Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững
Với vai trò một ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, đóng góp tích cực trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, song những khó khăn liên tiếp về thiên tai, dịch bệnh, thị trường, đầu tư... trong thời gian qua, khiến ngành chăn nuôi phát triển chưa tương xứng tiềm năng.Thực tế đó đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần tái cấu trúc ngành theo hướng bền vững.Những thách thức và sự cần thiết phải tái cấu trúc Thực hiện đường lối đổi mới, từ năm 1986 đến nay, chăn nuôi đã có những bước phát triển quan trọng. Năm 2011, tổng đàn bò cả nước đạt hơn 5,63 triệu con, lợn 27,5 triệu con, gia cầm hơn 322 triệu con. Sản phẩm thịt đạt 4,3 triệu tấn; 7,2 tỷ quả trứng và 345.400 tấn sữa. Giá trị ngành chăn nuôi ước đạt 11 nghìn tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng từ 6 đến 8%/năm.Tuy có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng ngành chăn nuôi nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. So với thế giới, Việt Nam đạt mức thực phẩm bình quân đầu người thấp, cơ...
Thực tế đó đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần tái cấu trúc ngành theo hướng bền vững.
Những thách thức và sự cần thiết phải tái cấu trúc Thực hiện đường lối đổi mới, từ năm 1986 đến nay, chăn nuôi đã có những bước phát triển quan trọng. Năm 2011, tổng đàn bò cả nước đạt hơn 5,63 triệu con, lợn 27,5 triệu con, gia cầm hơn 322 triệu con. Sản phẩm thịt đạt 4,3 triệu tấn; 7,2 tỷ quả trứng và 345.400 tấn sữa. Giá trị ngành chăn nuôi ước đạt 11 nghìn tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng từ 6 đến 8%/năm.
Tuy có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng ngành chăn nuôi nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. So với thế giới, Việt Nam đạt mức thực phẩm bình quân đầu người thấp, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Hằng năm, nước ta vẫn phải nhập gần 100 nghìn tấn thịt, chiếm từ 3 đến 4% so nhu cầu. Chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, khó kiểm soát chiếm tỷ trọng cao, chăn nuôi trang trại tăng nhanh nhưng thiếu bền vững, chưa có chiến lược quy hoạch theo giống vật nuôi và theo vùng sinh thái. Dịch bệnh thường xuyên xảy ra, luôn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát như cúm gia cầm H5N1, lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh với tần suất xuất hiện có xu hướng ngày một ngắn lại. Kiểm soát xử lý môi trường chưa thường xuyên cho nên ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra ngày càng nghiêm trọng. Năng suất hiệu quả chăn nuôi thấp, chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh kém. Các chỉ tiêu quan trọng của giống vật nuôi nước ta như khả năng sinh sản, sinh trưởng chỉ bằng 85 đến 90% thế giới, chi phí cho một đơn vị sản phẩm cao hơn các nước 1,15 đến 1,2 lần. Tốc độ tăng đầu con gia súc, gia cầm kéo theo sự nhập khẩu nguyên liệu thức ăn, thuốc thú y làm giá thành sản phẩm tăng cao hơn các nước trong khu vực. Đầu tư cho khoa học chưa thỏa đáng, con giống thường xuyên phải nhập, chỉ riêng giống gà bố mẹ cả hướng trứng và hướng thịt hằng năm nước ta phải nhập hơn hai triệu con chưa kể nhập lậu qua biên giới. Hệ thống tổ chức, quản lý ngành chăn nuôi còn nhiều bất cập, năng lực cán bộ, quản lý hạn chế, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà. Trong nhiều năm qua, việc giết mổ và chế biến gây ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm đến mức được báo động nhưng chưa có chuyển biến tích cực. Quản lý thị trường còn nhiều yếu kém, hàng nhập lậu tràn lan ảnh hưởng lớn tới phát triển chăn nuôi trong nước và làm giảm hiệu quả đầu tư ở lĩnh vực này. Vốn đầu tư cho chăn nuôi còn hạn hẹp, chưa được quan tâm đúng mức, lãi suất cao, khó tiếp cận. Cơ chế chính sách huy động các nguồn lực xã hội vào phát triển chăn nuôi chưa thông thoáng, chưa tạo môi trường thuận lợi, chưa có ưu đãi cần thiết cho các nhà đầu tư.
Để đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa có tỷ trọng cao hơn trong sản xuất nông nghiệp, ngày 16-1-2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 với mục tiêu đạt mức tăng trưởng bình quân từ 5 đến 7%/năm, giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp đạt hơn 42%; sản lượng thịt đạt hơn 5,5 triệu tấn.
Trước những khó khăn nêu trên, để đạt được những mục tiêu trong chiến lược đến năm 2020, chúng ta cần tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi. Việc phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính là quá trình đưa hoạt động chăn nuôi vượt ra khỏi vị trí, là hoạt động kinh tế phụ gia đình và phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa có quy mô và tỷ suất cao, xét cho cùng là hình thành một ngành công nghiệp đặc thù.
Những giải pháp cụ thể
Trước hết, cần xây dựng đội ngũ quản lý ngành có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành chăn nuôi, hệ thống tổ chức cần được xây dựng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh nghiên cứu dinh dưỡng và các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi để tạo cuộc cách mạng về năng suất, chất lượng chăn nuôi, xử lý ô nhiễm môi trường, chăn nuôi, giết mổ, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm. Thành lập một số trung tâm nghiên cứu xuất sắc ở các vùng miền. Triển khai triệt để cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Nâng cao năng lực hoạt động khoa học, công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tạo sự đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ về chăn nuôi. Khuyến khích tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trang trại, gia trại đổi mới ứng dụng công nghệ, thiết bị đồng bộ hiện đại trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến. Áp dụng nghiêm túc các quy chuẩn, tiêu chuẩn GMP, HACCP, VietGAP trong sản xuất. Hoàn thiện chương trình khuyến nông chăn nuôi, xây dựng được những mô hình hoàn chỉnh hiệu quả kinh tế cao có sức thuyết phục và sự lan tỏa trong sản xuất.
Để có sản phẩm chăn nuôi có đủ tiêu chí chất lượng, quy mô và tỷ suất hàng hóa cao, không con đường nào khác phải chăn nuôi trang trại, do vậy cần phải có chính sách tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng công nghiệp, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, kiểm soát chặt chẽ chăn nuôi phân tán, phân bố lại các cơ sở chăn nuôi. Thực hiện Quyết định 396/QĐ-TTg ngày 20-4-2004 của Thủ tướng Chính phủ chuyển dần các cơ sở chăn nuôi tập trung đến nơi quy hoạch xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe cộng đồng. Đối với doanh nghiệp trong nước: sửa đổi Nghị định 61/2010/NĐ-CP khuyến khích tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực vào phát triển chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm, chế tạo thiết bị chăn nuôi, bảo quản thực phẩm. Với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài: Rà soát điều chỉnh cơ chế chính sách, thu hút đầu tư, kiểm soát trình độ công nghệ, thiết bị ưu tiên công nghệ cao đồng bộ bảo đảm vệ sinh môi trường, chia sẻ lợi ích với người chăn nuôi, cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng trong giải quyết thủ tục đầu tư.
Để góp phần phát triển sản xuất, một trong những giải pháp quan trọng là quản lý thị trường cần thực thi nghiêm túc, công tác quản lý chất lượng sản phẩm cần thường xuyên hơn nữa, tổ chức dán nhãn cấp chứng chỉ để giảm thiểu hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Thông tin thị trường, xúc tiến thương mại tuy đã có chuyển biến song cần có dự báo thị trường trong nước và quốc tế một cách chính xác, tích cực tổ chức hội chợ, triển lãm ở nhiều vùng và phát triển thị trường tiêu thụ.
Vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng giảm nhanh so tổng chi ngân sách trong nhiều năm qua, chưa tương xứng với đóng góp của khu vực nông nghiệp và chăn nuôi. Đầu tư vào chăn nuôi đã ít lại phân tán, manh mún, trong giai đoạn tới cần bố trí đủ vốn cho chương trình giống vật nuôi tại Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ, đáp ứng đủ ngân sách xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý môi trường các cơ sở giống, cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại công nghiệp, giết mổ, chế biến tập trung. Nhà nước cho vay vốn với lãi suất ưu đãi phát triển chăn nuôi, xây dựng cơ sở giết mổ công nghiệp.
Có chế độ đãi ngộ đội ngũ cán bộ khoa học chăn nuôi thú y, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực trẻ có trình độ bắt kịp khu vực và thế giới. Tăng cường huấn luyện cho các chủ trang trại, gia trại nhất là đối tượng chăn nuôi nhỏ lẻ. Đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình dạy nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế để tranh thủ công nghệ cao, học tập trao đổi kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Thực hiện tốt việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi sẽ góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới thành công.
Theo Nhandan
Ý kiến ()