Phát triển kinh tế từ mô hình trang trại chăn nuôi lợn khép kín
– Với sự mạnh dạn, năng động trong phát triển kinh tế, anh Nguyễn Hồng Minh, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng đã đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi lợn theo hướng trang trại khép kín. Hướng đi này giúp gia đình anh nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Anh Nguyễn Hồng Minh sinh năm 1979 trong một gia đình thuần nông tại thôn Cã Trong, xã Minh Sơn. Trước đây, gia đình anh chủ yếu trồng lúa, ngô, hiệu quả kinh tế bấp bênh. Đến năm 2013, anh mạnh dạn chuyển hướng sang chăn nuôi lợn.
Anh Minh chăm sóc đàn lợn
Nhớ lại những ngày đầu mới xây dựng mô hình, anh Minh cho biết: Tận dụng diện tích đất rộng, năm 2013, tôi quyết định chọn mô hình nuôi lợn để phát triển kinh tế gia đình. Khi ấy, bản thân chưa có kinh nghiệm, nên năm đầu, tôi chỉ nuôi 15 lợn nái để chủ động giống và nuôi lợn thịt. Để chăn nuôi hiệu quả, hạn chế dịch bệnh, tôi dành nhiều thời gian tìm tòi, tích luỹ kiến thức từ sách, báo, truyền hình. Nhờ vậy, đàn lợn phát triển tốt, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ ổn định. Năm đầu, tôi xuất bán được 200 con lợn giống và 100 con lợn thịt, thu nhập trên 200 triệu đồng.
Từ thành công bước đầu, đến năm 2015, anh lên ý tưởng và bàn với gia đình đầu tư phát triển chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại khép kín và tăng số lượng đàn. Nghĩ là làm, anh đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bắt tay vào nghiên cứu, học hỏi các kiến thức về xây dựng mô hình trên mạng Internet, các chương trình nông nghiệp trên truyền hình và tích cực tham gia các hội thảo liên quan đến chăn nuôi. Tự tin với những gì mình học được, anh quyết tâm đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Theo đó, trên diện tích 900 m2, anh xây dựng thành 2 khu chuồng riêng biệt dành cho nuôi lợn nái và lợn thịt. Đồng thời, anh lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chăn nuôi một cách bài bản như: máng ăn tự động, hệ thống điều hoà làm mát, bóng úm, hầm biogas…
Theo anh Minh, chăn nuôi theo hình thức này có ưu điểm đảm bảo tính an toàn sinh học, chủ động được con giống, hạn chế được dịch bệnh khi mua lợn giống từ bên ngoài về. Anh Minh chia sẻ thêm: Việc nắm vững kỹ thuật trong chăn nuôi rất quan trọng. Cụ thể, với số lượng lợn nái lớn, để có con giống tốt, tôi đã thực hiện phương pháp thụ tinh nhân tạo. Để tỷ lệ thành công 100%, cần bảo quản tinh lợn ở nhiệt độ 18 đến 21 độ, thời gian bảo quản tối đa 7 ngày. Mặt khác, khi lợn con được sinh ra, phải chủ động tiêm phòng vắc xin đầy đủ, khẩu phần ăn hợp lý và vệ sinh chuồng trại thường xuyên.
Nhờ chịu khó, có kinh nghiệm chăn nuôi, từ 15 con lợn nái ban đầu, anh đã dần mở rộng quy mô và tăng đàn. Đến nay, anh duy trì 100 lợn nái. Riêng 2 năm trở lại đây, anh xuất trên 2.000 con lợn giống và 200 con lợn thịt/năm, thị trường chủ yếu là các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, đem lại thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Mô hình chăn nuôi lợn khép kín của anh Minh được đánh giá là mô hình tiêu biểu của xã. Ông Lý Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Minh Sơn nhận xét: Anh Nguyễn Hồng Minh là nông dân điển hình ở xã trong phát triển mô hình nuôi lợn theo hướng trang trại khép kín. Anh mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, tích cực học hỏi, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào chăn nuôi. Trang trại lợn của anh là mô hình để nhân rộng, phát triển, đem lại hiệu quả kinh tế trên địa bàn.
Ý kiến ()