Phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả
– Anh Lâm Văn Thép, sinh năm 1980, thôn Ga, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng được biết đến là người nông dân năng động, chịu khó, biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế bằng mô hình trồng cây ăn quả, đem lại thu nhập cao.
Đến nhà anh Thép vào một ngày cuối tháng 12/2021, chúng tôi rất ấn tượng bởi căn nhà mái Nhật rộng 150 m2 vừa mới xây dựng xong. Trò chuyện với anh, chúng tôi được biết: đây chính là thành quả sau nhiều năm phát triển mô hình cây ăn quả của gia đình.
Anh Lâm Văn Thép chăm sóc cây na sau thu hoạch
Anh Thép chia sẻ: Tận dụng diện tích đất cha ông để lại và dựa vào lợi thế tự nhiên ở xã, khoảng 10 năm trước, tôi đã đầu tư trồng hơn 1.000 gốc na. Cây na sinh trưởng, phát triển tốt, sau 3 năm bắt đầu bói quả và đến 5 năm, cây cho thu hoạch quả ổn định. Theo đó, mỗi năm, gia đình thu hoạch 5 tấn na, thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Chia sẻ về kỹ thuật chăm sóc, anh Thép cho biết thêm: Để na cho năng suất cao, điểm quan trọng là nắm rõ quy trình sinh trưởng, phát triển của cây. Vào mùa xuân, cây đâm chồi nảy lộc, thời điểm này cần bón phân, làm cỏ, tỉa cành cho cây nhằm tăng độ dinh dưỡng và loại bỏ các mầm bệnh. Đặc biệt, khi cây ra hoa, người trồng phải tỉ mỉ lựa chọn những bông hoa to, đẹp để thụ phấn cho na, công đoạn này giúp quả to và đẹp, năng suất cao.
Ngoài trồng na, tận dụng đất vườn trống, năm 2011, anh Thép trồng thêm 250 cây bưởi Diễn. Đến năm 2016, phong trào chuyển đổi đất canh tác kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả giá trị cao trên địa bàn xã phát triển mạnh, anh tiếp tục trồng thêm 250 gốc bưởi trên ruộng hạn. Qua nhiều năm cần cù vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ những nhà vườn xung quanh, anh rút ra được nhiều kinh nghiệm. Để cây bưởi ra quả đều, anh khoanh cành trước khi cây ra hoa, việc này giúp điều tiết được lượng nước từ gốc lên thân cây, để cây ra nhiều hoa và tỷ lệ đậu quả cao hơn. Năm 2021, vườn bưởi gia đình anh thu hoạch khoảng 10.000 quả, với giá bán 10.000 đồng đến 12.000 đồng/quả, đem lại nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng.
Mô hình trồng các loại cây ăn quả đã đem lại nguồn thu cho gia đình anh trên 300 triệu đồng mỗi năm. Với thu nhập đó, anh có điều kiện chăm lo cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học và xây dựng nhà cửa.
Nhận xét về anh Thép, ông Đoàn Tuấn Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng cho biết: Anh Lâm Văn Thép không chỉ là hội viên nông dân điển hình trong phát triển kinh tế của xã, mà còn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của hội, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên trong xã có nhu cầu học tập phát triển mô hình trồng cây ăn quả của mình. Ngoài ra, từ mô hình cây ăn quả, gia đình anh Thép còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho 3 lao động ở thôn, xã, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Từ những cố gắng, nỗ lực đó, anh Lâm Văn Thép đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp. Năm 2021, anh được Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.
Ý kiến ()