Phát triển lưới truyền tải điện vùng kinh tế trọng điểm phía nam
Khu vực kinh tế trọng điểm phía nam gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ tăng trưởng phụ tải cao, khoảng 15%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước (13 đến 14%). Vì vậy, nhu cầu đầu tư xây dựng phát triển lưới truyền tải điện (LTTĐ) trở nên bức thiết, nhằm bảo đảm truyền tải hết công suất các nhà máy điện đang được xây dựng trong khu vực. Tuy nhiên, quá trình này gặp không ít khó khăn, vướng mắc; đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần chung tay giải quyết.Huyết mạch của tăng trưởng kinh tếĐể đáp ứng nhu cầu phát triển LTTĐ, Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền nam (Ban AMN) được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) giao đầu tư xây dựng và triển khai thiết kế kỹ thuật 117 dự án trong năm 2010 ở khu vực phía nam với tổng vốn hơn 1.750 tỷ đồng. Năm qua, AMN đã hoàn thành 21 công trình, nghiệm thu đóng điện 18 công trình với tổng chiều dài 339 km với tổng công suất 3.300...
Huyết mạch của tăng trưởng kinh tế
Để đáp ứng nhu cầu phát triển LTTĐ, Ban Quản lý Dự án các công trình điện miền nam (Ban AMN) được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT) giao đầu tư xây dựng và triển khai thiết kế kỹ thuật 117 dự án trong năm 2010 ở khu vực phía nam với tổng vốn hơn 1.750 tỷ đồng. Năm qua, AMN đã hoàn thành 21 công trình, nghiệm thu đóng điện 18 công trình với tổng chiều dài 339 km với tổng công suất 3.300 MVA, cơ bản bảo đảm tiến độ kế hoạch các công trình phải đưa vào sử dụng, kịp thời tiếp nhận và chuyển tải công suất nguồn từ các nhà máy điện. Điển hình là công trình máy biến áp 500 kV – 450 MVA thứ hai của các trạm biến áp (TBA) 500 kV Tân Định (Bình Dương) đã được AMN lắp đặt, đưa vào vận hành vượt tiến độ gần hai tháng, làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỷ đồng; hoàn thành Trạm GIS 220 kV Tao Đàn (TP Hồ Chí Minh) có công suất 626 MVA gồm hai máy biến áp 220 kV-250 MVA (giai đoạn đầu chỉ lắp một máy) và hai máy biến áp 110 kV-63 MVA. Nhiều công trình trọng điểm khác đã hoàn thành như đường dây (ĐD) 220 kV Nhơn Trạch – Nhà Bè, Tân Định – Bến Cát 1; ngăn lộ 220 kV tại TBA 220 kV Cát Lái, ngăn lộ 220 kV tại TBA 500 kV Nhà Bè; ngăn lộ 220 kV tại TBA 500 kV Tân Định. AMN đang khẩn trương phối hợp các đơn vị thi công hoàn thành trong tháng 4-2011 ĐD 220 kV Nhơn Trạch – Cát Lái để hoàn chỉnh LTTĐ tiếp nhận công suất từ Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2.
Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dự báo nhu cầu phụ tải khu vực năm 2015 sẽ đạt hơn 3.100 MW so với mức 1.950 MW năm 2010. Trong khi đó các phụ tải chủ yếu nhận điện từ các ĐD 220 kV như Phú Lâm – Cai Lậy, Phú Mỹ – Cai Lậy, Cai Lậy – Vĩnh Long – Trà Nóc… đều sẽ quá tải. Bên cạnh đó, trong kế hoạch phát triển nguồn ở các tỉnh phía nam đã hình thành một loạt nhà máy nhiệt điện quan trọng. Để đồng bộ với nguồn điện và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội cho địa bàn kinh tế trọng điểm khu vực phía nam, nhất là miền Tây Nam Bộ, AMN được giao đầu tư ĐD 500 kV Nhà Bè – Ô Môn và TBA 500 kV Ô Môn với tổng vốn hơn 1.537 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành. TBA 500 kV Ô Môn đã được đóng điện, ĐD 500 kV Nhà Bè – Ô Môn (đoạn Cai Lậy – Ô Môn) đã nghiệm thu và sẵn sàng vận hành truyền tải điện. Các TBA và ĐD 220 kV đã được hoàn thành kịp thời như TBA 220 kV Thốt Nốt, Phan Thiết, Sóc Trăng, Châu Đốc-M2, Mỹ Tho-M2; các ĐD 220 kV Ô Môn – Thốt Nốt, Bạc Liêu – Sóc Trăng… ĐD 220 kV Kiên Lương-Châu Đốc… cũng đã hoàn thành và nghiệm thu, dự kiến đóng điện đầu năm 2011. Ban AMN đang phấn đấu khởi công ĐD Trung tâm nhiệt điện Long Phú – Ô Môn và TBA 500 kV Trung tâm nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), TBA 220 kV Trà Vinh để khởi công trong năm 2011.
Trưởng ban AMN Nguyễn Tiến Hải nhận định: Các công trình LTTĐ được đầu tư mạnh mẽ, kịp thời, cơ bản hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng việc truyền tải hết công suất các nhà máy điện, đóng vai trò như huyết mạch quan trọng phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam. Các công trình được thiết kế, thi công theo Bộ tiêu chuẩn điện kỹ thuật quốc tế (IEC), bảo đảm chất lượng, thể hiện qua việc vận hành an toàn ngay sau khi đi vào sử dụng. Những lúc cao điểm sử dụng điện vào đúng dịp nắng nóng gay gắt giữa năm 2010, những công trình mới đi vào vận hành đã góp phần quan trọng giảm bớt sự quá tải cho hệ thống, bảo đảm an toàn, không xảy ra các sự cố lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, LTTĐ ở đây vẫn cần phải được đầu tư mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn điện và có dự phòng; nhất là các khu vực quan trọng như TP Hồ Chí Minh bởi trong nhiều thời điểm, hệ thống LTTĐ ở đây vẫn phải vận hành trong tình trạng đầy tải hoặc quá tải cục bộ. Tình trạng này có khả năng tăng thêm trong năm 2011.
Nan giải về vốn và mặt bằng
Tăng trưởng phụ tải phát triển nhanh, đòi hỏi đầu tư lớn mới đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, đây là bài toán 'đau đầu' khiến không chỉ AMN mà cả NPT 'chạy ngược chạy xuôi' mà chưa lo đủ vốn. Ban AMN thường xuyên nợ các nhà thầu xây lắp, tư vấn, cung cấp vật tư thiết bị hơn 100 tỷ đồng, thậm chí có thời điểm lên tới 300 tỷ đồng mặc dù đã hoàn tất hồ sơ thanh toán hạng mục công trình. Tỷ lệ giải ngân vốn năm 2010 của AMN cũng chỉ đạt 90% mức kế hoạch. Chính vì thiếu vốn, cộng với năng lực tài chính một số nhà thầu hạn chế dẫn đến nhiều công trình tiến độ bị chậm lại, thậm chí có lúc ngưng thi công. Từ nay đến năm 2015, nhu cầu vốn cho đầu tư lưới truyền tải điện khu vực phía nam đòi hỏi rất lớn, ước tính lên tới 34 nghìn tỷ đồng, mỗi năm cần đầu tư 7 đến 8 nghìn tỷ đồng xây dựng lưới truyền tải điện để tiếp nhận điện từ các trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, Sông Hậu, Kiên Lương, thậm chí sau đó là Trung tâm điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến vận hành năm 2018, trong khi nguồn vốn của đơn vị hiện chỉ cân đối được 20 đến 30%. Dự kiến, tổng mức đầu tư của AMN trong năm 2011 cũng chỉ gần 2.500 tỷ đồng. Các hợp đồng vay vốn vay ODA hay các tổ chức tài chính như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)… đang đến thời điểm kết thúc, chờ điều chỉnh, chuyển tiếp hoặc đang quá trình thương thảo. Một số hợp đồng vay thương mại đã ký với các ngân hàng cũng bị đình trệ do biến động lãi suất. Việc vay vốn thương mại trong thời điểm này càng khó khăn vì lãi suất lên tới 18 đến 19%/năm, thời gian trả nợ ngắn. Theo ông Nguyễn Tiến Hải, theo mức lãi suất này thì AMN cũng như các đơn vị thi công không chịu nổi mà lãi suất chỉ nên ở mức không quá 11%/năm mới hợp lý. Chi phí truyền tải thấp, hiện chỉ ở mức khoảng 60 đến 80 đồng/kW giờ, trong khi tính đủ phải lên tới 180 đến 200 đồng/kW giờ khiến NPT không đủ trả lãi khoản vay chứ chưa nói đến tích lũy vốn. Về phía NPT, vốn điều lệ của tổng công ty chỉ khoảng 7.200 tỷ đồng, trong khi tổng các khoản vay đã vượt quá 21 nghìn tỷ đồng.
Cứ nghĩ, việc xây dựng LTTĐ ở các đỉnh núi cao, địa hình phức tạp sẽ khó khăn, nhưng lãnh đạo AMN cho rằng, thi công ở đồng bằng, qua các khu đô thị là 'ngán nhất' vì thường xuyên vướng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Đặc thù việc xây dựng LTTĐ trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố, chính sách và mức đền bù tại mỗi địa phương lại khác nhau, công tác này ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tiến độ các dự án. Nguyên nhân chủ yếu do người dân trong khu vực dự án khiếu kiện về đơn giá và chính sách đền bù, hỗ trợ, hay so sánh với các dự án khác trên địa bàn. Ngay như đường dây 500 kV Nhà Bè – Ô Môn (đoạn Cai Lậy – Ô Môn) cơ bản hoàn thành, chờ nghiệm thu đóng điện nhưng hiện đang vướng vì còn sáu hộ ở xã Phước Kiến, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) chưa chịu nhận tiền đền bù và di dời. Nếu không giải quyết dứt điểm khó bảo đảm tiến độ đưa công trình vào vận hành. TBA 500 kV Sông Mây đã khởi công tháng 6-2010 nhưng vướng đền bù cho nên phải đến tháng 12-2010 mới triển khai được. Nhiều dự án quan trọng như: các ĐD 500 kV (kéo dây mạch 2 và ngăn lộ) Phú Mỹ – Sông Mây, Sông Mây – Tân Định; các TBA 220 kV Vũng Tàu, Uyên Hưng, Đức Hòa… theo kế hoạch khởi công trong năm 2010 nhưng do vướng đền bù, giải phóng mặt bằng và thu xếp vốn cho nên phải dời sang năm 2011. Các dự án thuộc cụm Thủ Đức Bắc, tiến độ chuẩn bị đầu tư chậm từ năm rưỡi đến hai năm do Bình Dương và Đồng Nai quá khó khăn trong thỏa thuận tuyến và địa điểm. Trưởng ban Nguyễn Tiến Hải bày tỏ: Đúng ra, vấn đề này thuộc trách nhiệm các địa phương nhưng AMN rất vất vả 'xắn tay' vào giải quyết. Hơn nữa, nguồn vốn cho các dự án đã được phê duyệt, ban không thể tự tiện điều chỉnh như các dự án khác thường thỏa thuận riêng với người dân trong khi giá đền bù với giá thực tế chênh lệch quá lớn.
Nhiều địa phương còn lúng túng khi triển khai thực hiện Nghị định số 81/2009/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 106/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Một số địa phương không cập nhật quy hoạch các dự án trên địa bàn, không thống nhất quy hoạch giữa các cấp thẩm quyền, dẫn đến tình trạng một số dự án điện trùng với các dự án tại địa phương, gây nhiều khó khăn do phải điều chỉnh lại hướng tuyến hoặc nắn tuyến. Cũng chính vì nguyên nhân này mà thời gian thi công thực tế đối với TBA và ĐD 500 kV lên tới 24 và 30 tháng, dự án 220 kV là 20 tháng.
Ngoài ra, đối với các thủ tục đầu tư ban đầu, tiến độ có nhanh hơn so với những năm trước nhưng một số dự án vẫn chậm, chủ yếu do các đơn vị tư vấn quá tải, công tác thẩm tra, trình duyệt chậm. Nguồn điện đã và đang chuẩn bị xây dựng khá lớn nhưng quy hoạch đấu nối chưa rõ ràng. Nhiều dự án phải lập lại hồ sơ dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật như đấu nối các trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân, Duyên Hải, Long Phú…
Năm 2011, để đáp ứng nhu cầu truyền tải, hàng loạt các dự án phải khởi công như các TBA 500 kV Mỹ Tho, Sông Mây và đấu nối, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân; các ĐD 220 kV Duyên Hải – Trà Vinh, Vĩnh Long – Trà Vinh, Uyên Hưng – Sông Mây; các TBA 220 kV Khu công nghiệp Phú Mỹ, Củ Chi và đấu nối…, khối lượng công việc hết sức nặng nề. Thậm chí, đến năm 2015, sản lượng truyền tải qua hệ thống LTTĐ ở phía nam dự kiến tăng gấp đôi hiện nay, vì thế Ban AMN kiến nghị: NPT tập trung giải quyết vấn đề thu xếp vốn; các cơ quan chức năng cần sớm hoàn tất quy hoạch LTTĐ đấu nối các nhà máy điện, nhất là các công trình mới hoặc thay đổi quy mô công suất; đẩy mạnh phân cấp dự án, nhất là tạo điều kiện, cơ chế và kinh phí để ban được chủ động trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trên cơ sở NPT chỉ đạo phối hợp với các địa phương; rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt dự án vay vốn ODA… để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị triển khai nhanh dự án.
Theo Nhandan
Ý kiến ()