Làng “triệu phú” trên vùng gò đồi
Từ trung tâm các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, ngược theo những tuyến đường trải thảm nhựa, đường đất đỏ lên các vùng gò đồi, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi là mầu xanh bạt ngàn của những vườn cây trải dài trên các triền đồi. Những khoảnh đất trống, đồi núi trọc năm xưa đã được thay bằng mầu xanh thẳm với bạt ngàn rừng trồng, cây cao-su và hoa màu xen lẫn với những ngôi nhà mới khang trang. Địa hình đất đai các vùng gò đồi trước đây gập ghềnh, giao thông cách trở, nhưng bây giờ đi lại đã dễ dàng, những loại xe ô-tô cỡ lớn có thể về tận từng thôn, xóm để thu mua nông sản.
Thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) được xem là một trong những địa phương đầu tiên ở Quảng Trị thành công từ chương trình di dân phát triển kinh tế vùng gò đồi. Cách đây hơn 10 năm, theo Chương trình 327 (Dự án trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc) những nông dân đầu tiên của xã Vĩnh Thủy và một số xã khác trên địa bàn huyện Vĩnh Linh lên mảnh đất này với tinh thần khai hoang, phục hóa phát triển kinh tế vùng gò đồi. Giờ đây, nhìn vào những lô cao-su trải dài ngút ngàn, đang vào kỳ thu hoạch ít ai nghĩ, nơi đây là một vùng kinh tế mới hồi sinh mà thu nhập từ cây cao-su đã đưa các hộ gia đình có kinh tế khá. Ông Nguyễn Văn Dương có bốn ha cao-su vào kỳ khai thác, với sản lượng hơn 20 tấn mủ nước/năm, cho thu nhập mỗi năm 350 triệu đồng, nhưng chưa bao giờ ông bỏ tiền mua lương thực, vì năm nào gia đình ông cũng có ít nhất một tấn lúa từ năm sào ruộng mang lại. Ông Dương cho biết: “Để có được nhà cửa khang trang và thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, vợ chồng tôi đã khai hoang, vỡ đất đồi trồng cao-su và san lấp các triền đất bên khe suối trồng lúa và các loại cây hoa màu khác. Ngày trước trồng lúa, trồng khoai để chống đói, rồi lấy ngắn nuôi dài trồng cây cao-su mới có được cuộc sống như ngày hôm nay. Cái mà đất đai mang lại cho mình thì mình nên làm lấy, mắc gì mà phải lặn lội về đồng bằng mua lên cái mà ở trên này mình có thể làm được…”. Không riêng gì gia đình ông Dương mà tất cả các hộ gia đình ở Tân Thủy đều lập nghiệp ở đây với tinh thần được mùa cao-su “chớ phụ ngô, khoai”. Dù hiện nay, giá mủ cao-su đang cao nhưng họ không trông chờ ỷ lại vào vườn cao-su mà mỗi người bằng sức lực của mình xoay xở làm thêm những công việc khác nhau để tăng thêm thu nhập. Gia đình ông Trần Chí Linh là một điển hình, ngoài hai ha cao-su đang khai thác cho thu nhập 180 triệu đồng/năm, còn có hơn 4 ha sắn cho thu nhập 50 triệu đồng/năm và 6 sào ruộng cho thu hơn một tấn lúa/năm…
Đến xã Tân Long, huyện Hướng Hóa những ngày này mới thấy hết sự sôi động của các chợ chuối trên địa bàn. Chuối từ khắp các ngả đường của xã Tân Long được người dân đưa ra nhập cho những người thu mua. Nhờ chuối mà người dân nơi đây từ chỗ đói nghèo vươn lên có của ăn, của để, nhà cao cửa rộng và trở thành “triệu phú”. Xác định cây chuối là một trong những loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, cho thu nhập quanh năm, vốn đầu tư ít lại thích hợp vùng gò đồi nên người dân xã Tân Long đã tập trung mở rộng diện tích trồng loại cây này. Từ khi chuối bắt đầu xuất khẩu, phong trào trồng chuối ở Tân Long phát triển mạnh, diện tích chuối không ngừng tăng lên. Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh cho biết: Năm 2005, diện tích chuối trên địa bàn xã Tân Long mới chỉ có 400 ha, đến nay toàn xã đã trồng được hơn 1.000 ha chuối, tăng gấp 2,5 lần và tăng 80% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Với giá bán 4.000 – 6.000 đồng/kg chuối, bình quân mỗi ha chuối cho thu nhập khoảng 40 – 50 triệu đồng/năm, mỗi năm toàn xã Tân Long thu về từ 20 đến 25 tỷ đồng từ tiền bán chuối. Nhờ thu nhập cao từ cây chuối, đời sống vật chất và tinh thần của người dân xã Tân Long tăng lên rõ rệt. Một số hộ gia đình đã giàu lên nhờ cây chuối và chăn nuôi gia súc, gia cầm, điển hình có hộ gia đình anh Đoàn Văn Trang, ở thôn Long Hợp, xã Tân Long, bình quân mỗi năm thu nhập hơn 600 triệu đồng; gia đình anh Nguyễn Dương Phước, ở thôn Long Phụng, xã Tân Long mỗi năm thu nhập hơn 350 triệu đồng… Hiện nay, ở Tân Long đang xuất hiện ngày càng nhiều những “triệu phú” từ trồng chuối, làm giàu bằng chính sức lao động của mình trên đồng đất quê hương. Từ chủ trương đúng, ý Đảng hợp lòng dân, phong trào đồng loạt đưa cây chuối lên trồng trên vùng đất gò đồi đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức cũng như hành động, tạo ra sản phẩm nông sản hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Những năm gần đây, chuối là cây trồng chủ lực không những cung cấp số lượng lớn chuối quả cho thị trường trong nước mà còn được bán ra thị trường ngoài nước. Cây chuối và phong trào trồng chuối ở xã Tân Long đã tạo ra sản phẩm chuối hàng hóa có chất lượng, uy tín trên thị trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, nhiều vùng đất hoang hóa, bạc màu ở gò đồi trước đây, nay đã được khai hoang, phục hóa để trồng trọt, chăn nuôi nhờ kinh tế trang trại phát triển và sự năng động, sáng tạo của người dân trong sản xuất, kinh doanh. Đây là sự thành công của chính quyền và nhân dân từ công tác tuyên truyền, vận động, triển khai, tổ chức thực hiện cùng với việc giải quyết khó khăn ban đầu về đời sống cho nhân dân. Từ phong trào thi đua phát triển kinh tế vùng gò đồi, những mô hình kinh tế trang trại đã ra đời và phát huy hiệu quả ở nhiều địa phương.
Khát vọng chinh phục đồi cao
Từ thị trấn Ái Tử ngược lên con đường đất đỏ theo hướng rừng Trừ Lấu, chúng tôi tìm đến vùng gò đồi tây Triệu Phong. Gặp chúng tôi, anh Trần Quốc Tuấn, 48 tuổi, ở thôn kinh tế mới Liên Phong, xã Triệu Ái không giấu niềm vui, cho biết: “Cuộc sống của người dân nơi đây bây giờ chưa giàu có lắm nhưng đã ổn định rất nhiều”. Những ngày đầu mới đến vùng cao này lập nghiệp, anh Tuấn chưa có việc ổn định nên tranh thủ đi bốc vác gỗ thuê, rồi hái rau má, hái sim, cắt tranh, lấy củi… bán kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Rồi anh bắt tay vào việc khai phá đất hoang để trồng rừng, lập vườn. Với sự cần cù, quyết tâm chinh phục vùng đất khó của mình mà anh đã khai hoang được hơn 10 ha đất, biến chúng thành vườn cây xanh mướt. Có đất anh dành ba ha trồng cao-su tiểu điền, ngoài ra anh trồng thêm rừng tràm và các loại hoa màu như sắn, lạc, đậu xanh, môn lấy củ… cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm. “Hồi đó muốn lên đây chỉ có luồn rừng đi bộ thôi chứ làm gì có đường. Mà rừng chỉ toàn cây bụi, cỏ tranh,… mới nhìn là đã ngán rồi. Nhiều lần tui nản định bỏ về nhưng nghĩ về quê cũng khó nên đành trụ lại. Bây giờ thì sướng rồi!”, đứng bên vườn cây cao-su xanh mướt, anh Tuấn phấn chấn nói với chúng tôi như vậy.
Do ở quê đất chật, người đông nên ông Nguyễn Các, ở thôn Gia Độ, xã Triệu Độ (Triệu Phong) quyết định rời quê lên vùng Tràng Sòi, xã Triệu Ái lập nghiệp. Trải qua vô vàn khó khăn trong những ngày đầu trên vùng đất mới, đến nay ông đã thật sự chinh phục vùng gò đồi, trồng được gần 100 ha cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Diện tích rừng trồng lứa đầu của ông đã vào kỳ khai thác, mỗi năm cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng, trong vòng 10 năm trở lại đây ông đã có trong tay hàng tỷ đồng từ trồng rừng.
Anh Nguyễn Khắc Cận cùng gia đình lên vùng kinh tế mới bắc sông Bến Hải, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh định cư, khai hoang 40 ha đất để trồng rừng. Thời gian đầu, nguồn vốn khó khăn, anh đầu tư trồng 6 ha cao-su, còn lại trồng cây lâm nghiệp. Kinh tế phát triển, anh tích lũy vốn trồng thêm 10 ha cao-su. Đến nay 6 ha cao-su đưa vào khai thác cho thu bình quân 4 triệu đồng/ngày, thu nhập từ cao-su mỗi năm hơn 600 triệu đồng. Doanh thu từ cây lâm nghiệp bình quân khoảng 160 triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh, anh còn mở rộng chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá, hươu lấy nhung, gieo cấy 1,2 ha ruộng lúa cho thu nhập thêm khoảng 200 triệu đồng. Anh còn đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua sắm các loại máy móc, xe vận chuyển làm dịch vụ cho thu nhập bình quân hơn 2,8 tỷ đồng/năm. Trang trại của anh Cận đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, với mức lương bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Đánh giá về sự phát triển kinh tế vùng gò đồi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính nhận xét: Bây giờ, sau hai mươi năm nhìn lại, có thể nói rằng, giấc mơ khai phá vùng gò đồi của người dân đã trở thành hiện thực, những vùng đất hoang vu, rậm rạp cây dại và um tùm lau sậy năm xưa đã nhường chỗ cho những rừng cao-su, rừng keo tai tượng và những đồi sắn bạt ngàn. Giá trị kinh tế mà vùng gò đồi mang lại là rất lớn, nhiều người nói rằng, chính gò đồi đã góp phần rất quan trọng vào quá trình giảm nghèo và tăng hộ giàu có ở vùng đất này.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, nền kinh tế vùng gò đồi của tỉnh chủ yếu phát triển nông, lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi. Cơ cấu cây trồng đa dạng, phong phú, trong đó các loại cây trồng tập trung như: cao-su hơn 17.300 ha, cà-phê 4.660 ha, hồ tiêu 2.265 ha, sắn 10.000 ha, chuối 2.500 ha, lạc 2.550 ha và một số loại cây trồng khác. Nhờ điều kiện khí hậu và đất đai đa dạng, các loại cây trồng ở vùng gò đồi cho hiệu quả kinh tế cao, là những cây trồng đặc trưng được thị trường ưa chuộng, trở thành hàng hóa có giá trị. Vì vậy, tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt thực hiện Nghị quyết 05/NQ-T.U (khóa 8) của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế -xã hội vùng gò đồi một cách toàn diện, bền vững, trong đó chú trọng việc khai thác tiềm năng đất đai và xây dựng cơ chế chính sách phù hợp.
Tiếp sức cho vùng gò đồi
Để tiếp sức cho vùng gò đồi và người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vấn đề quan tâm nhất hiện nay là hỗ trợ việc thu mua, tiêu thụ và chế biến nông sản. Trên thực tế hằng năm, Nhà nước đã hỗ trợ giá tiêu thụ nông sản thông qua chính sách trợ giá, trợ cước, với số vốn bình quân khoảng hơn 2,5 tỷ đồng/năm. Nguồn hỗ trợ này chủ yếu trợ giá cho việc thu mua nguyên liệu, trợ giá cước vận chuyển, hỗ trợ phân bón, trợ giá tiêu thụ nông sản… Bên cạnh việc trợ giá thì mạng lưới tiêu thụ cũng đã hình thành. Hiện nay, một số địa phương đã có các nhà máy chế biến thu mua tiêu thụ nông sản như sắn, cà-phê, cao-su cho người dân. Những năm qua, chủ trương đẩy mạnh phát triển sản xuất, thu mua, tiêu thụ và chế biến nông sản, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế và lực lượng sản xuất tại địa bàn vùng gò đồi của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên về lâu dài và muốn có tính ổn định, bền vững, tỉnh và các cơ quan quản lý ngành cần có định hướng cụ thể cho người dân và các doanh nghiệp trong việc phát triển loại cây trồng phù hợp để sản xuất hàng hóa, tạo sự tin cậy đối với các nhà đầu tư, thu mua, tiêu thụ và chế biến nông sản. Thời gian qua, một số cây như cao-su, cà-phê, sắn được sản xuất theo lối sản xuất hàng hóa đã mang lại giá trị kinh tế cao, do đó cần khuyến khích và có chính sách phù hợp để phát triển. Cần nghiên cứu và áp dụng các công nghệ tiên tiến sau sản xuất để chế biến thành các mặt hàng có giá trị phục vụ đời sống, giảm dần xuất khẩu nguyên liệu thô để nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Ngoài việc duy trì và phát triển bền vững vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân theo giá thị trường, các doanh nghiệp cần cung ứng giống mới, phân bón giá rẻ, tập huấn kỹ thuật canh tác để tăng năng suất và chất lượng cây trồng.
Ý kiến ()