Phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao bền vững
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính cho thu hoạch 4 vụ/năm.
Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, qua đó đã thu hút nhiều tập đoàn, công ty đầu tư vào lĩnh vực này như: Vingroup, NutiFood, Dalat Hasfarm… Các ứng dụng KH và CN cũng được tận dụng linh hoạt, năng động trong nông nghiệp và tạo những chuyển biến tích cực cho nông nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, Bộ KH và CN phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan có liên quan cùng tháo gỡ nhiều vướng mắc, nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ðiển hình là các chương trình: KH và CN phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020); đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020; các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp… Nhờ đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa bảo đảm, năng lực công nghệ, hạ tầng thiết lập hệ thống tự động hóa còn thấp, nhân lực có tay nghề, trình độ cũng như quỹ đất để sản xuất quy mô lớn còn thiếu. Bên cạnh đó, việc hợp tác với nông dân còn nhiều rủi ro vì tính tuân thủ hợp đồng yếu, khó tiếp cận các nguồn vốn và chính sách ưu đãi của Nhà nước… Ðáng chú ý, hiện nay chưa có hành lang pháp lý để quản lý, nhằm bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ uy tín thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.
Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam không chỉ là đưa vào sản xuất các ứng dụng công nghệ, phương thức, quy trình, mà còn bao gồm tiêu chí, tiêu chuẩn đối với sản phẩm và quy trình sản xuất, phân phối sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt các tiêu chí, yêu cầu của người dùng và không ngừng hoàn thiện các quy trình sản xuất.
Việc chủ động cập nhật các tiến bộ về KH và CN để nhận biết xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dự đoán được những sản phẩm tiềm năng, hoặc dư thừa để điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp. Ðối với nguồn nhân lực cho nông nghiệp công nghệ cao, cần có sự đầu tư, hỗ trợ các dự án thử nghiệm và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động chuyển giao công nghệ; xây dựng các mô hình tiếp nhận, ứng dụng tiến bộ KH và CN với quy mô lớn theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng.
Bên cạnh đó, cần có sự tham gia, liên kết chặt chẽ giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất trong việc xây dựng, phát triển các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhà nước cần sớm xây dựng cơ chế, chính sách, quy trình phù hợp nhằm tập trung đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm cho từng vùng, hỗ trợ vốn đào tạo nhân lực và tạo thị trường cho đầu ra của sản phẩm…
Theo Nhandan
Ý kiến ()