Phát triển kinh tế từ cây mắc ca: Cần lựa chọn cây giống đảm bảo chất lượng
– Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 2019 đến nay, ngày càng có nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh trồng cây mắc ca để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết lại lựa chọn cây giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc.
Bà Hoàng Thị Lan, thôn Mỏ Cấy, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn xã trồng cây mắc ca vào năm 2014. Tuy nhiên, trong khâu chọn giống, gia đình đã chọn một số dòng cây chưa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Bà Lan cho biết: Gia đình tôi trồng 700 cây mắc ca có nguồn gốc từ khu vực Tây Nguyên. Sau 7 năm trồng, toàn bộ diện tích trên đã cho thu hoạch, tuy nhiên, năng suất không cao. Ngoài ra, kích thước quả chưa đều và một số hạt sau khi tách thường có đốm, mẫu mã chưa được như mong muốn.
Cây mắc ca giống tại Trạm cây lâm nghiệp Vạn Linh được ươm ghép, chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt
Được biết, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng là một trong những xã phát triển mạnh về cây mắc ca trong 2 năm gần đây. Ông Lương Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, toàn xã có gần 70 hộ trồng cây mắc ca. Tuy nhiên, hầu hết các hộ đều chọn mua cây được bày bán tại các chợ, hoặc mua qua người quen, không rõ dòng cây, nguồn gốc. Mặc dù xã đã nhiều lần tuyên truyền nhưng người dân vẫn chọn mua từ các nguồn cây giống mắc ca có giá rẻ.
Không chỉ tại xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, theo khảo sát của Sở NN&PTNT, hầu hết các hộ trồng mắc ca trên địa bàn các huyện khác như: Bình Gia, Tràng Định, thành phố Lạng Sơn… đều chưa quan tâm và chưa phân biệt được dòng mắc ca đã trồng. Thậm chí có một số hộ trồng bằng cây thực sinh (cây ươm từ hạt).
Qua trao đổi với một số hộ trồng mắc ca, chúng tôi được biết, phần lớn họ đều mua cây mắc ca giống từ các thương lái, người quen hoặc đặt mua qua mạng Internet. Nguyên nhân chính của tình trạng trên xuất phát từ việc cây giống mắc ca trôi nổi trên thị trường có giá rẻ hơn. Nhiều hộ mua cây từ Tây Bắc, Tây Nguyên. Bên cạnh đó, nhiều vườn ươm có quy mô nhỏ lẻ chưa được quản lý, trong đó, nhiều chủ vườn tự gieo hạt để trồng và bán lại cho người dân trên địa bàn tỉnh. Anh Chu Văn Đông, một trong những người trồng mắc ca tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc cho biết: Mua cây giống qua mạng hoặc mua từ các tiểu thương ngoài chợ chỉ có giá khoảng 40.000 đồng/cây, rẻ hơn 20.000 đồng/cây so với mua tại vườn ươm lớn trên địa bàn tỉnh. Còn cây giống này thuộc dòng nào, có đặc điểm gì thì tôi cũng không rõ.
Lý giải về sự chênh lệch giá cây mắc ca giống, ông Hoàng Tiến Cảnh, Trạm trưởng Trạm giống lâm nghiệp Vạn Linh, Công ty Cổ phần giống cây lâm nghiệp Đông Bắc cho biết: Để có thể lựa chọn giống mắc ca phù hợp với điều kiện tại tỉnh, đơn vị đã phải khảo nghiệm trên 10 loại giống từ năm 2004. Từ đó, lựa chọn các dòng cây có năng suất, chất lượng, mẫu mã trội hơn các dòng còn lại để nhân giống. Trong khâu ươm, ghép cần phải tiến hành khử nấm, vi khuẩn, mầm bệnh cho hạt giống và theo dõi cây ghép để đảm bảo phần ghép không bị vi khuẩn, nấm xâm hại. Thông thường, các quá trình trên mất khoảng 22 tháng thì cây mới đủ điều kiện xuất bán. Do quy trình phức tạp nên mỗi cây có giá từ 60.000 đến 70.000 đồng. Trong khi đó, rất nhiều nơi bán cây giống mới chỉ ươm ghép được 3 tháng, thậm chí bán cây ươm nên có giá rẻ. Thực tế, chúng tôi đã trực tiếp tìm hiểu tại nhiều vườn mắc ca tại tỉnh và nhận thấy, rất nhiều hộ trồng mắc ca đã mua phải cây giống không đảm bảo.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có trên 360 ha cây mắc ca với khoảng 15 dòng có nguồn gốc từ Úc và Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ có một số dòng mắc ca phù hợp với tỉnh Lạng Sơn gồm: QN; 816; A38; A16. Việc người dân lựa chọn giống mắc ca không đúng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: năng suất thấp, chất lượng hạt thấp; cây sinh trưởng kém do không phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng…
Để giải quyết tình trạng trên, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo đến các tổ chức, cá nhân cần lựa chọn các dòng mắc ca có năng suất, chất lượng cao đã được Bộ NN&PTNT công nhận. Trong đó, chỉ trồng cây giống được nhân bằng phương pháp vô tính (cây ghép), không trồng cây giống thực sinh và các giống chưa được công nhận. Đồng thời, giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh phụ trách công tác quản lý chất lượng cây mắc ca tại các vườn ươm trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Hằng năm, đơn vị đều tổ chức các hoạt động kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất đối với các vườn ươm trên địa bàn tỉnh về nhiều nội dung, trong đó có việc đảm bảo chất lượng cây giống. Với việc cây mắc ca đang được trồng ngày càng nhiều, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng giống cây mắc ca không bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 đơn vị cung cấp cây mắc ca giống có quy trình ươm ghép rõ ràng và có quy mô lớn là: Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc; Công ty Cổ phần Liên Việt Lạng Sơn; Công ty Cổ phần Mắc ca và Sa chi Lạng Sơn; vườn ươm tư nhân Lục Văn Bằng tại thôn Hoàng Trung, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn. |
GIA KHÁNH
Ý kiến ()