Phát triển ngân hàng điện tử
LSO-Những năm qua, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh phát triển ngân hàng điện tử, đáp ứng nhu cầu hội nhập trong thời kỳ mới.
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn |
Theo bà Trương Thu Hòa, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn: Những năm gần đây, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn đã đầu tư hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa từ cung cách phục vụ khách hàng cho đến các gói dịch vụ trực tuyến tiện lợi như: Online banking, SMS banking, Mobile banking, phát hành các loại thẻ tín dụng quốc tế… Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ trên địa bàn hỗ trợ thanh toán hóa đơn như: tiền điện, tiền nước, cước viễn thông và thực hiện nộp thuế qua ngân hàng.
Đơn cử như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn (BIDV Lạng Sơn), trong những năm gần đây đã luôn khẳng định vị trí ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam. BIDV Lạng Sơn đã triển khai nhiều gói sản phẩm dịch vụ tiện ích của ngân hàng điện tử như: BIDV Business online, BIDV mobile, BIDV home banking, BIDV Smart banking, E-banking, Bank plus, thanh toán hóa đơn dịch vụ đa tiện ích… Hiện nay, chi nhánh đã lắp đặt 10 máy ATM và 50 máy thanh toán thẻ (POS). Từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã phát hành hơn 3.500 thẻ ATM mới, trong đó có 1.000 thẻ quốc tế, nâng tổng số thẻ ATM toàn chi nhánh lên khoảng 30.000 thẻ. Đặc biệt có 2.608 lượt khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ Smart banking và hơn 29.000 khách hàng sử dụng dịch vụ SMS Banking.
Ông Hoàng Văn Huy, Phó Giám đốc BIDV Lạng Sơn cho biết: BIDV phát triển ngân hàng điện tử dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, đưa việc sử dụng dịch vụ BIDV Online dần trở nên đơn giản và an toàn hơn, các giao dịch tài chính cá nhân được tối ưu hóa, nhiều công nghệ bảo mật ứng dụng đảm bảo độ tin cậy cao cho các giao dịch của khách hàng.
Hiện toàn tỉnh có khoảng 70 máy giao dịch tự động ATM; khoảng 200 máy POS được lắp đặt tại những địa điểm trung tâm, đông dân cư, khách sạn và siêu thị, thuận lợi cho việc giao dịch của khách hàng; Cùng với đó có khoảng 100 đơn vị ngoài ngân sách thực hiện trả lương qua tài khoản và hàng nghìn hộ kinh doanh, doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử qua ngân hàng.
Đồng thời, để phục vụ hoạt động thương mại biên giới, dịch vụ chuyển tiền điện tử trực tuyến, thanh toán quốc tế được các ngân hàng đồng loạt thực hiện hiệu quả, được doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao. Ông Lại Quốc Toản, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Lộc cho biết: Công ty hoạt động trên nhiều mảng, lĩnh vực, lại thường xuyên đi công tác xa nên dịch vụ ngân hàng điện tử đã hỗ trợ tích cực cho việc quản trị doanh nghiệp từ xa như: việc chuyển khoản, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ quốc tế. Đặc biệt xử lý những tình huống phát sinh liên quan đến tài chính khi đi công tác ở nước ngoài.
Ngân hàng điện tử đã góp phần quan trọng thúc đẩy kết quả hoạt động tài chính ngân hàng thời gian qua. Năm 2017, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt 22.800 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm 2016; tổng dư nợ tín dụng đạt 23.500 tỷ đồng, tăng 16%. Thời gian tới, các ngân hàng tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, tiện ích, mở rộng mạng lưới ATM, POS và các dịch vụ khác góp phần đáp ứng tốt hơn nữa các nhu cầu sử dụng dịch vụ của khách hàng.
ANH DŨNG
Ý kiến ()