Phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, bảo đảm an toàn giao dịch ngân hàng
Hôm qua 8/6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn, trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tài chính, ngân hàng.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn của đại biểu từ chiều 7/6. Trả lời câu hỏi về các mối liên kết trong việc phát triển dựa trên niềm tin, vận dụng vốn xã hội trong phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng khẳng định, niềm tin của người dân, vốn xã hội là nguồn lực phát triển quan trọng không kém những nguồn lực vật chất, hữu hình. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng, chiến lược xây dựng những thiết chế xã hội nông thôn, những nhóm nghề nghiệp, nhóm xã hội, chính quyền cấp cơ sở tạo mạng lưới xã hội tham gia sâu vào sự phát triển ở địa phương.
Qua đó nâng cao tính tự chủ, tự lực của người dân, giữ vững niềm tin, gắn kết xã hội, sự chia sẻ, tin tưởng giữa các thành phần doanh nghiệp và người dân, giúp nhanh chóng hồi phục sau những đứt gãy xã hội, đứt gãy chuỗi
cung ứng.
Phát biểu kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, cơ bản bám sát nội dung, chủ đề đặt ra có trọng tâm, trọng điểm với tinh thần thẳng thắn, khách quan, xây dựng và trách nhiệm cao. Các đại biểu Quốc hội nêu vấn đề chất vấn ngắn gọn, súc tích, đi thẳng vào vấn đề cốt lõi, vừa có tính cơ bản, chiến lược lâu dài, mang tính thời sự, cấp bách mà nhân dân và cử tri, nhất là nông dân đang rất quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn, nhưng với kinh nghiệm thực tiễn phong phú và nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng đã cho thấy nắm rõ tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, nhìn chung đã trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra và bảo đảm quy định về thời gian, đồng thời gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể cho lĩnh vực này trong thời gian tới.
Để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhiều đại biểu nêu lên thực trạng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua bộc lộ một số hạn chế. Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Tài chính đánh giá về mức độ “bong bóng” trên thị trường chứng khoán, những chiêu trò thao túng, đầu cơ, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế. Đồng thời đưa ra các giải pháp để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tăng 21,1% so với cuối năm 2021.
Giá trị giao dịch bình quân cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tăng 8,1% so với bình quân năm 2021. Bên cạnh đó, trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi. Nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh. Nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư chưa bảo đảm chất lượng. Nhằm khắc phục tình trạng trên, Bộ Tài chính đang nghiên cứu, sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp, chế tài xử phạt tăng tính răn đe… Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ.
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) về việc báo chí thời gian qua phản ánh về hiện tượng xe biếu, tặng có phải là một cách lách luật, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước hay không? Bộ trưởng Tài chính cho biết, các hãng xe thường phải đặt đại lý ở Việt Nam để chuyển xe qua đại lý. Tuy nhiên, có nhiều loại xe số lượng bán ít, không có đại lý. Lợi dụng các lỗ hổng này, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu tặng.
Theo quy định hiện hành, hình thức biếu tặng không được giảm miễn bất cứ loại thuế nào. Qua kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp kê khai theo giá thấp, cơ quan hải quan căn cứ theo quy định, xác định rõ và đã truy thu thuế với các doanh nghiệp này. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp Bộ Công an xử lý. Đến nay, chưa có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, quá trình rà soát, định giá lại, các cơ quan chức năng không phát hiện ra vấn đề thất thu thuế, các loại thuế đều đã được thu đầy đủ.
Trả lời phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) về năm trách nhiệm của Bộ trưởng Tài chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản theo quy định, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết: Về quy chế đấu giá tài sản, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ để ban hành. Tuy nhiên, việc quản lý về tài sản công trong Luật Đấu giá tài sản, Bộ Tài chính sẽ thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ quy định trong Luật. Đối với đấu giá tài sản, điều quan trọng là thực hiện giá khởi điểm. Còn các loại giá của các lĩnh vực khác cũng được phân cấp cho các ngành.
Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng khẳng định: Bộ có trách nhiệm trong việc giám sát và thực hiện quá trình đấu giá tài sản theo đúng quy định. Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ Tài chính chưa thực hiện được nhiều về đấu giá tài sản. Bởi vì công việc chuẩn bị thực hiện đấu giá do UBND các cấp thực hiện nhưng khi tổ chức triển khai thì lại là do Trung tâm Đấu giá (Bộ Tư pháp) hoặc công ty đấu giá. Khi có vi phạm về pháp luật hình sự, các cơ quan điều tra sẽ xử lý.
Quan tâm tới giá xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đang đứng ở mức cao, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng nêu rõ quan điểm của Bộ Tài chính. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, việc có giảm thuế xăng dầu hay không thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giảm một phần thuế bảo vệ môi trường nhằm giảm giá xăng dầu. Thời gian tới, Bộ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu trình phương án giảm thuế. Bên cạnh việc giảm thuế, cần đẩy mạnh sản xuất trong nước, đẩy mạnh công tác phòng, chống buôn lậu hiệu quả.
Phát biểu kết thúc chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng. Các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn. Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Tài chính tuy lần đầu trả lời chất vấn nhưng đã có chuẩn bị tốt về nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề đại biểu đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục, tập trung vào nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm là: Khẩn trương ban hành đầy đủ và hướng dẫn để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bổ sung dự toán năm 2022, xây dựng dự toán năm 2023 và giải ngân được số tăng bội chi và các nguồn lực khác; xây dựng kịch bản, phương án ứng phó đối với từng mặt hàng để điều hành sản xuất, tạo thuận lợi cho lưu thông, phân phối, cân đối và điều hành cung cầu, bình ổn giá; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa…
Bảo đảm an toàn khi giao dịch qua hệ thống ngân hàng
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) và một số đại biểu khác bày tỏ lo ngại về sự xuất hiện của các hình thức cho vay qua ứng dụng (cho vay ngang hàng – P2P Lending), hiện được người dân ưa chuộng vì tiếp cận dễ dàng, nhưng lại cho thấy những bất cập nhất định. Đặc biệt, mới đây các lực lượng chức năng vừa triệt phá một vụ việc cho vay ngang hàng lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho người dân. Trả lời câu hỏi nêu trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Về lý thuyết, P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế, nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Tuy nhiên, những năm vừa qua, ở khu vực châu Á từng xuất hiện cùng lúc hàng nghìn địa chỉ cho vay không tách bạch giữa người cho vay và người đi vay. Thậm chí, có trường hợp người lập sàn công nghệ cho vay thực chất lại là người đi vay. Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, đưa ra khảo sát, đánh giá về những tổ chức cho vay tương tự. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát chặt chẽ hơn. Cụ thể, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nhằm khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm các biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm liên quan đến P2P Lending, hạn chế tối đa các rủi ro phát sinh.
Một số đại biểu lo lắng và chất vấn tình trạng mạo danh người khác để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng trên các trang mạng xã hội hiện đang gia tăng nhanh chóng. Việc này xuất phát từ công tác quản lý chưa chặt từ phía các ngân hàng thương mại, gây khó khăn trong quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nhiều người dân dù không vay nợ nhưng lại bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua app nợ không được trả đúng hạn. Các đại biểu đề nghị làm rõ những biện pháp từng bước hạn chế tình trạng nêu trên.
Về vấn đề này, liên quan công tác quản lý tài khoản ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, khuôn khổ pháp lý về mở tài khoản ngân hàng đã được ban hành đầy đủ, chi tiết. Thực tế, các cá nhân mở tài khoản đều phải xác thực định danh, mở tài khoản điện tử cũng phải thông qua chứng minh nhân dân, căn cước công dân.
Đối với hiện tượng lừa đảo mà các đại biểu đã nêu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn các bộ, cơ quan chức năng nhằm xác minh thông tin, đưa ra giải pháp cụ thể để cảnh báo người dân về các nguy cơ tiềm tàng. Về việc đòi nợ gây bức xúc của các công ty tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nêu rõ: Qua rà soát, cần thiết phải sửa đổi các văn bản quy định pháp luật, bao gồm cả những Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hoạt động cho vay của các công ty tài chính…
Lạm phát trong 5 tháng đầu năm cơ bản được kiểm soát và thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới, chủ yếu là nhờ chúng ta triển khai yêu cầu kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan theo dõi sát diễn biến tình hình giá cả, các giải pháp điều hành giá cũng như các biện pháp bảo đảm cung cầu phù hợp, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Bên cạnh đó, quản lý sát việc điều hành giá cả các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, giá dịch vụ công nhà nước. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai, niêm yết giá của các doanh nghiệp…
Phó Thủ tướng LÊ MINH KHÁI
Nền nông nghiệp nước ta có đặc thù là sản phẩm rất đa dạng, phong phú, như: lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi thủy hải sản nhưng việc xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, thị trường đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện của thị trường. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp, như: giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất, thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn rất thấp.
Phó Thủ tướng LÊ VĂN THÀNH
Theo Nhandan
Ý kiến ()