Thực tế cho thấy rằng, ngành nghề nông thôn phát triển đã có những tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, sự phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hạn chế. Ông Lương Kỳ Vồng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có làng nghề đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà chỉ có các cơ sở nhỏ quy mô hộ gia đình và một số ít doanh nghiệp. Cái thiếu nhất của Lạng Sơn là chưa có quy hoạch ngành nghề nông thôn. Chính vì vậy, rất khó để các ngành hữu quan có thể định hướng cho việc phát triển sản xuất ngành hàng phù hợp với địa phương và nhu cầu của thị trường. Sẽ rất khó có thể xây dựng thành công nông thôn mới nếu không kịp thời quan tâm và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành nghề nông thôn, đồng thời lưu giữ và phát triển ngành nghề truyền thống.
LSO-Vào mỗi phiên chợ Thất Khê (Tràng Định), ngoài mua bán các nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt, người ta vẫn không quên mua dăm bó hương “thổ”. Chẳng hiểu cái tên hương “thổ” bắt nguồn từ đâu, chỉ biết loại sản phẩm này được sản xuất lâu đời ở làng Nà Phiêng và Pắc Cắm xã Đại Đồng. Dù đã bước qua tuổi 60, và cũng không còn làm nghề, nhưng bà Mông Thị Loan, thôn Nà Phiêng vẫn nhớ rõ từng chi tiết các khâu làm hương. Nào là tạo cốt, rồi giã bột từ thân cây sau sau mục, chất kết dính thì dùng lá cây Bơ hắt trên rừng…và qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ khác. Hương có mùi dịu nhẹ, thơm mùi thảo mộc, được nhân dân trong vùng hay dùng.
Một công đoạn sản xuất hương ở thôn Nà Phiêng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định
Ở cạnh làng làm hương, làng Phiêng Luông lại nổi tiếng với nghề làm ngói âm dương từ hàng trăm năm nay. Loại ngói này lợp vừa mát vừa đẹp cổ kính. Để tạo ra được một sản phẩm, các nghệ nhân trong làng phải công phu từ khâu chọn đất, dùng khuôn tạo ngói, phơi khô rồi nung theo những bí quyết bí truyền. Ngói âm dương Phiêng Luông có 2 loại, loại lâu đời hơn làm bằng khuôn thùng, công phu và phức tạp hơn và một loại khác phổ thông là làm bằng khuôn bàn. Sản phẩm loại I ánh màu mận chín, nói như những người Phiêng Luông thì ngói không ngấm nước, nước nhỏ vào trôi tuột đi ngay. Xứ Lạng còn rất nhiều những làng nghề lâu đời khác có thể kể ra như nghề rèn, nghề nhuộm chàm, dệt thổ cẩm…Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, những sản phẩm truyền thống đã không còn đủ sức cạnh tranh với những sản phẩm khác trên thị trường. Nghề làm hương ở Pắc Cắm, Nà Phiêng đang dần mai một, bởi hầu như chỉ phục vụ cho nhu cầu của người dân quanh vùng. Mỗi bó hương bán được có vài trăm đồng, tiêu thụ khó khăn khiến cho người làm nghề chẳng sống được bằng nghề. Làng ngói âm dương cũng chẳng hơn gì, trước kia còn có những công trình lớn đặt hàng, giờ đây thì đơn đặt hàng hiếm như “sao buổi sớm”, người làm ngói chỉ biết sản xuất cầm chừng, tiêu thụ nhỏ lẻ. Trong những năm qua, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã có khá nhiều các hoạt động để phát triển ngành nghề nông thôn. Trong đó các ngành nghề mới khá được chú trọng phát triển. Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 841 cơ sở chế biến, bảo quản nông lâm sản như sấy vải ở Hữu Lũng; làm măng ớt ở Chi Lăng; sấy hồi, làm bún, phở, xay xát ở Văn Quan…Ngành nghề lắp rắp, sửa chữa cơ khí nhỏ cũng phát triển tương đối nhanh với 848 cơ sở sản xuất, lắp ráp, sửa chữa. Mạng lưới xây dựng, vận tải nông thôn được mở rộng, hầu hết 11 huyện, thành phố trong tỉnh đều có mạng lưới phân phối, vận tải đáp ứng được nhu cầu. Trong khi đó các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng cũng tăng lên 223 cơ sở. Cùng với sự phát triển của kinh tế rừng, trên địa bàn tỉnh đã có 32 cơ sở chế biến và sản xuất đồ gỗ với quy mô vừa và nhỏ; 212 cơ sở sản xuất đồ mộc…
Thực tế cho thấy rằng, ngành nghề nông thôn phát triển đã có những tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, sự phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều hạn chế. Ông Lương Kỳ Vồng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa có làng nghề đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà chỉ có các cơ sở nhỏ quy mô hộ gia đình và một số ít doanh nghiệp. Cái thiếu nhất của Lạng Sơn là chưa có quy hoạch ngành nghề nông thôn. Chính vì vậy, rất khó để các ngành hữu quan có thể định hướng cho việc phát triển sản xuất ngành hàng phù hợp với địa phương và nhu cầu của thị trường. Sẽ rất khó có thể xây dựng thành công nông thôn mới nếu không kịp thời quan tâm và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành nghề nông thôn, đồng thời lưu giữ và phát triển ngành nghề truyền thống.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()