tle=”Phát triển lâm sản ngoài gỗ: Tiềm năng bỏ ngỏ (Kỳ I)” href=”http://baolangson.com.vn/node/9651″> Phát triển lâm sản ngoài gỗ: Tiềm năng bỏ ngỏ (Kỳ I) LSO-Trong hội nghị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cây lâm sản ngoài gỗ do UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Bộ NN&PNT tổ chức vừa qua, các đại biểu đã được tận mắt chứng kiến những sản phẩm công nghệ cao như dầu ăn, dầu thơm, nước hoa…được chế biến từ lâm sản ngoài gỗ.
Cũng thông qua hội nghị này, nhiều ý kiến tâm huyết về phát triển lâm sản ngoài gỗ tại Lạng Sơn đã được chia sẻ. Đây cũng là dịp để những người làm lâm nghiệp Lạng Sơn có dịp tiếp cận với những thông tin hữu ích cho phát triển lâm sản ngoài gỗ.
|
Các sản phẩm chế biến từ lâm sản ngoài gỗ |
Hơn quá nửa đời người gắn bó với ngành nông nghiệp, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn luôn trăn trở với việc phát triển nông lâm nghiệp, trong đó có lâm sản ngoài gỗ đối với các tỉnh miền núi, đặc biệt sự quan tâm đó hướng nhiều tới Lạng Sơn. Nguyên Phó Thủ tướng phân tích: Bản chất của sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở miền núi là nền sản xuất hàng hóa trên đất dốc. Chính vì vậy ngành kinh tế chủ lực miền núi phải là ngành lâm nghiệp bao gồm cây lấy gỗ và lâm sản ngoài gỗ, gắn với công nghiệp chế biến sâu về lâm sản. Tuy nhiên với đặc điểm của nông dân miền núi, khó khăn về nguồn vốn, trình độ thâm canh chưa cao, thì mọi sự định hướng phát triển đều phải tính đến yếu tố này. Nói về tiềm năng để phát triển lâm nghiệp, đặc biệt là lâm sản ngoài gỗ của Lạng Sơn thì không ai có thể phủ nhận thế mạnh về đất đai và khí hậu. Với tổng diện tích tự nhiên là 832.378ha, thì diện tích đất quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp là 648.245ha, chiếm tới 77,8%, trong khi đó khí hậu được coi là lý tưởng để phát triển lâm sản ngoài gỗ. Không có nhiều thời gian, nhưng chỉ hơn 10 phút trao đổi với phóng viên Báo Lạng Sơn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Công Tạn đã phân tích một cách ngắn gọn và khá đầy đủ những nguyên nhân chính khiến cho lâm sản ngoài gỗ ở Lạng Sơn còn phát triển chưa tương xứng. Trước tiên ông cho rằng đó là “tại” khoa học. Muốn phát triển, thì khoa học phải đi trước một bước, nhưng từ trước đến nay, những đề tài nghiên cứu về lâm sản ngoài gỗ là không nhiều, người nông dân Lạng Sơn chưa được cung cấp thông tin một cách đầy đủ về vấn đề này, nên chưa thể phát triển. Nguyên nhân tiếp theo là khi phát triển lâm sản ngoài gỗ, Lạng Sơn chưa gắn được với công nghệ chế biến, thị trường tiêu thụ, chính vì thế hiệu quả kinh tế còn thấp, dẫn tới người dân chưa mặn mà. Ông cũng nêu lên nhiều loại cây lâm sản ngoài gỗ mà Lạng Sơn có thể phát triển, trên diện rộng có các loại cây thế mạnh như cây hồi, thông mã vĩ; trên diện tích hẹp có các loại cây dẻ, cây dược liệu, cây sở…Tất nhiên để phát triển cần phải có quy hoạch cụ thể từng loại cây; liên kết với các doanh nghiệp, thu hút đầu tư để phát triển công nghệ chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ, cần phải có những mô hình trình diễn để có thực tiễn, sức thuyết phục đối với người dân và cơ chế chính sách hợp lý để khuyến khích nông dân. Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu về lâm sản ngoài gỗ ở Lạng Sơn, ông Phùng Tửu Bôi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ bảo tồn tự nhiên và phát triển cộng đồng Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam nhận định: Với lợi thế thuận tiện trong giao thương với Trung Quốc, muốn phát triển lâm sản ngoài gỗ, Lạng Sơn cần có cuộc điều tra, tổng hợp đánh giá tài nguyên lâm sản ngoài gỗ trong toàn tỉnh; lựa chọn những loài có giá trị cao, thị trường cần chuyển từ khai thác tự nhiên sang trồng đại trà tạo ra sản phẩm hàng hoá và quan trọng là trên có sở những sản phẩm đó, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư gây trồng khai thác và chế biến. Cùng với những ý kiến đó, ông Hoàng Lê Minh, Giám đốc Công ty giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc cho rằng: muốn phát triển lâm sản ngoài gỗ, trước tiên phải thay đổi được nhận thức của người dân, làm sao cho họ thấy được giá trị của các loại cây, loại sản phẩm đó; sau đó là quy hoạch, khuyến khích họ phát triển bằng một cơ chế, chính sách cụ thể; phát triển phải gắn liền với khoa học, công nghệ. Qua nhiều năm nghiên cứu, Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc đã bảo tồn và phát triển được rất nhiều loại cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị cao, nhưng điều quan trọng là cần có “sợi dây” nào đó để nối liền khoa học và nhà nông, áp dụng vào thực tế và đưa ra sản xuất đại trà.
Đồng chí Nguyên Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Trong những năm qua, Lạng Sơn đã và đang có sự quan tâm thích đáng đến phát triển lâm sản ngoài gỗ. Một mặt tỉnh đẩy mạnh quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo nền tảng cho lâm sản ngoài gỗ, mặt khác đẩy mạnh phát triển một số mô hình cây lâm sản ngoài gỗ. Tuy nhiên do nhiều hạn chế, nên hiệu quả và tính bền vững chưa cao. Có thể là chưa đầy đủ, tổng quát được hết, nhưng những ý kiến trên đã cho thấy sự quan tâm rất lớn đối với phát triển lâm nghiệp của Lạng Sơn, trong đó có phát triển lâm sản ngoài gỗ. Đó cũng là cơ sở quan trọng để ngành NN&PTNT Lạng Sơn có những chủ trương, định hướng đúng đắn mang tính chiến lược trong phát triển lâm nghiệp, để kinh tế lâm nghiệp thực sự là thế mạnh của tỉnh, nâng cao thu nhập đời sống của nhân dân và góp phần xây dựng nông thôn mới. Khi ấy, rừng mới thật sự là vàng!
Lê Minh
Ý kiến ()