Phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương
Niềm vui của ngư dân khi trúng đậm cá ngừ đại dương. Một mùa xuân mới lại về, các con tàu khai thác cá ngừ đại dương với các khoang đầy ắp cá băng băng rẽ sóng cập bờ. Các ngư dân hối hả hò nhau lên cá, kịp về với gia đình ngày đầu năm mới.Đến với các làng cá ven biển ba tỉnh miền trung: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa vào mùa cá ngừ đại dương, ở đâu cũng gặp không khí sôi động, khẩn trương. Nhìn ánh mắt mọi người, ai ai cũng rạng rỡ cười vui bởi được mùa cá ngừ, được giá. Giá cá ngừ đại dương ở Phú Yên thời điểm này có ngày lên đến 200 nghìn đồng/kg (tăng gần hai lần so với năm 2010) và tin liên doanh khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương Phú Yên - Nhật Bản được cấp phép và chính thức hoạt động vào những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn càng làm nức lòng ngư dân trong ngày Xuân mới.Nhớ lại những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nghề câu cá ngừ đại dương được du nhập từ...
Niềm vui của ngư dân khi trúng đậm cá ngừ đại dương. |
Đến với các làng cá ven biển ba tỉnh miền trung: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa vào mùa cá ngừ đại dương, ở đâu cũng gặp không khí sôi động, khẩn trương. Nhìn ánh mắt mọi người, ai ai cũng rạng rỡ cười vui bởi được mùa cá ngừ, được giá. Giá cá ngừ đại dương ở Phú Yên thời điểm này có ngày lên đến 200 nghìn đồng/kg (tăng gần hai lần so với năm 2010) và tin liên doanh khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ đại dương Phú Yên – Nhật Bản được cấp phép và chính thức hoạt động vào những ngày đầu Xuân Nhâm Thìn càng làm nức lòng ngư dân trong ngày Xuân mới.
Nhớ lại những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nghề câu cá ngừ đại dương được du nhập từ Nhật Bản vào Việt Nam, nguồn lợi cá ngừ dồi dào, cá bán vào thị trường Nhật Bản được giá, mang lại lợi nhuận cao đã thu hút mạnh đầu tư của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, sau đó lan rộng đến cộng đồng ngư dân ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, từ đó mở ra hướng phát triển hiệu quả cho khai thác hải sản xa bờ.
Mới đó mà đã hơn 20 năm, dù là một nghề hái ra tiền từ biển, nhưng đến nay vẫn chỉ có ngư dân ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khai thác hiệu quả cá ngừ đại dương. Nói chuyện với các lão ngư mới hiểu rằng: Ba tỉnh này có “mặt tiền” hướng ra Biển Đông, có khoảng cách gần nhất tới các ngư trường có nguồn lợi cá ngừ đại dương di cư hằng năm. Lợi thế đó giúp ngư dân giảm đáng kể các chi phí đi biển, nhất là nhiên liệu, nước đá và thời gian bảo quản cá ngừ sau thu hoạch. Hơn nữa, ngư dân vùng biển này vốn có truyền thống với nghề câu cá nhám và cá mập nên dễ dàng tiếp nhận nghề câu cá ngừ đại dương. Nhưng việc thích nghi với một nghề gian khổ, đầy hiểm nguy trên biển xa hàng nghìn dặm, với cuộc sống xa nhà, xa bờ tháng này qua tháng khác, đòi hỏi phải có cả quá trình tích lũy kinh nghiệm. Xa xưa thời Quang Trung – Nguyễn Huệ, ngư dân Bình Định là nòng cốt tinh nhuệ của lực lượng thủy binh được rèn luyện tinh thần thượng võ, có khả năng chịu đựng gian khổ, đi biển dài ngày, và ý chí không ngừng mở mang bờ cõi, dọc theo bờ biển đi đến đâu sinh cơ, lập nghiệp ở đó. Ngày nay, nhiều ngư dân làm ăn giỏi, phát đạt ở hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa có nguồn gốc di cư từ Bình Định. Nên đã có câu ca: “Ai về Bình Định thăm cha, Phú Yên thăm mẹ, Khánh Hòa thăm em”. Thật thú vị khi nghề khai thác cá ngừ đại dương hôm nay được du nhập nhờ có chính sách đổi mới, mở cửa, nhưng bám rễ được và phát triển hiệu quả ở ba tỉnh miền trung lại do có mạch nối với truyền thống, lịch sử xa xưa.
Khai thác cá ngừ đại dương, một loài cá di cư theo đàn, nên kích thước cá đồng đều và sản lượng lớn. Do đó, nếu không có thị trường, nghề khai thác cá ngừ đại dương không thể phát triển được. Hiện nay, đã có hơn 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản tham gia xuất, nhập khẩu cá ngừ. Ngoài sản lượng cá ngừ khai thác trên Biển Đông, hằng năm các doanh nghiệp đã nhập khẩu khoảng hơn 40 nghìn tấn cá ngừ nguyên liệu từ 42 nước và vùng lãnh thổ để tái chế biến xuất khẩu. Tiềm năng thị trường xuất khẩu cá ngừ còn rất lớn. Sản phẩm cá ngừ Việt Nam đã được xuất khẩu sang 87 thị trường khác nhau. Nhu cầu tiêu dùng cá ngừ trên thế giới vẫn tiếp tục tăng cao, trong khi giá trị xuất khẩu từ nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước chưa tới 30% tổng doanh số xuất khẩu cá ngừ hiện nay và trữ lượng cá ngừ cho phép khai thác trên biển Việt Nam còn khá lớn, hiện mới chỉ khai thác khoảng 20% sản lượng cho phép. Ngoài ra, việc cải tiến công nghệ bảo quản sau thu hoạch trên các tàu cá của ngư dân còn có thể nâng giá trị sản phẩm cá ngừ lên hơn 30% so với hiện tại. Thực tế đó cho thấy khả năng cá ngừ sẽ là mặt hàng thứ ba trong các mặt hàng thủy sản Việt Nam (sau tôm và cá tra) đạt doanh số xuất khẩu 1 tỷ USD trong thời gian tới là khả thi. Đây là cơ sở để xây dựng nghề khai thác cá ngừ đại dương thành nghề cá công nghiệp – một mũi nhọn khai thác xa bờ trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, theo đó hình thành một lực lượng dân sự làm kinh tế hoạt động hiệu quả trên Biển Đông với đoàn tàu khai thác cá tới 2.000 chiếc, trong đó có hơn 1.000 tàu làm nghề câu ở vùng biển từ phía nam quần đảo Hoàng Sa xuống phía tây và nam quần đảo Trường Sa với hơn hai vạn lao động trẻ, khỏe thường xuyên bám biển sản xuất, khẳng định chủ quyền của nhân dân ta trên vùng biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Triển vọng nghề cá ngừ đại dương thật sáng sủa, nhưng chung quanh câu chuyện ngày Xuân, ngư dân vẫn nhiều băn khoăn. Thực trạng khai thác cá ngừ đại dương nước ta vẫn là nhỏ lẻ, thủ công, tự phát. Để phát triển bền vững, khai thác cá ngừ đại dương phải được xây dựng theo hướng nghề cá công nghiệp. Việc khó nhất hiện nay là lao động trực tiếp khai thác cá ngừ trên biển hơn hai vạn người đang làm việc theo kinh nghiệm của nghề cá nhỏ ven bờ, không qua đào tạo, xa lạ với phong cách làm việc công nghiệp. Ước mong của các ngư dân là Nhà nước có một dự án đào tạo lao động đánh cá ngừ đại dương theo mô hình công nghiệp. Theo dự án này, những ngư dân sẽ được đào tạo nghề, công nghệ khai thác, bảo quản, các kiến thức về thương mại, tiếp thị, an toàn đi biển, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, Luật Biển quốc tế, các kiến thức về an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển đảo… Đồng thời, cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước, chú trọng việc tổ chức, phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các lực lượng hải quân, cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, kiểm ngư… để bảo vệ, hỗ trợ cho ngư dân khai thác cá an toàn trên các vùng biển của nước ta. Việc cần làm ngay là Nhà nước sớm ban hành khung pháp lý về quản lý nghề cá ngừ đại dương.
Cùng với tăng cường quản lý Nhà nước, cần có các biện pháp tổ chức và quản lý sản xuất, kinh doanh trong nội bộ cộng đồng. Hiện nay mô hình tổ chức sản xuất trên biển vẫn chỉ là tổ, nhóm tự phát giản đơn. Giữa ngư dân và các doanh nghiệp, các đại lý, nậu vựa thu mua sản phẩm không có sự liên kết, liên doanh. Sự chia cắt giữa sản xuất với kinh doanh là một tồn tại lớn hiện nay. Cần tổ chức hợp tác giữa các lực lượng tham gia sản xuất, kinh doanh cá ngừ, giữa các doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân. Nền tảng vật chất của tổ chức là các cơ sở kỹ thuật hạ tầng, hậu cần dịch vụ do Nhà nước đầu tư được giao cho các hội, hiệp hội tổ chức quản lý khai thác, sử dụng. Doanh nghiệp có vốn, có đầu ra, ngư dân có nguyên liệu, phối hợp lại, loại bỏ các khâu trung gian, nâng cao chất lượng bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch, tạo nên vòng xoay nhanh của đồng vốn, bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững, hài hòa lợi ích của các thành phần kinh tế.
Tết đến, Xuân về quanh mâm cỗ đầy với cá ngừ đỏ tươi bên bánh chưng xanh, các câu chuyện làm ăn rôm rả, những mong muốn, ước mơ của các gia đình ngư dân, đón Xuân Nhâm Thìn sẽ có sự đổi thay mạnh mẽ trong quản lý khai thác cá ngừ đại dương, để doanh nhân và ngư dân được cùng nhau góp sức, chung tay tạo nên bước chuyển đột phá từ nghề cá nhỏ ven bờ sang nghề cá công nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xây dựng nước ta thành một quốc gia giàu mạnh từ biển trong thế kỷ 21 và thực hiện trọn vẹn lời dặn của Bác Hồ “Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()