Thứ 6, 22/11/2024 13:02 [(GMT +7)]
Phát triển mạng lưới trường, lớp học ở Bắc Cạn
Thứ 6, 01/10/2010 | 09:21:00 [(GMT +7)] A A
Những năm trước đây, mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn hết sức đơn sơ, thiếu thốn. Nhờ tập trung các nguồn lực để kiên cố hóa trường, lớp, đến nay 80% số phòng học đã được xây dựng kiên cố, khang trang, đồng thời nhiều trường học, phòng học mới được xây dựng, góp phần phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng trường học gần dân
Thuộc thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, nhưng hai bản vùng cao Khuổi Luông và Cốc Ỏ cách xa thị trấn 15 km. Tuyến đường độc đạo từ thị trấn Nà Phặc lên hai bản này mới san ủi được một đoạn ngắn, nhưng nay đã bị lở lói nham nhở, gồ ghề. Ô-tô đi được một đoạn thì phải dừng lại, chúng tôi phải di chuyển bằng xe “ôm”. Mặt đường toàn đá tai mèo lởm chởm, người ngồi trên xe cứ rung lên bần bật và tụt xuống phía sau do nhiều dốc cao, dài. Còn cách Khuổi Luông chừng hơn hai km, phải đi bộ dò dẫm trên con đường mòn men theo sườn núi, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Sau gần một buổi hành trình, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Khuổi Luông, đó là một bản nằm trên lưng chừng núi, chung quanh là đồi núi trọc, đèo heo hút gió, “bám” vào sườn núi là những căn nhà lá đơn sơ của gần 80 hộ đồng bào dân tộc Mông. “Điểm nhấn” ở giữa bản là phân trường Khuổi Luông có năm phòng học mái ngói đỏ tươi vừa được xây dựng để dạy học cho hơn 50 học sinh từ lớp một đến lớp năm là con em đồng bào trong bản Khuổi Luông và Cốc Ỏ. Cô giáo Sằm Thị Gieo, nhà ở xã Lãng Ngâm (Ngân Sơn) nói: “Tất cả các gia đình ở đây đều thuộc diện nghèo đói, họ không thiết tha cho con em học hành, vì cho rằng “cái chữ” có thay ngô làm no cái bụng được đâu. Vì thế mà thi thoảng lại có em bỏ học, chúng tôi thường phải đến gia đình vận động đồng bào cho con em trở lại trường, giải thích cho bà con hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo đói là không có chữ, muốn có cái chữ thì phải cho con em đi học”. Dạy học ở đây có bảy cô giáo, đều từ thị trấn Nà Phặc và xã Lãng Ngâm lên, do trường cách xa nhà hơn mười km, đường sá lại khó đi, cho nên các cô ở luôn trên trường, cuối tuần mới “xuống núi” về nhà với chồng con. Điều kiện khó khăn như vậy, nếu không có phân trường Khuổi Luông thì chắc chắn con em đồng bào Mông ở đây sẽ thất học, từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ lại quẩn quanh trong đói nghèo. Phó Ban quản lý dự án (Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Cạn) Hà Văn Liêm cho biết: “Để xây dựng được năm phòng học ở Khuổi Luông, giá thành xây dựng cao gấp gần bốn lần so với ở thị trấn Nà Phặc, vì cước vận chuyển vật liệu xây dựng quá cao, phải dùng ngựa thồ từng viên gạch, bao cát, đến xi-măng, sắt thép từ dưới lên, điều kiện thi công cũng khó khăn vì không có nước. Nhưng với quan điểm, phải xây dựng trường học gần dân để phát triển giáo dục, khuyến khích học tập ở vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho nên Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định mở phân trường, đầu tư kiên cố hóa lớp học tại Khuổi Luông”. Để khuyến khích nhà thầu xây dựng được năm phòng học khang trang, chắc chắn như ngày hôm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Cạn phải “ưu tiên” cho doanh nghiệp làm một công trình ở nơi thuận lợi để lấy lãi chỗ này bù vào chỗ kia.
Trước đây, sau khi tốt nghiệp THCS, các em học sinh ở các xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư phải xuống Trường THPT Chợ Mới xa gần 40 km để học; các em ở các xã phía nam huyện Na Rì phải vượt hơn 50 km đến thị trấn Yến Lạc học THPT, nhiều em không được đi học vì đường sá xa xôi và các trường này thiếu cả giáo viên và phòng học. Nhưng từ khi Trường THPT Yên Hân được mở thì các em ở các xã này đã được đi học gần nhà, trường đã được xây dựng 28 phòng học đạt chuẩn, đủ giáo viên và cơ sở vật chất để thu hút học sinh có nhu cầu học tập trong vùng. Địa bàn tỉnh Bắc Cạn rộng, địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi sông suối, đồi núi, dân cư sống phân tán, thưa thớt, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 86% số dân của tỉnh, dân trí không đồng đều là thách thức lớn đối với sự nghiệp phát triển giáo dục nói chung và xây dựng cơ sở vật chất trường học nói riêng. Để huy động con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học, tỉnh đã mở những trường, lớp học gần dân như thế. Đó là cách tốt nhất để khuyến khích học tập ở vùng cao.
Tập trung nguồn lực để kiên cố hóa trường, lớp học
Từ hồ Ba Bể, con đường liên xã cấp phối nhỏ hẹp đã xuống cấp trầm trọng chạy dưới chân dãy núi đá thẳng đứng, men theo con suối Pác Ngòi chừng mười km dẫn đến Trường THPT Quảng Khê, nơi học tập của con em các xã phía nam huyện Ba Bể và phía bắc huyện Chợ Đồn được thành lập từ năm học 2006-2007. Nếu không có ngôi trường này, các em sẽ phải vượt hơn 40 km để ra học tại Trường THPT Ba Bể ở trung tâm huyện lỵ Ba Bể. Xa nhà, điều kiện đi lại khó khăn, chắc chắn con đường học hành của nhiều em sẽ bị lỡ dở. Khi thành lập đến nay, thầy và trò nhà trường sử dụng cơ sở vật chất của Trường THCS Quảng Khê, đó là một căn nhà hai tầng có sáu phòng học. Để có đủ phòng học, nhà trường phải xây dựng thêm nhiều phòng học tạm, tường bưng ván, trát vách, mái prô xi-măng nên lộng gió về mùa đông và nóng bức vào mùa hè. Những ngày ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2010, trời nóng nực, lại thường xuyên mất điện, phòng học thiếu thốn, nhà trường phải tổ chức ôn thi ba ca liên tục, trong đó có cả buổi tối. Khó khăn là vậy, nhưng các em học sinh và cả phụ huynh rất phấn khởi vì trường đã gần nhà, không phải trọ học như anh chị các khóa trước. Tuy điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng thầy và trò Trường THPT Quảng Khê vẫn quyết tâm cao để có kết quả thi năm 2010 đứng thứ ba trong các trường THPT của tỉnh. Giải quyết khó khăn về cơ sở vật chất của nhà trường, từ năm 2009 tỉnh đã quyết định đầu tư 28 tỷ đồng để xây dựng trường trên vị trí mới thoáng mát, cao ráo, rộng gần hai ha. Trường THPT Quảng Khê được xây mới khá hoàn thiện, bao gồm hai nhà học hai tầng có 22 phòng học, các nhà chức năng như thí nghiệm, thực hành, thư viện, nhà hiệu bộ, nhà công vụ giáo viên. Nhìn ngôi trường mới xây to đẹp đang định hình, Hiệu trưởng Sằm Văn Du vui mừng: Dự kiến hết học kỳ một này sẽ đưa các phòng học vào sử dụng và hết năm 2011 sẽ hoàn thiện toàn bộ các hạng mục nêu trên, đáp ứng niềm mong mỏi của con em các dân tộc trong vùng.
Trước năm 2004 trên địa bàn tỉnh chỉ có tám trường THPT và trường cấp hai, cấp ba, 225 giáo viên, với 81 phòng học, các trường THPT trên địa bàn chỉ đáp ứng được tối đa là 70% học sinh đã tốt nghiệp THCS vào học lớp 10, số còn lại phải ở nhà, gây bức xúc cho nhân dân. Trường, lớp của cấp tiểu học và THCS cũng rất thiếu thốn, đơn sơ, chủ yếu là tranh tre nứa lá.
Trước tình hình đó, năm 2004 Tỉnh ủy có chủ trương ưu tiên các nguồn lực để xây dựng, kiên cố hóa trường, lớp học và thành lập thêm trường học mới để mở rộng quy mô giáo dục ở tất cả các cấp học. Chủ trương này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Khi Đảng và Nhà nước có Chương trình 135 đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, phần lớn các xã trên địa bàn tỉnh đều được hưởng chương trình này với số vốn giai đoạn đầu là 400 đến 500 triệu đồng/năm, giai đoạn 2 khoảng một tỷ đồng/năm. Với sự chỉ đạo của tỉnh, sự đồng tình của nhân dân, phần lớn các xã đều sử dụng nguồn vốn này để đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học; sau đó có các dự án phát triển giáo dục THCS, THPT, dự án xây dựng cơ sở vật chất trường học ở vùng đặc biệt khó khăn, các nguồn vốn nước ngoài tài trợ, đồng thời hằng năm tỉnh cũng dành phần ngân sách thỏa đáng để xây dựng, mở mới trường học trên địa bàn. Theo tính toán của Ban quản lý dự án Sở Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 80 tỷ đồng từ các nguồn đầu tư xây dựng trường, lớp học. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục ở các địa phương nên quy mô giáo dục ở Bắc Cạn đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 1997 tái lập tỉnh, Bắc Cạn chỉ có 89 trường tiểu học, 82 trường THCS và cấp một, hai, với tổng số 1.985 phòng học, trong đó có đến 80% số phòng học tạm, tranh tre nứa lá, nhưng đến nay đã có 107 trường tiểu học, 102 trường THCS có tổng số 2.240 phòng học, trong đó có khoảng 80% đã được xây dựng kiên cố, khang trang. Bậc THPT cũng có bước phát triển vượt bậc, từ năm 2004 đến nay tỉnh đã thành lập thêm bảy trường, nâng tổng số toàn tỉnh có 15 trường THPT, tăng gần hai lần; 233 phòng học, tăng gấp ba lần; 560 giáo viên, tăng hơn hai lần, thu hút 11 nghìn học sinh. Hiện nay mạng lưới các trường THPT cũng đã và đang được đầu tư kiên cố, trong đó chủ yếu là xây dựng các nhà học cao tầng đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em các dân tộc ở các vùng trong tỉnh. Ngày nay, đi trên các ngả đường trong tỉnh, có thể thấy trụ sở các xã, cơ quan cấp huyện chưa được chắc chắn, nhưng đã thấy sự hiện hữu của các ngôi trường hai, ba tầng khang trang, những phân trường ở vùng xa xôi hẻo lánh được xây dựng kiên cố, mái ngói đỏ tươi.
Để chuẩn hóa trường học
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Cạn Phạm Lê Ngà cho biết: Mặc dù trong những năm qua tỉnh đã tập trung nguồn lực để kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn, nhưng hiện nay toàn tỉnh mới có 25 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ rất thấp so số trường hiện có. Đó là lực cản không nhỏ để nâng cao chất lượng giáo dục ở Bắc Cạn.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, hai đến bốn năm tới, khi các dự án, chương trình đầu tư xây dựng trường, lớp học kết thúc, các trường, lớp học trên địa bàn tỉnh sẽ cơ bản được kiên cố hóa. Nhưng khi đó, số trường đạt chuẩn quốc gia vẫn chiếm tỷ lệ thấp, nguyên nhân chủ yếu là do diện tích không đáp ứng cho nên nhiều trường không có sân chơi, bãi tập; thiếu thiết bị giảng dạy và học tập. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở Bắc Cạn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững, thời gian tới tỉnh cần xây dựng quy hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn bám theo các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo để có lộ trình đầu tư phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm. Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất các trường để nắm rõ trường nào, ở đâu thiếu chuẩn gì thì có hướng giải quyết cụ thể, từng bước một, tránh tình trạng đầu tư dàn trải trong khi nguồn lực lại có hạn. Giải quyết khó khăn về diện tích trường học, cần có kế hoạch để mở rộng, địa phương chung tay lo giải phóng mặt bằng; ngành giáo dục và đào tạo, tỉnh lo đầu tư trang thiết bị, đồ dùng giảng dạy, học tập cho các trường, đó là cách để góp phần tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia khi vấn đề kiên cố hóa trường, lớp học đã cơ bản hoàn thành.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()