Phát triển mạnh thanh toán điện tử góp phần chống tham nhũng
Xu hướng thanh toán tiền mặt đang giảm mạnh, đặc biệt trong giới trẻ. Phương thức thanh toán điện tử đã thể hiện nhiều ưu việt, nhưng cần có giải pháp đồng bộ để người dùng cảm thấy tiện dụng, dễ dùng, có lợi ích về kinh tế, đặc biệt, cần bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật.
Nhiều tiềm năng phát triển thẻ tín dụng nội địa
Phát biểu tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ, xu hướng thanh toán tương lai” do NHNN, Báo Tiền Phong, NAPAS phối hợp tổ chức ngày 26/9, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua, ngoài quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đã phối hợp với các ngân hàng thương mại, khảo sát thực tiễn để ban hành các Thông tư về thanh toán và tín dụng.
Trong đó, có Thông tư quy định cho phép ngân hàng được cấp bảo lãnh điện tử (không chỉ có bảo lãnh giấy thông thường); hay cho phép ngân hàng cho vay điện tử phục vụ sản xuất, tiêu dùng với giá trị tối đa 100 triệu đồng; quy định mới cũng cho phép ngân hàng giải ngân khoản vay vào tài khoản thanh toán của người vay, không yêu cầu bắt buộc phải giải ngân vào tài khoản của bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ. Từ tháng 3/2021, NHNN cũng cho phép các ngân hàng sử dụng giải pháp eKYC (xác thực sinh trắc học) trong thanh toán, cung cấp dịch vụ.
Hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ đã được phát hành tới người dùng, nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, số hoá thẻ ngân hàng để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết thêm, thị trường thẻ Việt Nam những năm qua được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không tiền mặt. Tính đến tháng 7/2023, số lượng thẻ đang lưu hành đạt hơn 140 triệu thẻ (tăng 8,27% so với cuối năm 2021), với hơn 103 triệu thẻ nội địa, 36,7 triệu thẻ quốc tế. Trong đó có gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKyc đang lưu hành (27 ngân hàng đang triển khai). So với số lượng thẻ quốc tế, thẻ tín dụng nội địa khiêm tốn.
Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện để phát triển thanh toán không tiền mặt. Tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Hiện nay, thị trường đang hình thành hệ sinh thái số, kết nối liên thông giữa ngân hàng, tổ chức liên kết dịch vụ công, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng.
Trao đổi tại Hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng: Việt Nam có rất nhiều dư địa phát triển thanh toán không tiền mặt nói chung. Theo số liệu năm 2022, thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch cá nhân của Việt Nam vẫn chiếm đến 47%, tương đương Indonesia. Rõ ràng, còn nhiều dư địa để giảm thanh toán bằng tiền mặt xuống bằng Malaysia, Ấn Độ (30%).
Tiềm năng khách hàng trẻ
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết: Đến nay, Vietcombank đã có hơn 24 triệu khách hàng, chiếm hơn nửa trong số này là khách hàng trẻ. Về tiềm năng phát triển thị phần và sản phẩm thẻ phục vụ nhóm khách hàng trẻ, bà Nguyễn Thị Kim Oanh chia sẻ, sản phẩm của Vietcombank đáp ứng sự yêu thích tự do và thể hiện cá tính của giới trẻ. Nhóm khách hàng trẻ là đối tượng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, nhóm khách hàng trẻ chiếm hơn 50% khách hàng trung cấp của Vietcombank.
Vietcombank chọn hướng đi thuận tiện, an toàn, tiết kiệm chi phí cho khách hàng, ngân hàng và cả nền kinh tế. Phát triển thẻ phi vật lý, sử dụng thanh toán tích hợp vào điện thoại di động, để khách hàng phát hành thẻ trong vài giây. Đây là xu hướng thu hút của giới trẻ ưa thích với nhiều ưu điểm như nhanh, tiện lợi.
Phân tích về thị trường thẻ, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) nêu, dữ liệu theo Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng, cả nước có hơn 140 triệu thẻ đang lưu hành, trong đó hơn 103 triệu thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế với hơn 40 ngân hàng và 4 công ty tài chính tham gia phát hành thẻ.
Trong năm 2022, đã mở mới trên 33 triệu thẻ, chiếm trên 25%. Điều đó chứng tỏ sức sống của thị trường thẻ. Lãnh đạo NAPAS cho rằng, khoảng 5 năm trở lại đây, người dân đã chuyển sang sử dụng thẻ thanh toán trực tiếp tại các điểm chấp nhận thanh toán hay thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử.
Xu hướng này thể hiện rõ rệt qua giao dịch rút tiền mặt liên tục giảm những năm qua. Cụ thể: trong năm 2022, tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS giảm từ 12% trong năm 2021, xuống mức 6,56% của năm 2022. Còn tính tháng 8/2023, giao dịch rút tiền mặt tiếp tục giảm 15% về số lượng và 19% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay khách hàng chỉ cần mang theo chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể thanh toán mọi giao dịch thẻ trên máy POS. NAPAS dự kiến sẽ thử nghiệm dịch vụ Tap to pay vào cuối năm 2023 và chính thức ra mắt dịch vụ vào năm 2024.
Tap to phone là dịch vụ giúp các đơn vị chấp nhận thanh toán (các cửa hàng, siêu thị,….) của Tổ chức thanh toán có thể sử dụng ứng dụng soft POS cài đặt trên điện thoại thông minh để chấp nhận thanh toán thẻ bên cạnh thiết bị POS truyền thống trước đây…
Với những giao dịch giá trị nhỏ, khách hàng sẽ không phải nhập PIN, chỉ cần thao tác chạm vào soft POS là hoàn tất các bước thanh toán.
NAPAS cũng đã triển khai định danh khách hàng như căn cước công dân, bằng lái xe, hộ chiếu…. và triển khai một dự án đầu tiên với Bộ Công an là chi trả an sinh xã hội…
Nguồn:https://baochinhphu.vn/phat-trien-manh-thanh-toan-dien-tu-gop-phan-chong-tham-nhung-102230926163024644.htm
Ý kiến ()