Phát triển mạng lưới viễn thông: Góp phần thay đổi cuộc sống người dân tại vùng sâu, vùng xa
(LSO) – Những năm qua, sự phát triển của mạng lưới viễn thông đã góp phần giúp người dân tại các khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn tiếp cận với thông tin một cách nhanh chóng. Cùng đó, nhiều người dân đã sử dụng Internet để tìm tòi, học hỏi các kiến thức, thông tin để phục vụ đời sống, sản xuất.
Cách đây 5 năm, Internet còn khá lạ lẫm với người dân thôn Bản Mới, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc. Giờ đây, nhiều người dân đã thành thạo với việc sử dụng dịch vụ này. Trong dịp giáp Tết Tân Sửu vừa qua, khoảng 20 hộ trong thôn đã đăng ký lắp đặt đường truyền Internet của Viễn thông (VNPT) Lạng Sơn. Chị Hoàng Thị Chiều, người dân trong thôn cho biết: Nhờ có Internet, chúng tôi có thể tra cứu các thông tin về cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Chúng tôi còn được tìm hiểu thêm về các mô hình chăn nuôi hiệu quả kinh tế cao như: mô hình gà thả đồi, chăn nuôi bò vỗ béo… để từ đó có thể áp dụng vào sản xuất.
Tại thôn Lải Ngòa, xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình, Internet cũng đã đem lại niềm vui cho nhiều người dân. Chị Lành Thị Thương, Trưởng thôn Lải Ngòa cho biết: Thôn có 56 hộ dân, mạng lưới Internet mới chỉ được triển khai đến thôn từ khoảng tháng 10/2020. Trước đây, do sóng yếu nên khi muốn gọi điện, người dân phải tìm những vị trí có sóng tốt và ổn định mới thực hiện được. Từ khi có Internet, chủ yếu người dân tại thôn liên lạc thông qua mạng xã hội zalo và facebook. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân cũng được lắp đặt miễn phí truyền hình Internet, qua đó được xem nhiều chương trình truyền hình hấp dẫn, bổ ích hơn.
Người dân thôn Sơn Hồng ( xã Gia Cát, huyện Cao Lộc) tìm hiểu thông tin qua mạng Internet
Không chỉ tại 2 địa bàn trên, những năm qua, sự phát triển của công nghệ thông tin đã đem lại nhiều thay đổi cho cuộc sống của người dân tại vùng sâu, vùng xa. Với sự phát triển của mạng Internet, mạng 3G, 4G, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng cao. Nhiều người còn biết tận dụng các mạng xã hội, các ứng dụng để mua bán các mặt hàng nông sản, thủ công cũng như sử dụng các ứng dụng học tập trực tuyến để nâng cao kiến thức. Đồng thời, giải quyết được vấn đề liên lạc của người dân tại những khu vực chưa phủ sóng điện thoại.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông tại các vùng nông thôn, đặc biệt là khu vực vùng sâu, vùng xa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đặt ra. Ông Nguyễn Văn Luận, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật – Đầu tư, VNPT Lạng Sơn cho biết: Những năm qua, đơn vị đã đẩy mạnh triển khai phát triển hạ tầng kỹ thuật tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là mạng cáp quang truyền dẫn liên xã và hệ thống cáp quang trục cho các điểm phân phối mạng. Đồng thời, đơn vị chú trọng triển khai cung cấp dịch vụ Internet băng rộng và mạng di động 3G, 4G tại các địa bàn chưa có mạng cáp quang. Đến nay, VNPT Lạng Sơn đã lắp đặt được gần 400 trạm BTS (trạm thu phát sóng di động), phát triển mạng lưới Internet cáp quang đến toàn bộ các xã trên địa bàn tỉnh.
Bà Trình Thị Nga, Trưởng Phòng Bưu chính viễn thông, Sở TT&TT cho biết: Với sự phát triển của mạng lưới Internet, 3G, 4G, người dân tại vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận thông tin dễ dàng hơn rất nhiều. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác tuyên truyền đến người dân các quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục đề nghị các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn duy trì triển khai các kế hoạch nâng cấp, đảm bảo chất lượng đường truyền Internet, mạng không dây. Đồng thời có chính sách hỗ trợ người dân nghèo, cận nghèo tại vùng sâu, vùng xa có điều kiện sử dụng Internet.
Sự phát triển của mạng lưới viễn thông tại khu vực vùng sâu, vùng xa đã và đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực đối đời sống của người dân nơi đây. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại điện tử đang trở thành xu hướng, việc phát triển mạng lưới viễn thông tại các khu vực trên là cần thiết trong việc góp phần giúp người dân tiếp cận và hiểu rõ hơn về thương mại điện tử.
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), toàn tỉnh có 4 đơn vị cung cấp dịch vụ thuê bao di động và 7 đơn vị cung cấp dịch vụ Internet. Tính đến nay, các đơn vị này đã triển khai lắp đặt trên 2.500 trạm BTS (2G, 3G, 4G) và trên 7.000 km cáp quang liên xã, đưa Internet đến 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh. Sự phát triển của mạng lưới viễn thông đã góp phần giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, cụ thể giai đoạn 2015 – 2020, mỗi năm cả tỉnh giảm 3% số hộ nghèo. |
Ý kiến ()