LSO- Một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Trong đó, yếu tố quan trọng để tạo ra sự chuyển dịch ấy là phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống. Trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xác định hướng phát triển làng nghề theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”, phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương.Với cơ cấu dân tộc trên địa bàn hầu hết là dân tộc Nùng, những năm trước đây, trên địa bàn xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc đã hình thành một số nghề thủ công như thêu, dệt, rèn…mang đậm bản sắc văn hoá. Trong đó đặc biệt phát triển là nghề thêu thổ cẩm, với những chiếc túi, nải, áo có hoa văn rất đẹp tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi, sự sinh sôi của muôn loài, hay chỉ đơn giản là những sản vật của nông nghiệp như quả trám, bó lúa. Tuy nhiên những sản phẩm đó...
LSO- Một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới là chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Trong đó, yếu tố quan trọng để tạo ra sự chuyển dịch ấy là phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống. Trong kế hoạch xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xác định hướng phát triển làng nghề theo phương châm “mỗi làng một sản phẩm”, phát triển ngành nghề theo thế mạnh của địa phương.
Với cơ cấu dân tộc trên địa bàn hầu hết là dân tộc Nùng, những năm trước đây, trên địa bàn xã Hòa Cư, huyện Cao Lộc đã hình thành một số nghề thủ công như thêu, dệt, rèn…mang đậm bản sắc văn hoá. Trong đó đặc biệt phát triển là nghề thêu thổ cẩm, với những chiếc túi, nải, áo có hoa văn rất đẹp tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi, sự sinh sôi của muôn loài, hay chỉ đơn giản là những sản vật của nông nghiệp như quả trám, bó lúa. Tuy nhiên những sản phẩm đó chủ yếu là sản xuất tự cung, tự cấp và với sự phát triển của xã hội, nghề cũng dần biến mất. Theo một khảo sát, số lao động làm nghề thổ cẩm tại Hoà Cư chỉ khoảng 100 người. chiếm 3,7% tổng dân số của xã, một con số rất nhỏ. Cách đây khoảng 10 năm, trên địa bàn xã Hoà Cư xuất hiện mô hình sản xuất các sản phẩm thêu thổ cẩm truyền thống. Mô hình này do một số tổ trưởng có mối quan hệ với các đầu mối tiêu thụ tại Hà Nội đứng ra nhận đơn hàng, sau đó chia lại đơn hàng cho các hộ sản xuất. Tuy nhiên, lượng đơn hàng không thường xuyên và cũng chủ yếu tận dụng lúc nông nhàn, nên đây chỉ là một nghề phụ, không mang lại thu nhập chính cho người dân. Mô hình sản xuất này cũng bộc lộ rất nhiều bất cập, như giá cả, năng suất lao động, thị trường tiêu thụ… Trong bối cảnh đó, năm 2009, Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công thương đã xây dựng đề án khảo sát và phát triển làng nghề thêu thổ cẩm tại xã Hoà Cư. Thực tế trước đây, các sản phẩm thêu thổ cẩm rất đơn điệu, chỉ là vỏ gối, khăn trải bàn, túi nhỏ… Ông Từ Như Hiển, cán bộ Trung tâm Xúc tiến thương mại cho biết: Đề án đã tập trung vào công tác hỗ trợ thiết kế, bởi đây được coi là vấn đề sống còn của làng nghề, đối với tư duy kinh tế thị trường, cần phải sản xuất ra những sản phẩm thị trường đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Từ đó sản phẩm thêu thổ cẩm của Hoà Cư đã xuất hiện thêm các mẫu mới như túi đựng điện thoại, túi sách thời trang, giày, dép, ví…với những mẫu hoa văn truyền thống đan xen mẫu hoa văn mới. Đây là một điểm nhấn, chìa khoá mở ra thị trường tiêu thụ mới và nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với hỗ trợ thiết kế, Trung tâm Xúc tiến thương mại đã chú trọng đến đào tạo. Trước tiên là đào tạo cho 15 thành viên hạt nhân sử dụng máy để nâng cao năng suất, nâng cao tay nghề. Đề án hỗ trợ 5 máy khâu công nghiệp và 1 máy vắt xổ cho nhân dân địa phương và được lắp đặt ngay tại các phòng học. Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến thương mại cũng hỗ trợ Hoà Cư xây dựng phòng trưng bày sản phẩm có nhãn mác, bao bì sản phẩm và hướng dẫn người làm nghề cách đóng gói, in tờ rơi quảng cáo, hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại. Trong hội chợ “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” xuân Xứ Lạng 2011 vừa qua, các sản phẩm thổ cẩm của Hòa Cư lần đầu tiên được góp mặt thông qua 2 gian hàng và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã. Đó chính là những tiền đề quan trọng để khôi phục lại nghề truyền thống và cũng là nền tảng để phát triển những ngành nghề khác như du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương.
Nghề dệt vải nhuộm chàm ở xã Hải Yến, huyện Cao Lộc
Tuy nhiên không phải nơi nào cũng được may mắn như Hoà Cư, tôi đã có dịp được đến thăm khá nhiều nơi làm nghề truyền thống như nhuộm chàm ở Hải Yến (Cao Lộc); nghề làm hương thổ, làng làm ngói âm dương, làng nghề tre đan ở Tràng Định…và cả những nơi đang phát triển một số nghề mới như sản xuất, chế biến nông sản, vật liệu xây dựng… Hầu hết ở những nơi ấy, người dân đều không có thu nhập chính từ nghề, hay nói cách khác, họ không sống được bằng nghề. Trong những năm qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã có rất nhiều lớp đào tạo nghề nông thôn được mở ra, không thể phủ nhận những hiệu quả mà các lớp đào tạo này mang lại, nhưng trên thực tế nó chưa tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Đã đến lúc cần có sự khảo sát, đánh giá và nhìn nhận một cách toàn diện về phát triển các ngành nghề truyền thống, để từ đó có hướng hỗ trợ phát triển cho các địa phương. Đó cũng là một trong những nội dung quan trọng để xây dựng thành công nông thôn mới, tiên tiến, hiện đại, nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc.
Vũ Lê Minh
Ý kiến ()