Thứ 4, 27/11/2024 17:36 [(GMT +7)]
Phát triển ngành nghề nông thôn: Chú trọng lưu giữ nghề truyền thống
Thứ 2, 17/10/2011 | 10:06:00 [(GMT +7)] A A
Phát triển ngành nghề nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của xây dựng nông thôn mới. Không chỉ có ý nghĩa về phát triển sản xuất, nó còn tác động không nhỏ tới chuyển dịch cơ cấu lao động, hình thành các phương thức sản xuất mới ở khu vực nông thôn…Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngoài hiệp hội rượu vùng cao Mẫu Sơn, còn có hiệp hội sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi… Nhưng như thế vẫn còn là quá ít. Các ngành nghề nông thôn truyền thống khác vẫn đang chờ sự quan tâm thích đáng của các ngành hữu quan để mở hướng phát triển.
LSO-Nói về ngành nghề truyền thống, Lạng Sơn không ít. Điển hình như Tràng Định có làng làm hương, đan tre, làm ngói, rèn; Cao Lộc có nhuộm chàm, dệt thổ cẩm… Nhưng nếu để sống được bằng nghề thì cũng chẳng nhiều. Vì thế mà các nghề truyền thống trên địa bàn dần mai một. Để có thể lưu giữ và phát triển các loại hình sản xuất này cần có sự tích cực từ phía các ngành chức năng. Những nỗ lực để phát triển dòng rượu dân gian Mẫu Sơn trong thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình…
Ủ men nấu rượu theo phương pháp truyền thống ở thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình |
Bà Trịnh Thị Huệ từ khi lấy chồng và làm dâu ở thôn Khuổi Tẳng, xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình đến nay đã được mấy chục năm. Nói về công thức nấu rượu Mẫu Sơn truyền thống, bà thuộc lòng, chẳng thế mà mỗi ngày gia đình bà sản xuất được vài chục lít rượu và lúc nào cũng đông khách đến mua. Ấy nhưng vài năm trở lại đây, việc nấu rượu cứ ngãng ra. Bà Huệ buồn buồn: lúc nào thích thì nấu, còn không lại thôi, vì có thể rượu từ đây xuống đến đường 1B, người mua đã pha với loại rượu khác để bán cho khách, mà mác thì vẫn là rượu Mẫu Sơn.
Nhắc đến vấn đề này, anh Dương Trùng Học, thôn Lục Bó, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc rầu rĩ: chẳng phải chỉ có những người ở nơi khác sản xuất rượu rồi giả danh Mẫu Sơn, mà ngay cả người dân trong khu vực cũng ngày càng ẩu, không làm theo đúng quy trình sản xuất. Cả thôn Lục Bó mình có hơn 35 hộ làm nghề nấu rượu, thì cũng có vài gia đình như thế. Biết vậy, nhưng khi anh Học và những người làm nghề lâu năm khác đến vận động thì chẳng ai nghe, người ta bảo làm nhanh, được nhiều, bán để lấy tiền thôi. Từ lâu, rượu Mẫu Sơn là một trong những sản phẩm nổi tiếng của Xứ Lạng. Đây là sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở 3 xã, Công Sơn, Mẫu Sơn (Cao Lộc), Mẫu Sơn (Lộc Bình).
Theo khảo sát của ngành chức năng, rượu Mẫu Sơn mang lại 60% tổng thu nhập cho người dân ở vùng này. Giải thưởng “Sao vàng Đất Việt” cách đây 8 năm đã khẳng định thương hiệu rượu Mẫu Sơn. Tuy nhiên, từ thời điểm đó trở đi, trước nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, nhiều cơ sở đã giá nhãn mác rượu Mẫu Sơn. Thậm chí nhiều hộ gia đình sản xuất truyền thống cũng chạy theo số lượng, không tuân theo các kỹ thuật truyền lại tự đời xưa. Chất lượng, uy tín rượu Mẫu Sơn, hiệu quả sản xuất ngày càng thấp, và rồi nhiều gia đình đã phải từ bỏ nghề truyền thống.
Trước thực trạng đó, Chi Cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở KH&CN đã tổ chức nhiều buổi hội thảo để tìm giải pháp bảo vệ thương hiệu và nâng cao chất lượng rượu Mẫu Sơn, lưu giữ và phát triển nghề truyền thống. Đến trung tuần tháng 9/2010, Ban vận động thành lập hội sản xuất, chế biến, kinh doanh rượu vùng cao Mẫu Sơn đã ra đời. Đây có thể coi là bước ngoặt lớn đối với nghề nấu rượu ở các xã vùng cao Mẫu Sơn. Theo tiến sĩ Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN: mục đính của Ban vận động là thành lập hiệp hội rượu vùng cao Mẫu Sơn. Các thành viên của hiệp hội trên cơ sở tự nguyện sẽ giám sát nội bộ từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, đảm bảo chất lượng của rượu như truyền thống, tìm lại vị thế và nâng cao uy tín của rượu Mẫu Sơn đối với người tiêu dùng.
Chỉ sau 1 năm vận động, việc thành lập hiệp hội đã được sự đồng tình của nhân dân, những người đang gắn bó với nghề, những người đã bỏ và cả những doanh nghiệp đang kinh doanh, phân phối rượu Mẫu Sơn chính gốc. Mới đây, ngày 12/10/2011, Hiệp hội rượu vùng cao Mẫu Sơn đã tổ chức đại hội lần thứ nhất với sự hưởng ứng nhiệt tình của các doanh nghiệp và hơn 50 hội viên là những người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Anh Triệu Văn Thắng, một trong những hộ gia đình có truyền thống nấu rượu Mẫu Sơn ở thôn Khuổi Tẳng hồ hởi: là thành viên của hiệp hội, mình rất hy vọng rượu Mẫu Sơn sẽ lấy lại được uy tín trên thị trường, quan trọng hơn là từ đó nhân dân mình sẽ giữ và phát triển được từ ngành nghề truyền thống.
Phát triển ngành nghề nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của xây dựng nông thôn mới. Không chỉ có ý nghĩa về phát triển sản xuất, nó còn tác động không nhỏ tới chuyển dịch cơ cấu lao động, hình thành các phương thức sản xuất mới ở khu vực nông thôn…Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngoài hiệp hội rượu vùng cao Mẫu Sơn, còn có hiệp hội sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi… Nhưng như thế vẫn còn là quá ít. Các ngành nghề nông thôn truyền thống khác vẫn đang chờ sự quan tâm thích đáng của các ngành hữu quan để mở hướng phát triển.
Vũ Như Phong
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()