Phát triển mạng lưới dịch vụ trong công tác xã hội ở Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo về giáo dục trị liệu chuyên nghiệp, có chăng đó là sự lồng ghép trong chương trình đào tạo của các ngành khác nhau như: Tâm lý học, Giáo dục đặc biệt, Công tác xã hội…
Ngày 20/12, tại Hà Nội, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển các dịch vụ trị liệu trong công tác xã hội ở Việt Nam”.
Theo TS. Nguyễn Thị Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, hội nhập kinh tế sẽ mang lại những bước phát triển tột bậc cho nền kinh tế quốc gia nhưng đồng thời cũng sẽ nảy sinh nhiều hơn các vấn đề xã hội.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, cả nước hiện nay có 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, gần 5% hộ nghèo, hơn 2,5 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hơn 1,8 triệu hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hằng năm, trên 180.000 người nhiễm HIV; gần 180.000 người nghiện ma túy, trên 500 cơ sở bảo trợ xã hội đang chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cùng nhiều vấn đề phát sinh khác như bạo lực học đường, lạm dụng, xâm hại trẻ em. Trước bối cảnh đó và dựa theo kinh nghiệm quốc tế, nghề công tác xã hội (CTXH) đã được hình thành và đang ngày một chứng minh vai trò không thể thiếu trong việc phát triển an sinh xã hội quốc gia.
Cũng như trong các lĩnh vực khác đều hướng đến những đối tượng nhất định, bà Nguyễn Thị Hương cho biết CTXH trong các môi trường xã hội hiện nay đều nhằm hỗ trợ các nhóm yếu thế và những người gặp khó khăn cần sự trợ giúp của các nhân viên CTXH. Mặt khác, CTXH còn hướng đến việc tăng cường sự tham gia của các đối tượng cần được trợ giúp, nâng cao năng lực cho các bên liên quan nhằm tăng cường trách nhiệm cho các cá nhân, gia đình và cộng đồng để cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp hồi phục, phát triển những con người có ích cho xã hội và đáp ứng được sự phát triển của xã hội trong quá trình hội nhập quốc tế.
Khi nhắc đến CTXH, người ta không thể không nhắc tới vai trò giáo dục trị liệu của nhân viên công tác xã hội. Đây là một khái niệm không mới trên thế giới, tuy nhiên khái niệm này còn khá mới và chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, hoặc nó được hiểu như là các hoạt động can thiệp, trị liệu cho học sinh khuyết tật, học sinh có nhu cầu đặc biệt hoặc có rối loạn phát triển trong môi trường giáo dục hoặc rộng hơn là tất cả các đối tượng cần sự trợ giúp của nhân viên CTXH.
Bà Nguyễn Thị Hương chỉ ra rằng, hiện nay ở Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo về giáo dục trị liệu chuyên nghiệp, có chăng đó là sự lồng ghép trong chương trình đào tạo của các ngành khác nhau như: Tâm lý học, Giáo dục đặc biệt, CTXH… Chính vì vậy, Hội thảo với chủ đề “Phát triển các dịch vụ trị liệu trong CTXH ở Việt Nam” mong muốn sẽ đưa ra một hệ thống lý thuyết, cơ sở lý luận, giải pháp phát triển các dịch vụ trị liệu trong CTXH; việc áp dụng và phát triển trị liệu trong công tác xã hội tại một số nước phát triển; tình hình thực tế tại các nước, về nhu cầu của các đối tượng của CTXH; đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình trị liệu trong công tác xã hội đang được triển khai và thực hiện tại các cơ sở dịch vụ công cũng như các cơ sở dịch vụ khác mặt tồn tại và hạn chế.
Dựa trên tất cả những tham luận về lý thuyết và thực tế, hội thảo sẽ cố gắng đề xuất rõ hơn khung cơ sở pháp lý về phát triển các dịch vụ trị liệu trong công tác xã hội có thể hình thành và ứng dụng để đem lại hiệu quả cụ thể và thiết thực.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Bùi Văn Linh cho biết Bộ GD&ĐT đã hoàn thiện các quy trình nghiên cứu, đề xuất nội dung cho Thông tư Hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. Trong Thông tư này nêu rõ 3 quy trình. Thứ nhất là rà soát, phát hiện các nguy cơ. Quy trình thứ hai là phòng ngừa, quy trình thứ ba là can thiệp và trợ giúp. Ông Linh cho hay, mô hình tiêu chuẩn theo quốc tế đưa ra, tính toán trên lý thuyết có khoảng 5% số học sinh trong một địa bàn hoặc một trường học nào đó sẽ có thể có những vấn đề rối nhiễu về sức khỏe tâm lý. Giáo viên được đầu mối làm CTXH của trường học có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng cá nhân khi có dấu hiệu rối nhiễu cần phải được trợ giúp và hỗ trợ. Sau đó, nhà trường sẽ kết nối với các trung tâm CTXH tại địa phương để có phương án trợ giúp, trị liệu hiệu quả đối với từng ca; trên cơ sở phối hợp cùng gia đình học sinh trong suốt quá trình này.
Ông Linh cũng chia sẻ về một trong các nguyên nhân, nguy cơ xảy ra bạo lực học đường, có nguyên nhân xuất phát từ một số học sinh cá biệt, khi mà những học sinh cá biệt này chưa được theo dõi chặt chẽ trong nhà trường. Nếu sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên chủ nhiệm với gia đình, cộng đồng mà không chặt chẽ, dẫn đến khi trong 1 lớp học có 1-2 học sinh cá biệt, mà giáo viên chủ nhiệm không phát hiện ra, không chăm sóc, không hướng dẫn đầy đủ, dẫn đến có những hành động bột phát. Một số hiện tượng cá biệt đó dễ bị bị quy kết và gây ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường trong nhà trường.
Khi Thông tư quy định CTXH trong trường học được ban hành, các khoa đào tạo CTXH của các cơ sở giáo dục đại học trong toàn quốc cũng sẽ có nhiệm vụ tham gia vào quá trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ làm công tác xã hội trong các trường học. Đây cũng thể hiện tính hiệu quả cao trong quá trình ban hành các chính sách của các bộ, ngành; có sự tham gia thiết thực về chuyên môn, học thuật của các cơ sở đào tạo trong quá trình triển khai./.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()