Lễ ký kết Quy chế phối hợp Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam với Quân khu 4. Những năm qua, Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam đạt những thành tích to lớn trên mặt trận kinh tế – xã hội, nhất là về mặt lợi nhuận, nộp ngân sách, lương công nhân và mở rộng diện tích cây cao-su ở trong nước và nước ngoài.
Tập đoàn còn là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về công tác quốc phòng và an ninh, trong đó có việc kết nghĩa, ký quy chế phối hợp với các Quân khu thuộc Bộ Quốc phòng, các Tổng cục thuộc Bộ Công an. Bằng chứng sinh động nhất, ngày 27-9-2011 tại TP Đà Nẵng lãnh đạo tập đoàn cùng các đơn vị thành viên tham gia lễ ký quy chế phối hợp với Quân khu 5 .
Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam được thành lập và phát triển ngay sau ngày miền nam giải phóng, đất nước thống nhất. Tiền thân của tập đoàn là Ban cao-su Nam Bộ, Tổng cục cao-su Việt Nam, Tổng công ty cao-su Việt Nam đến Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam. Qua quá trình xây dựng và phát triển, từ chỗ chỉ tiếp quản 60 nghìn ha cao-su già cỗi, mật độ thưa thớt do bom đạn chiến tranh tàn phá với số lượng CBCNV hơn 20 nghìn người. Đến hết năm 2011, tập đoàn có 345 nghìn ha cao-su kinh doanh và kiến thiết cơ bản ở trong nước và nước ngoài.
Cơ cấu tổ chức quản lý của tập đoàn hiện nay: Chỉ tính đến tháng 8-2011, toàn tập đoàn có 134 đơn vị là công ty TNHH MTV, các đơn vị hành chính sự nghiệp, các công ty cổ phần do tập đoàn góp vốn chi phối, các công ty liên kết với tổng số CBCNV là 123.455 người, trong đó có 49.607 người là nữ và 30.608 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Mức thu nhập lương bình quân tám tháng năm 2011 đạt hơn sáu triệu đồng/người/tháng.Tính đến ngày 23-9, toàn tập đoàn đã khai thác được 151.604 tấn cao-su quy khô, đạt 58% kế hoạch năm. Tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trực tiếp 186.329 tấn cao-su các loại. Tạo tổng doanh thu 18.200 tỷ đồng với giá bán bình quân 97,2 triệu đồng/ tấn; lợi nhuận trên bảy nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 2.500 tỷ đồng. Với việc tiêu thụ và xuất khẩu cao-su được giá, tạo lợi nhuận cao, có vốn để tập đoàn mở rộng sản xuất, trồng mới thêm cao-su, thực hiện tốt công tác quốc phòng và an ninh trong toàn tập đoàn.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Quân khu 5, tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam có 17 đơn vị thành viên đứng chân, với tổng diện tích vườn cây là 69.593 ha cao-su kinh doanh và kiến thiết cơ bản, có ba công trình thủy điện là Phú Yên, Sông Côn và Đác Nông. Tổng số CBCNV tại khu vực này lên đến gần 25 nghìn người, trong đó có 12.820 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 51,3% tổng số CBCNV. Các công ty ở khu vực Tây Nguyên như Chư Pảh, Chư Sê, Chư Prông, Kon Tum và Mang Giang hiện có từ 8 nghìn ha đến hơn 10 nghìn ha cao-su. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2011, các công ty trên địa bàn đã tiêu thụ và xuất khẩu trực tiếp 14.500 tấn cao-su các loại, lợi nhuận hơn 610 tỷ đồng và nộp ngân sách Nhà nước hơn 220 tỷ đồng. Cây cao-su trên địa bàn Tây Nguyên thật sự là chỗ dựa vững chắc cho chính quyền các địa phương về các mặt kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng và môi sinh…
Trong nhiều năm qua, các đơn vị thành viên trong tập đoàn đã chi hàng chục tỷ đồng đầu tư trang thiết bị, khí tài và kinh phí huấn luyện cho lực lượng tự vệ. Bộ Quốc phòng, các cơ quan quân sự địa phương luôn đánh giá cao hoạt động của lực lượng tự vệ trong việc tham gia hội thao, diễn tập, với tinh thần trực chiến, sẵn sàng chiến đấu cao. Hiện tập đoàn có tổng số 10 nghìn cán bộ, chiến sĩ tự vệ bán chuyên trách, chiếm gần 8,1% tổng số cán bộ, công nhân viên toàn tập đoàn. Quân số chia thành 65 đại đội, 235 trung đội gồm binh chủng Bộ binh, Phòng không, Công binh, Thông tin, Trinh sát, Vận tải,
Quân y,… Lực lượng tự vệ được trang bị súng các loại như súng phòng không, bộ binh và các công cụ hỗ trợ khác… Lực lượng dự bị động viên hiện có gần 9 nghìn người. Tổ chức biên chế kỹ thuật gồm một tiểu đoàn vận tải lấy đầu xe, quân số ở các công ty cao-su Bình Long, Phú Riềng, Lộc Ninh và Đồng Phú, một tiểu đoàn công binh công trình biên chế thuộc về Tổng công ty cao-su Đồng Nai. Mỗi năm, tập đoàn và các đơn vị thành viên đầu tư hàng chục tỷ đồng cho huấn luyện, diễn tập, hội thao và mua trang bị, khí tài. Một số hoạt động tiêu biểu của Tập đoàn như năm 2007 tổ chức hội thao quốc phòng lực lượng tự vệ với số quân tham gia hơn 700 cán bộ, chiến sĩ đến từ 21 đơn vị thành viên. Kinh phí cho hội thao chi phí gần chục tỷ đồng từ huấn luyện, mua trang thiết bị và thi đấu. Kết quả hội thao được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Tháng 5-2009, tập đoàn vinh dự được Bộ Quốc phòng chọn làm điểm tổ chức hội thao lực lượng tự vệ tham dự hội thao quốc phòng Quân khu 7. Kết quả, đoàn hội thao quốc phòng lực lượng tự vệ tập đoàn đoạt giải ba toàn hội thao. Năm 2010, Bộ Quốc phòng kiểm tra công tác quốc phòng tại Cơ quan tập đoàn, Tổng công ty cao-su Đồng Nai, Công ty Bà Rịa được xếp vào loại giỏi. Theo thông báo mới nhất của Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, năm 2012 tập đoàn được chọn tổ chức hội thao quốc phòng lực lượng dân quân tự vệ. Việc ký quy chế phối hợp với các quân khu là nhằm được sự ủng hộ tổ chức huấn luyện, tập huấn chuẩn bị cho hội thao, hỗ trợ bảo đảm trật tự an ninh xã hội, nhất là phòng, chống mất cắp mủ cao-su, chống bạo động, bạo loạn, đặc biệt là các đơn vị thành viên của tập đoàn tại Tây Nguyên và vùng duyên hải miền trung.
Song song với việc tham gia diễn tập, hội thao, lực lượng tự vệ các công ty cao-su ở Tây Nguyên là lực lượng nòng cốt cho cơ quan quân sự địa phương điều động nhằm chống bạo loạn, các phần tử phản động,… Cụ thể, riêng sự kiện tháng 4-2004 ở Tây Nguyên, tất cả các đơn vị ở đây đều thực hiện tốt việc điều quân, phương tiện làm nhiệm vụ chống bạo loạn trên địa bàn theo điều động của cơ quan quân sự địa phương. Gần đây nhất sự kiện đòi đất, vào lô cao-su lấy mủ của đồng bào địa phương do các phần tử quá khích kích động tại Công ty cao-su Mang Giang. Sự việc đã được lãnh đạo công ty phối hợp với tỉnh đội, công an địa phương giải quyết ổn định tình hình. Không những thế, công ty còn điều động 200 chiến sĩ tự vệ đi làm nhiệm vụ trên địa bàn khác theo sự điều động của cơ quan quân sự địa phương.
Lực lượng tự vệ tập đoàn không chỉ mạnh về lượng mà cả về chất. Lực lượng được huấn luyện bài bản, tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, được các cơ quan quân sự địa phương tin tưởng, mỗi khi có vấn đề nóng đều được điều động làm nhiệm vụ ổn định tình hình, nhất là ở khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh tính cơ động, tinh thần sẵn sàng ứng chiến cao, công tác hậu phương quân đội, kết nghĩa với các đơn vị quân đội luôn được lãnh đạo tập đoàn, các đơn vị thành viên quan tâm, thực hiện tốt. Tháng
5-2009, tập đoàn đã phối hợp với Quân khu 7 tổ chức sơ kết sáu năm kết nghĩa giữa Tập đoàn với quân khu (5-2003 – 5-2009). Đây là hoạt động hết sức thiết thực, tăng cường mối quan hệ hiểu biết, đoàn kết, góp phần xây dựng lực lượng võ trang trong Quân khu 7 và lực lượng tự vệ tập đoàn. Tập đoàn cùng Tổng cục An ninh II sơ kết ba năm thực hiện Quy chế phối hợp, với sự tham dự của đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an. Đồng thời, đã ký quy chế có sửa đổi bổ sung với Tổng cục An ninh II. Tập đoàn cũng đã ký quy chế phối hợp với Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm – Bộ Công an, ký quy chế phối hợp với Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Quân khu 4. Tập đoàn với Quân khu 5 tiến hành ký quy chế phối hợp cũng nhằm thực hiện các nhiệm vụ trên. Đây là những hoạt động cần thiết, bổ ích của tập đoàn trong việc xây dựng lực lượng tự vệ, bảo vệ, làm tốt công tác quốc phòng và an ninh trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, các đơn vị thành viên trong tập đoàn còn thực hiện tốt chính sách đền ơn, đáp nghĩa. Mỗi năm, các đơn vị thành viên trong tập đoàn đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cho công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ đồng bào bị bão lụt, ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam, các quỹ khuyến học… Cụ thể, đã xây dựng hơn 1.000 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương trao tặng các gia đình chính sách, gia đình thương binh liệt sĩ trong năm năm qua. Chính sách an sinh xã hội luôn được tập đoàn đặc biệt quan tâm. Hầu hết trên các địa bàn có cây cao-su đứng chân, cơ sở vật chất hạ tầng được xây dựng đồng bộ như đường giao thông đi lại, các công trình điện, nước, trường học các cấp, bệnh viện, câu lạc bộ thể thao, du lịch,… Hiện nay tập đoàn rất quan tâm, đưa ra những giải pháp xóa đói, giảm nghèo tạo công ăn việc làm cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên, duyên hải miền trung và vùng Tây Bắc, Đông Bắc của Tổ quốc. Do có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng – phần thưởng cao quý nhất .
Địa bàn Quân khu 5, cụ thể là vùng Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền trung là địa bàn chiến lược vô cùng quan trọng trong đường lối, chính sách phát triển kinh tế, xã hội và củng cố an ninh – quốc phòng của Đảng ta. Việc ký quy chế phối hợp giữa Tập đoàn công nghiệp cao-su Việt Nam với Quân khu 5 kỳ này sẽ mở ra một chương mới về mối quan hệ, hợp tác toàn diện giữa hai đơn vị về kinh tế, quốc phòng. Đặc biệt là tạo thuận lợi trong việc phát triển cao-su trên địa bàn, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đầu tư xây dựng các công trình dân sinh, góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong khu vực… Chắc chắn rằng, việc ký và thực hiện quy chế phối hợp sẽ được các đơn vị thành viên trong tập đoàn triển khai thực hiện tốt, cùng nhau góp phần xây dựng khu vực trên địa bàn Quân khu 5 thành khu vực vững mạnh toàn diện về kinh tế, xã hội, an ninh – quốc phòng và môi sinh…
Theo Nhandan
Ý kiến ()