Vức, Đông Lĩnh, Đông Tiến; di chuyển các cơ sở sản xuất xen lẫn trong khu dân cư vào khu vực này đồng thời triển khai xây dựng các cụm làng nghề ở các xã. Toàn huyện có 320 doanh nghiệp, trong đó 242 doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả, vươn lên khẳng định vai trò nòng cốt trong phát triển bền vững ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Riêng 148 doanh nghiệp công nghiệp đóng góp 63,48% giá trị sản xuất ngành công nghiệp, tạo việc làm, thu nhập thường xuyên cho 7.927 lao động. 18 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu đá ốp lát đóng góp 29,2 triệu USD, chiếm 85% giá trị hàng hóa xuất khẩu của huyện và gần 6% giá trị xuất khẩu của tỉnh trong năm 2011. Sản phẩm đá Đông Sơn đã vươn tới hơn chục nước trên thế giới, trong đó thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn là: Bỉ 10,61 triệu USD, Anh 2,17 triệu USD, I-ran 1,96 triệu USD. Hiện, Phòng Công thương tham mưu cho UBND huyện ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất gạch không nung từ bột đá thải góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường; tham gia đúc đồng mỹ nghệ làm quà lưu niệm phục vụ chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020.
Chủ tịch UBND huyện Đông Sơn Bùi Đức Châu khẳng định: Phát triển ngành nghề, đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ huyện Đông Sơn khóa 23, nhiệm kỳ 2010 – 2015. Chính quyền các cấp đang tổ chức thực hiện nghị quyết với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, tạo đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, từng bước phân công lại lao động nông thôn; thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đa ngành nghề, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động khu vực này. Năm 2011, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Đông Sơn đạt 17%, thu nhập vượt ngưỡng hơn 21 triệu đồng/người/năm. Mục tiêu của huyện là bảo đảm tốc độ tăng trưởng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hằng năm 18 đến 20% trở lên; đến năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.600 đến 1.700 tỷ đồng, xuất khẩu đạt 40 triệu USD; mỗi xã ít nhất có một nghề sản xuất ổn định, bảo đảm việc làm thường xuyên cho người lao động. Cùng với việc khôi phục nghề cũ, nhân cấy thêm nghề mới, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, huyện Đông Sơn chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân và ngành nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Đông Sơn phấn đấu đến năm 2015 nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo lên 30%, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp được đào tạo đạt 70% và giải quyết việc làm cho 7.000 lao động tại địa phương thông qua phát triển ngành nghề trên địa bàn huyện.
Theo Nhandan
Ý kiến ()