Phát triển mạng lưới y tế cơ sở nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân
– Để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế và chăm sóc sức khoẻ ngày càng tốt hơn, những năm qua, ngành y tế tỉnh đã quan tâm phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ, giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay từ cơ sở, tiết kiệm chi phí khám chữa bệnh, giảm áp lực cho y tế tuyến trên.
Người dân xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng đến khám sàng lọc bệnh lao tại trạm y tế xã
Lạng Sơn hiện có dân số trên 800.000 người, gồm 7 dân tộc chính là Tày, Nùng, Kinh, Dao, Sán Chay, Hoa, Mông sinh sống tại 11 huyện, thành phố. Trong tổng số dân có 83,91% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở nông thôn, miền núi, đời sống còn nhiều khó khăn, nhất là tại các xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, biên giới… Ông Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để nâng cao chất lượng mạng lưới y tế cơ sở, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của Nhân dân trên địa bàn, những năm qua, Sở Y tế đã chủ động rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo củng cố và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện Đề án 1816 để nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật và nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng chất lượng dịch vụ
Hệ thống y tế cơ sở của tỉnh hiện có 11 TTYT huyện, thành phố và 200 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Những năm qua, hệ thống y tế cơ sở thường xuyên được đầu tư xây mới trạm y tế cấp xã, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phục vụ hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Đơn cử như, ngày 29/8/2022 HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết về dự án đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp 3 TTYT tuyến huyện và dự án đầu tư xây dựng, cải tạo 50 trạm y tế tuyến xã; ngày 19/4/2023, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành nghị quyết về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo 50 trạm y tế tuyến xã. Năm 2023 là năm quan trọng để triển khai thực hiện và thi công hoàn thành dự án. Đến nay, các dự án đã cơ bản hoàn thành, ngành y tế đã chủ động các điều kiện về nhân lực, máy móc, trang thiết bị theo tiêu chuẩn quy định, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Nhờ đó, tổng số trạm y tế đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã (theo Quyết định 1300/QĐ-BYT) hiện nay là 199/200 xã (tăng 19 xã so với năm 2022), đạt 99,5% xã, phường, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn.
Bác sĩ Triệu Thị Tám, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Lương Năng, huyện Văn Quan cho biết: Lương Năng là xã vùng III của huyện, toàn xã hiện có 594 hộ với trên 2.770 nhân khẩu. Trạm y tế xã được xây từ năm 2019 với diện tích 540 m2 gồm 13 phòng làm việc và phòng điều trị. Hiện trạm được trang bị đầy đủ các trang thiết bị y tế cơ bản để phục vụ công tác khám, điều trị, sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân trước khi chuyển tuyến trên. Trung bình mỗi tháng, chúng tôi tiếp nhận khám, điều trị khoảng 250 lượt bệnh nhân.
Cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, chất lượng phục vụ của hệ thống y tế cơ sở ngày càng được nâng cao thông qua việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới trong khám và điều trị, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành y tế ngày càng vững chuyên môn. Trong năm 2023, ngành y tế tỉnh đã phát triển được 35 kỹ thuật mới, trong đó có một số kỹ thuật tiên tiến như: Phẫu thuật nội soi cắt u nang buồng trứng; kỹ thuật nội soi tiêu hóa gây mê; cắt polip trực tràng…
Đến nay, 200/200 trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc; 97% trạm y tế có hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 98,5% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Số bác sỹ/vạn dân đạt 11,3 bác sĩ/vạn dân, đạt chỉ tiêu đề ra, tăng 0,1 bác sĩ/vạn dân so với năm 2022; 8/10 trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến; trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã thực hiện được trên 70% danh mục kỹ thuật theo phân tuyến, tham gia khám chữa bệnh BHYT, quản lý và điều trị một số bệnh mạn tính không lây như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường… Qua đó, chất lượng việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân.
Ông Nguyễn Văn Công, thôn Khắc Đeng, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định cho biết: Trước đây tôi hay lên trung tâm y tế huyện để khám nhưng những năm gần đây trạm y tế xã được đầu tư khang trang, sạch đẹp, thường xuyên có bác sĩ trực, khám chữa bệnh nên tôi chuyển về trạm để điều trị một số bệnh thông thường như: đau đầu, đau bụng, tăng huyết áp… Cán bộ y tế ở đây tiếp đón, hướng dẫn rất ân cần, chu đáo nên người dân chúng tôi cảm thấy rất tin tưởng.
Mạng lưới y tế tuyến xã ngày càng phát triển và hoạt động hiệu quả, người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay từ cơ sở. Qua đó góp phần giảm tình trạng quá tải trong việc khám, chữa bệnh cho Nhân dân tại các cơ sở y tế cấp huyện, cấp tỉnh. Theo số liệu của Sở Y tế, năm 2023, toàn tỉnh có trên 1,4 triệu lượt người đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, trong đó trên 1,2 triệu lượt người khám, điều trị tại các trạm y tế tuyến huyện, xã, chiếm tỷ lệ hơn 85%.
Chủ động triển khai dịch vụ y tế dự phòng
Cùng với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành y tế tỉnh đã chủ động triển khai các dịch vụ y tế dự phòng như: tư vấn, khám sức khoẻ trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh; hỗ trợ cải thiện sức khoẻ và dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hoá gia đình…
Là đơn vị chủ công trong thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình tỉnh đã triển khai các mô hình, đề án về chăm sóc sức khỏe, tầm soát, chẩn đoán và điều trị một số bệnh tật trước sinh và sơ sinh. Bà Vũ Vân Anh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình tỉnh cho biết: Trong năm 2023, chi cục đã chủ động xây dựng kế hoạch và đề nghị trung tâm y tế các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của sàng lọc trước sinh và sơ sinh; duy trì các câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân. Đồng thời, chúng tôi cũng phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ thuộc trung tâm y tế các huyện về kỹ thuật lấy máu gót chân cho trẻ… Trong năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức được 881 buổi tuyên truyền đến hơn 21.000 lượt người về CSSK sinh sản; tuyên truyền hoạt động các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được 437 buổi thu hút 5.898 người tham gia…
Song song đó, công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em được chú trọng thực hiện. Cụ thể, ngành y tế tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn đào tạo cho 128 đối tượng là cô đỡ thôn bản, cán bộ y tế cơ sở về thực hiện chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh; tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em kết hợp tổ chức khám thai, tư vấn sức khoẻ, dinh dưỡng trong thai kỳ;… Năm 2023, tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ đạt 82,7% (mục tiêu 58,3%); tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của nhân viên y tế đạt 99,7%, vượt kế hoạch 9,7%…
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành y tế tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về lĩnh vực y tế, trong đó tập trung duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Đồng thời tăng cường các dịch vụ y tế dự phòng để tầm soát, nâng cao chất lượng dân số, góp phần quan trọng theo dõi, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bảo đảm cho mọi người dân được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại nơi mình sinh sống, góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
NGỌC HIẾU – DƯƠNG KIM
Ý kiến ()