Phát triển kinh tế từ mô hình chăn nuôi lợn khép kín
– Nhờ sự cần cù, chịu khó cùng tư duy nhạy bén, anh Hoàng Văn Thắng, thôn Bản Tẳng, xã Khánh Xuân, huyện Lộc Bình đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn theo hướng trang trại khép kín. Mô hình này đã giúp gia đình anh nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Hoàng Văn Thắng sinh năm 1980 trong một gia đình thuần nông tại thôn Bản Tẳng, xã Khánh Xuân. Trước đây, gia đình anh chủ yếu làm ruộng nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, năm 2008, anh dùng số vốn tích góp được đầu tư mua xe tải chạy dịch vụ. Sau hơn 10 năm gắn bó với nghề lái xe tải, nhận thấy nghề không đem lại hiệu quả kinh tế lâu dài nên năm 2020, anh mạnh dạn vay vốn người thân, bạn bè chuyển hướng sang chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại khép kín.
Anh Thắng chăm sóc đàn lợn
Nhớ lại những ngày mới xây dựng mô hình, anh Thắng chia sẻ: Trước đây, tôi chỉ chăn nuôi lợn theo cách truyền thống nên khi đàn lợn gặp phải dịch bệnh tôi không biết cách xử lý. Sau này khi bắt tay vào làm mô hình, ngoài kinh nghiệm tích lũy được, tôi đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn trên sách, báo, internet. Tự tin với những gì mình học được, tôi quyết tâm xây dựng chuồng trại khép kín với diện tích 300 m2 và nuôi 20 con lợn (5 con lợn nái, 15 con lợn thịt). Đồng thời, tôi cũng lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chăn nuôi như: hệ thống làm mát, máng ăn tự động, hệ thống đèn điện sưởi ấm cho lợn con…
Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, anh luôn chú trọng đến khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và chủ động giống, hạn chế dịch bệnh khi mua lợn giống từ bên ngoài. Theo đó, từ số lượng lợn nái ban đầu, anh đã chủ động gây giống cho đàn lợn theo phương pháp thụ tinh nhân tạo. Ngoài việc chủ động giống, cứ 2 lần/tuần, anh đều phun khử trùng toàn bộ khuôn viên trang trại, định kỳ rắc vôi 1 lần/tuần, đảm bảo vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, nguồn thức ăn chất lượng để tăng cường sức đề kháng của lợn. Cùng đó, anh luôn thực hiện các biện pháp phòng dịch khác như tiêm phòng đầy đủ, không cho người từ bên ngoài vào khu chuồng trại để hạn chế mầm bệnh.
Nhờ chăm chỉ, chịu khó học hỏi, năm đầu tiên thực hiện mô hình, anh đã xuất bán được khoảng 50 con lợn đem lại thu nhập gần 100 triệu đồng. Nối tiếp thành công ban đầu, năm 2021, anh đã tăng đàn từ 20 con lên 50 con. Theo đó, trong năm 2021, anh đã xuất bán 2 lứa lợn thịt, mỗi lứa khoảng 80 con và đem về thu nhập gần 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Với mong muốn phát triển mô hình, mở rộng quy mô trang trại, đầu năm 2022, anh đã mạnh dạn vay 1 tỷ đồng từ Nghị quyết 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh (Nghị quyết 08) về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó, anh đã mở rộng diện tích trang trại lên 600 m2 với 2 khu chuồng trại riêng biệt cho lợn nái và lợn thịt. Anh cũng tăng đàn từ 50 con lên hơn 100 con lợn và đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ cho việc chăn nuôi.
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, anh luôn nuôi duy trì 11 con lợn nái và 100 con lợn thịt. Hiện nay, anh đã xuất bán được khoảng 90 con lợn thịt, thu lợi nhuận trên 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí và đang chuẩn bị xuất bán thêm 1 lứa lợn mới.
Bà Đặng Thị Sửu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Khánh Xuân nhận xét: Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Hoàng Văn Thắng còn rất nhiệt tình trong công tác hội, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên khác. Mô hình trang trại chăn nuôi lợn khép kín, đảm bảo an toàn sinh học của anh rất đáng tuyên truyền, nhân rộng để người dân học tập, phát triển kinh tế hiệu quả.
Với nỗ lực làm giàu trên mảnh đất quê hương, năm 2021, anh Thắng vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2021”.
Ý kiến ()