Phát triển mạng lưới y tế ở Lào
Từ đặc điểm của một nước có gần 90% diện tích tự nhiên là đồi núi, cư dân sống phân tán, trình độ dân trí thấp, nhiều tập tục lạc hậu về ăn, ở và sinh hoạt vẫn tồn tại trong cộng đồng của nhiều bộ tộc, trong những năm qua thực hiện chiến lược phát triển, Đảng NDCM và Chính phủ CHDCND Lào coi trọng mạng lưới y tế nhằm từng bước làm tốt công tác chăm lo sức khỏe nhân dân, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ một số dịch bệnh phổ biến ở nhiều vùng trên đất nước.Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và kế hoạch năm 2010. Ngành y tế Lào đã tiếp tục triển khai kế hoạch hành động, củng cố bộ máy tổ chức từ trung ương đến địa phương, phát triển và mở rộng mạng lưới y tế cơ sở; lập kế hoạch tổng thể, đã quản lý được bệnh sốt rét, lao và HIV/ AIDS... dịch vụ y tế xuống tận cơ sở đạt 85% trên phạm vi toàn quốc. 107 huyện trọng điểm của công tác xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ đạt 83%. Ở tuyến...
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và kế hoạch năm 2010. Ngành y tế Lào đã tiếp tục triển khai kế hoạch hành động, củng cố bộ máy tổ chức từ trung ương đến địa phương, phát triển và mở rộng mạng lưới y tế cơ sở; lập kế hoạch tổng thể, đã quản lý được bệnh sốt rét, lao và HIV/ AIDS… dịch vụ y tế xuống tận cơ sở đạt 85% trên phạm vi toàn quốc. 107 huyện trọng điểm của công tác xóa đói, giảm nghèo của Chính phủ đạt 83%. Ở tuyến trung ương ngoài những bệnh viện sẵn có, ngành y tế còn có ba trung tâm điều trị tuyến khu vực; 13 trong tổng số 17 tỉnh có bệnh viện cấp tỉnh, 127 bệnh viện cấp huyện, 12 nghìn y sĩ, bác sĩ, gần 9.000 thầy thuốc dân tộc. Ngoài ra, ngành y tế Lào còn mua sắm các trang thiết bị y tế hiện đại như máy chụp, máy soi, máy siêu âm, máy xét nghiệm máu, máy mổ não… Đi đôi với công tác điều trị, ngành y tế còn chú trọng công tác phòng bệnh ngay từ ban đầu. Các cán bộ y tế đã xuống cơ sở, vận động quần chúng nhân dân thực hiện nếp sống vệ sinh trong sinh hoạt, chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Với các bệnh viện tỉnh, huyện cùng mạng lưới gồm 650 trung tâm y tế, hơn 2.000 tủ thuốc và y tá tại bản, ngành y tế đã đóng vai trò nòng cốt trong các chương trình quốc gia về phòng bệnh, nước sạch, vệ sinh môi trường và giải quyết những vấn đề cơ bản về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Riêng về chương trình thanh toán đói nghèo tại 72 huyện trọng điểm, ngành y tế cũng góp phần quan trọng trong việc cải thiện điều kiện ăn, ở, sinh hoạt cho nhân dân. Đến nay, 67% số dân tại các huyện này đã được hưởng các dịch vụ y tế; hơn 60% số dân nông thôn đã được dùng nước sạch và gần 50% xây dựng và sử dụng hố xí hợp vệ sinh, từng bước hình thành nếp sống mới ở nông thôn, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa được các dịch bệnh. Do phát triển mạnh mạng lưới y tế và làm tốt công tác tuyên truyền vận động, mấy năm qua ở Lào không xảy ra các dịch bệnh nghiêm trọng, cả nước đã hoàn thành thanh toán bệnh bại liệt từ cuối năm 2001, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới năm tuổi giảm từ 170/1.000 trẻ em vào năm 1995 xuống còn 150/1.000 trẻ vào năm 2009.
Theo Bộ trưởng Y tế Lào Pon-mếch Đa-la-loi, đạt được những thành tựu trên là do có sự hợp tác giúp đỡ trên tinh thần anh em giữa hai ngành y tế Việt Nam và Lào. Ngay từ những năm Lào còn đang tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập, ngành y tế Việt Nam đã cử chuyên gia sang giúp Lào xây dựng mạng lưới y tế phục vụ chiến đấu từ tỉnh đến trung ương, giúp đào tạo cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn các lĩnh vực mà Lào có nhu cầu. Mối quan hệ hợp tác Việt – Lào càng được củng cố và tăng cường trong những năm sau khi cả hai nước hoàn toàn giải phóng. Việt Nam đã tiếp tục đào tạo cán bộ y tế các cấp đại học và sau đại học, giúp Lào xây dựng bệnh viện huyện Xiêng-khay, Xăm-tày, Mường-nong, Tôn-phông, Noỏng-hét, Nặm-bạc… Bộ Y tế Việt Nam đã cùng với các bệnh viện và các trường đại học giúp Lào thành lập Trường đại học Y khoa trên cơ sở khoa Y của Đại học Viêng Chăn, hỗ trợ đào tạo cán bộ giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm đào tạo, mở các mã ngành đào tạo mới, trao đổi hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học. Việt Nam đã giúp Lào hoàn thành Đề án thành lập Đại học Y Dược Viêng Chăn (gồm khu hành chính, một số phòng học chính, phòng thí nghiệm) với kinh phí khoảng năm triệu USD viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam và trao đổi kinh nghiệm đào tạo trong lĩnh vực dược phẩm.
Hiện có một số công ty dược của Việt Nam hoạt động tại Lào như CODUPHAR, VIDIPHAR, BIDIPHAR, IC PHARMA… hai bên đã cùng xây dựng Xí nghiệp Dược phẩm cổ phần CBF giữa tỉnh Bình Định và tỉnh Chăm-pa-xắc (Nam Lào), xây dựng Xí nghiệp Liên doanh Dược phẩm CODUPHAR, chuyển giao công nghệ chiết xuất Artemisinine từ cây thạch thảo hoa vàng và hỗ trợ y tế Lào trong công tác phẫu thuật chỉnh hình môi hở, bệnh đục nhãn cầu, phòng chống cúm gia cầm. Bệnh viện Bạch Mai còn hợp tác với Bệnh viện Hữu nghị Lào về chuyên môn trong lĩnh vực thận nhân tạo.
Nhờ có sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, nhất là các chuyên gia tình nguyện Việt Nam, ngành y tế Lào đã từng bước hiện đại hóa. Hiện nay, y tế của Lào đã lớn mạnh toàn diện với đội ngũ y sĩ, bác sĩ tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, hệ thống y tế phát triển tương đối rộng khắp từ trung ương tới địa phương, các trường đào tạo cán bộ ngành y đang ngày càng mở rộng. Y tế Lào cũng có đủ khả năng ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để công tác phòng bệnh và chữa bệnh phát triển kịp với trình độ y tế của khu vực và quốc tế…
Ngành y tế Việt Nam đã và đang tích cực hỗ trợ và hợp tác với ngành y tế Lào trên nhiều lĩnh vực. Sự hỗ trợ và hợp tác đó đã và đang mang lại hiệu quả cho cả Việt Nam và Lào. Chúng ta có cơ sở để tin tưởng rằng, trong tương lai, hợp tác y tế Việt – Lào sẽ ngày càng được củng cố và phát triển, tương xứng với tiềm năng và lòng mong đợi của nhân dân hai nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()