Phát triển mô hình đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước
Sau hơn bảy năm đi vào hoạt động, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa chuyển giao từ các bộ, địa phương, đồng thời khẳng định tính đúng đắn của việc quản lý vốn nhà nước thông qua một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ.
Sau hơn bảy năm đi vào hoạt động, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa chuyển giao từ các bộ, địa phương, đồng thời khẳng định tính đúng đắn của việc quản lý vốn nhà nước thông qua một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ.
Thành quả bước đầu của SCIC đã từng bước cụ thể hóa chủ trương của Ðảng, Chính phủ trong quá trình đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước tại DN gắn với đẩy mạnh sắp xếp, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của DN nhà nước; tách bạch chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành chủ quản với vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.
Tái cơ cấu vốn và đầu tư hiệu quả
Trong những năm qua, mặc dù nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, SCIC đã có những kết quả đáng ghi nhận trong vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DN nhận chuyển giao và nhà đầu tư của Chính phủ. Sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại gần 1.000 DN, SCIC đã thực hiện đánh giá và phân loại để có biện pháp quản trị phù hợp. Tổng công ty đã chủ động làm tốt vai trò cổ đông nhà nước tại các DN thông qua các kỳ đại hội cổ đông, tham gia mua cổ phần phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu tại các DN kinh doanh có hiệu quả, áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp tiên tiến. Thực hiện vai trò cổ đông năng động, Tổng công ty đã chủ động triển khai có kết quả hoạt động tái cơ cấu đối với một số DN như: Vinaconex, Constrexim, nhựa Tiền Phong, VEIC, Bảo Minh, Công ty cổ phần du lịch Kim Liên, Traphaco…, hỗ trợ DN xử lý các khó khăn về quản trị, tài chính.
Bên cạnh đó, Tổng công ty đã tích cực tiến hành thoái vốn nhà nước tại các DN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối. Ðến nay, SCIC đã bán vốn tại hơn 600 DN, thu về cho Nhà nước gần 4.000 tỷ đồng. So với giá trị sổ sách, khoản tiền thu được gấp hơn hai lần. Ðiều này là minh chứng sinh động cho thấy thông qua sự quản lý của SCIC, đồng vốn nhà nước đã được bảo toàn và gia tăng đáng kể về giá trị.
Bằng nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy qua các năm, Tổng công ty đã đầu tư có chọn lọc vào một số ngành nghề, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế với tổng số tiền đầu tư hơn 11 nghìn tỷ đồng, cụ thể, hợp tác cùng Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) đầu tư các dự án điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, Thác Bà, Hải Phòng và Quảng Ninh; hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án trọng điểm, đầu tư góp vốn thành lập DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông và tự động hóa dầu khí… Danh mục đầu tư của Tổng công ty (sau khi đã thoái vốn) tại thời điểm 30-6-2013 có tổng giá trị theo sổ sách kế toán hơn 14 nghìn tỷ đồng, theo giá thị trường ước đạt 71 nghìn tỷ đồng, gấp gần năm lần so với giá trị sổ sách. Hoạt động đầu tư của SCIC không những bảo toàn vốn nhà nước được giao mà còn tăng trưởng, đạt hiệu quả khá cao. Kết quả đầu tư của Tổng công ty cho thấy, thành công bước đầu của việc đổi mới cơ chế đầu tư vốn của nhà nước vào DN từ phương thức cấp vốn và quản lý vốn trực tiếp từ ngân sách chuyển sang đầu tư và kinh doanh vốn, lấy tiêu chí hiệu quả làm thước đo.
Bảo toàn và phát triển vốn nhà nước
Tổng công ty đã bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, thể hiện ở quy mô vốn chủ sở hữu, tổng tài sản, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đều đạt mức tăng trưởng khá qua các năm. Tính đến 30-6-2013, tổng tài sản của SCIC đã tăng gấp 13 lần so với thời điểm thành lập năm 2006 (từ 6.009 tỷ đồng lên 69 nghìn tỷ đồng), tổng nguồn vốn chủ sở hữu tăng gần tám lần (từ khoảng 3.700 tỷ đồng lên gần 30 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng từ nguồn lợi nhuận hằng năm hơn 13 nghìn tỷ đồng) do cấp bổ sung vốn điều lệ, tiếp nhận bàn giao vốn tại các DN, lợi nhuận tích lũy qua đầu tư kinh doanh và thặng dư bán vốn. Lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 3.900 tỷ đồng, tăng gần 36 lần so với năm 2006. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty năm 2012 đạt 22%.
Sáu tháng đầu năm 2013, trong điều kiện nền kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn, cơ chế liên quan trực tiếp đến hoạt động của Tổng công ty chưa được hoàn thiện nhưng Tổng công ty đã cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tài chính sáu tháng và thực hiện thành công nhiều chương trình công tác quan trọng. Tổng doanh thu sáu tháng đầu năm 2013 của Tổng công ty đạt khoảng 2.400 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế sáu tháng đầu năm đạt 2.215 tỷ đồng, đạt 50% so với kế hoạch và tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.959 tỷ đồng, đạt hơn 50% so với kế hoạch và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước.
Thông qua hoạt động quản lý vốn của SCIC, đa số các DN sau khi chuyển giao về Tổng công ty đều đạt kết quả khả quan trong sản xuất, kinh doanh. Các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận đều có sự tăng trưởng. So với thời điểm tiếp nhận đến 31-12-2012, vốn nhà nước theo giá trị sổ sách của các DN đã tăng 92% và vốn điều lệ tăng 87%. Lợi nhuận của các DN đạt mức tăng trưởng gấp hơn ba lần so với thời điểm tiếp nhận, chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tăng từ 15,8% lên 16,8%. Một số DN Tổng công ty nắm vốn chi phối đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế như Công ty cổ phần sữa Việt Nam, Công ty cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền phong, Công ty cổ phần dược Hậu Giang…
Nhằm bảo toàn và nâng cao giá trị phần vốn nhà nước tại DN, Tổng công ty đã đặc biệt quan tâm đến hệ thống người đại diện vốn nhà nước. Ðây cũng chính là một trong những nhân tố đóng góp quan trọng vào những thành tích trong công tác quản lý vốn nhà nước của SCIC. Tính đến tháng 6-2013, Tổng công ty có 470 người đại diện tại các DN thuộc danh mục quản lý của SCIC, trong đó có 387 người đại diện trực tiếp tham gia lãnh đạo, điều hành DN. Trong thời gian qua, SCIC đã chủ động xây dựng cơ chế, phối hợp chặt chẽ với hệ thống người đại diện trong công tác quản trị DN và thực hiện quyền cổ đông nhà nước. Các khóa đào tạo, hội thảo, hội nghị… được SCIC tổ chức đã không chỉ cung cấp cho người đại diện thông tin cập nhật về cơ chế, chính sách, diễn biến thị trường, mà còn giúp tạo cầu nối để các DN tìm đến, liên doanh, liên kết, hợp tác với nhau, nhất là trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.
Tiếp tục khẳng định mô hình SCIC
Ðánh giá về mô hình SCIC, Bộ Chính trị trong Kết luận số 78 vào tháng 10-2009 đã chỉ đạo cần tiếp tục củng cố, phát huy mô hình này. Nghị định số 99/2012/NÐ-CP của Chính phủ cũng đặt SCIC là Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ thành lập, là một trong năm tổng công ty đặc biệt có điều lệ tổ chức và hoạt động do Chính phủ trực tiếp ban hành (cấp nghị định). Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm nâng cao năng lực quản trị và tài chính để SCIC sớm trở thành một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ, thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu tại các DN nhận chuyển giao.
Nghị định 99/2012/NÐ-CP của Chính phủ cũng đã khẳng định vai trò của SCIC trong việc tiếp nhận và quản lý phần vốn nhà nước tại DN. Ðồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khuôn khổ, thể chế cho hoạt động của SCIC, trong đó có Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Nghị định về Ðiều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC trình Chính phủ ban hành.
Tổng Giám đốc SCIC Lại Văn Ðạo cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở hai nghị định mới của SCIC, Tổng công ty sẽ khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển, đẩy mạnh tái cơ cấu theo Ðề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế, SCIC sẽ tăng cường thoái vốn tại các DN nhà nước không cần nắm giữ; tập trung nguồn vốn đầu tư theo hướng dành tối thiểu 70% tổng mức đầu tư theo kế hoạch hằng năm để đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng yếu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tổng công ty quan tâm đến các dự án đầu tư có hiệu quả như cơ sở hạ tầng, giao thông, cảng biển, dược phẩm, năng lượng…, tìm hiểu cơ hội để đầu tư mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Cụ thể hóa chiến lược này, được sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, SCIC đã thành lập và đưa vào hoạt động Công ty Ðầu tư SCIC (SIC) nhằm chuyên môn hóa hoạt động đầu tư, tạo điều kiện thúc đẩy các dự án đầu tư. SIC sẽ thực hiện đồng thời hai chức năng chính là đầu tư tài chính và đầu tư dự án.
Công tác quản lý phần vốn nhà nước tại các DN cũng tiếp tục được Tổng công ty quan tâm. Qua hơn bảy năm hoạt động, SCIC đã ngày càng “chuyên nghiệp” và tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc phát huy vai trò của cổ đông nhà nước tham gia vào các quyết định của DN nhằm hỗ trợ DN. Hệ thống người đại diện của SCIC cũng sẽ ngày càng được củng cố nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao chất lượng.
Những kết quả khả quan trong hoạt động của Tổng công ty cho thấy mô hình đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước thông qua SCIC đang tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần triển khai tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao phó.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()