LSO-Thực hiện quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh đến năm 2010 và định hướng của Chính phủ, Bộ Công thương, từ 07/12/2006, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1812/QĐ – UBND – KT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc phát triển mạng lưới chợ, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường của tỉnh cũng như yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy vậy, so với cả nước và khu vực Đông Bắc, một số chỉ tiêu về chợ của tỉnh còn thấp, cơ sở vật chất các chợ nhìn chung còn nghèo nàn.Theo số liệu khảo sát chợ của tỉnh, đến 30/9/2009, toàn tỉnh có 84 chợ/226 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 2 chợ loại I, chiếm 2,38%; 14 chợ loại 2, chiếm 16,67%; 68 chợ loại 3, chiếm 81%. Mật độ chợ chung toàn tỉnh bình quân là 1,15 chợ phục vụ 10.000 dân. Nếu so với bình quân vùng Đông Bắc (1,5 chợ/10.000 dân)...
LSO-Thực hiện quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh đến năm 2010 và định hướng của Chính phủ, Bộ Công thương, từ 07/12/2006, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1812/QĐ – UBND – KT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Đây là tiền đề rất quan trọng cho việc phát triển mạng lưới chợ, đáp ứng yêu cầu mở rộng thị trường của tỉnh cũng như yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy vậy, so với cả nước và khu vực Đông Bắc, một số chỉ tiêu về chợ của tỉnh còn thấp, cơ sở vật chất các chợ nhìn chung còn nghèo nàn.
Theo số liệu khảo sát chợ của tỉnh, đến 30/9/2009, toàn tỉnh có 84 chợ/226 xã, phường, thị trấn. Trong đó có 2 chợ loại I, chiếm 2,38%; 14 chợ loại 2, chiếm 16,67%; 68 chợ loại 3, chiếm 81%. Mật độ chợ chung toàn tỉnh bình quân là 1,15 chợ phục vụ 10.000 dân. Nếu so với bình quân vùng Đông Bắc (1,5 chợ/10.000 dân) thì mật độ chợ toàn tỉnh là thấp. Tuy vậy, so với tỷ trọng chợ kiên cố trên địa bàn cả nước và các tỉnh khu vực Đông Bắc, tỷ trọng chợ được xây kiên cố và bán kiên cố của Lạng Sơn lại cao gấp 3 lần. Đây là thành tựu đáng ghi nhận trong những năm đổi mới do kết quả chỉ đạo của tỉnh đối với các cấp, ngành chức năng ngay từ năm 1993. Hiện tại, hoạt động của các chợ trên địa bàn tỉnh được quản lý dưới các hình thức là : Công ty chợ trực tiếp quản lý, khai thác kinh doanh 3 chợ Đông Kinh, Kỳ Lừa, Chi Lăng; Ban Quản lý chợ quản lý chợ thị trấn Đồng Đăng và chợ thị trấn các huyện (trực thuộc Phòng Kinh tế huyện); đối với các chợ tại Trung tâm cụm xã, chợ khu vực tại xã, Ban quản lý chợ do UBND xã sở tại thành lập và giao cho cán bộ tài chính xã trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc quản lý và khai thác, kinh doanh chợ. Thông qua các mô hình này, đã từng bước phát huy tốt vai trò của các chợ, đáp ứng được nhu cầu trao đổi hàng hóa trong khu vực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế – xã hội trong vùng.
|
Chợ Giếng Vuông, TP Lạng Sơn sau 2 năm đưa vào hoạt động đã góp phần phát triển kinh tế thương mại – Ảnh: M.V.H |
Thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống chợ của tỉnh, hàng loạt dự án đầu tư xây dựng chợ đã và đang được xúc tiến thực hiện. Trong đó, có nhiều dự án quy mô lớn như chợ trung tâm thị trấn Hữu Lũng (vốn đầu tư 15 tỷ đồng); chợ Xứ Lạng (vốn đầu tư 7,5 tỷ đồng)… Đáng chú ý là những chợ này đều do các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng, ngân sách địa phương chỉ hỗ trợ một phần trong việc cải tạo, nâng cấp các chợ nhỏ. Mặc dù các chợ trên địa bàn đã phát huy được lợi thế của địa phương, đáp ứng được nhu cầu mua bán, giao lưu, trao đổi hàng hóa, tuy nhiên nhiều chợ được xây dựng từ khá lâu hiện đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư, cải tạo. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một số hạng mục như chợ đầu mối chuyên ngành nông sản thực phẩm, chợ ở các cụm xã vùng cao, vùng sâu thuộc diện xóa đói giảm nghèo, định canh định cư của nhà nước, chợ loại I ở vị trí trọng điểm về kinh tế thương mại… Các chợ nông thôn, chợ trung tâm huyện miền núi không thuộc diện được đầu tư. Trong khi đó, với các chợ nông thôn, miền núi, việc xã hội hóa rất khó khăn. Bộ máy Ban Quản lý cũng như các hộ kinh doanh của một số chợ trung tâm còn mang nặng tư tưởng bao cấp trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số chợ đã được xây dựng từ lâu diện tích quá chật hẹp, không còn đất để phát triển và đảm bảo đạt chuẩn theo theo quy định. Công tác quản lý, trình độ nghiệp vụ chuyên môn của một số cán bộ, nhân viên các Ban Quản lý chợ và các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh khai thác chợ còn nhiều yếu kém đã ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh nói chung.
Trong giai đoạn tới (2010 – 2020), tỉnh chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại gắn với quy hoạch xây dựng các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường; phát triển mạng lưới chợ với sự đa dạng các loại hình và cấp độ chợ cũng như hình thức tổ chức và quản lý, góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Cùng với đó, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cũng đang tập trung triển khai đề án phát triển thị trường nông thôn theo Quyết định số 23/QĐ-TTg (ngày 6-1-2010) của Thủ tướng Chính phủ nhằm cấu trúc lại thương mại nông thôn theo hướng mạng lưới chợ dân sinh phối hợp mạng lưới hộ kinh doanh và các HTX thương mại với quy mô nhỏ và vừa phục vụ thị trường nông thôn, miền núi.
Hoàng Thái
Ý kiến ()