Phát triển kinh tế tập thể: Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động
(LSO) – Không chỉ phát triển nhanh về số lượng mà những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, linh hoạt triển khai các giải pháp để từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.
Nếu như giai đoạn 2017 – 2019, bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh thành lập mới được 47 HTX thì riêng năm 2020, toàn tỉnh đã thành lập mới được 94 HTX, nâng tổng số HTX đang hoạt động trên địa bàn lên 316 HTX. Không chỉ phát triển nhanh về số lượng, nhiều HTX đã không ngừng nỗ lực vượt khó để nâng cao chất lượng hoạt động. HTX Thống Nhất, huyện Chi Lăng là một ví dụ.
Ông Nguyễn Đức Bẩy, Giám đốc HTX cho biết: HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Do ngày càng có nhiều doanh nghiệp, HTX, nhóm hộ hoạt động trong cùng lĩnh vực nên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc, nâng cao sức cạnh tranh thị trường, HTX đã tập trung phát huy tối đa nội lực của các thành viên và nguồn vốn tín dụng để đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại cũng như thu hút đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề cao về làm việc. Chính vì vậy, trong bối cảnh khó khăn, HTX vẫn hoạt động hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 30 đến 40 lao động với thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/người/tháng, 3 năm gần đây, HTX nộp ngân sách 2 tỷ đồng.
Mô hình trồng bưởi của HTX Phượng Hoàng, huyện Chi Lăng đem lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định
Tương tự HTX Thống Nhất, nhiều HTX khác trên địa bàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực vượt khó, linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh để vươn lên phát triển. Điển hình như HTX Nông sản sạch Tràng Định với mô hình liên kết sản xuất lúa bao thai hồng; HTX Thuỷ sản Lê Hồng Phong, huyện Bắc Sơn với mô hình nuôi cá kết hợp trồng cây dược liệu; HTX Phượng Hoàng, huyện Chi Lăng vừa duy trì mô hình trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, vừa chủ động tìm hiểu, đầu tư mở rộng diện tích trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao; HTX An Hồng, thành phố Lạng Sơn với mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả, ổn định…
Bên cạnh sự nỗ lực, chủ động của các HTX, để tháo gỡ khó khăn cho các HTX, Liên minh HTX tỉnh cùng các sở, ngành liên quan đã tham mưu và triển khai các chính sách hỗ trợ HTX. Ông Vy Kim Truyền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Khó khăn lớn nhất mà nhiều HTX gặp phải chính là nguồn vốn. Để tháo gỡ khó khăn này, từ đầu năm 2015, thông qua nguồn quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Liên minh HTX tỉnh đã tư vấn, hỗ trợ thủ tục để giúp cho 30 lượt HTX được vay vốn với số tiền 7,5 tỷ đồng; 50 lượt HTX được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 10,1 tỷ đồng; tư vấn cho 3 HTX vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX-Liên minh HTX Việt Nam… Bên cạnh đó, nhiều HTX, thành viên HTX đã tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất từ các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội.
Cùng với tháo gỡ khó khăn về vốn, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTX. Từ năm 2018 đến nay, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp mở được 86 hội nghị tuyên truyền cho hơn 5.000 lượt người tham gia; tổ chức 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho lãnh đạo quản lý HTX; lựa chọn và hỗ trợ xây dựng 11 mô hình HTX, tổ hợp tác sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ bình quân mỗi năm từ 10 đến 15 HTX tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh…
Từ sự chủ động vượt khó của các HTX và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, nhiều HTX đã vươn lên phát triển ổn định. Giai đoạn 2018-2020, doanh thu bình quân của 1 HTX trên địa bàn tỉnh là 950 triệu đồng, tăng 8% so với năm 2017; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động trong HTX hiện nay đạt 55 triệu đồng/năm, tăng 53% so với năm 2017; năm 2020, các HTX trên địa bàn đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 9 tỷ đồng, tăng 3 tỷ đồng so với năm 2017.
Ý kiến ()