Phát triển kinh tế tập thể: Nhìn từ Hợp tác xã Tài Nguyên
LSO- Trong cái khó chung của các hợp tác xã (HTX) nông-lâm nghiệp thì thành công của một số HTX hoạt động trong lĩnh vực ươm cây giống lại là những điểm sáng hiếm hoi. Tuy nhiên, điểm sáng hiếm hoi đó đang mở ra một hy vọng mới cho sự hồi phục kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh. Tiêu biểu trong số đó chính là HTX Tài Nguyên, huyện Hữu Lũng.
Có lẽ chưa bao giờ, anh Nguyễn Đức Tuấn, người dân thị trấn Hữu Lũng, một “triệu phú” trong lĩnh vực ươm cây giống lại nghĩ đến việc thành lập HTX. Bởi trong tiềm thức của anh, HTX trước đây dưới chế độ bao cấp đã không còn, và với HTX kiểu mới hiện nay, anh không hề biết một chút thông tin nào. Thế nhưng đó đã là câu chuyện trước năm 2013. Còn hiện nay, anh Tuấn đang làm giám đốc HTX Tài Nguyên, một trong những HTX sản xuất và kinh doanh giống cây lâm nghiệp lớn nhất của cả tỉnh. Anh Tuấn chia sẻ một câu chắc nịch: “Đáng lẽ, anh cùng một số anh em khác đã phải thành lập HTX từ lâu rồi mới đúng”. Nói rồi anh phân trần: từ những năm 2000, gia đình anh đã bắt đầu ươm giống cây lâm nghiệp với 2 loại giống cây chính là keo và bạch đàn. Sản phẩm cây giống của gia đình anh lúc bấy giờ làm ra bao nhiêu phần lớn tiêu thụ cho Lâm trường Hữu Lũng, phần nhỏ còn lại thì bán lẻ ra ngoài cho các hộ dân mua về trồng rừng. Thế nhưng chỉ sau vài năm, đúng vào thời điểm gia đình anh sản xuất ồ ạt với số lượng lớn thì thị trường tiêu thụ sản phẩm bị bó hẹp do không bán được cho lâm trường, thị trường bán lẻ thì bị cạnh tranh bởi nhiều hộ ươm cây giống khác. Vậy là lúc này, không giải được bài toán đầu ra khiến cho hàng vạn bầu cây keo, bạch đàn giống không tiêu thụ được.
Người dân khu Cầu Mười, thị trấn Hữu Lũng chăm sóc cây keo giống
Thua lỗ lớn đang hiển hiện trước mặt do không bán được cây giống, anh Tuấn đã phải đi khắp nơi từ Bắc chí Nam tìm thị trường tiêu thụ. May mắn cho anh khi thông qua một người quen giới thiệu, anh đã tìm được mối tiêu thụ cây giống ở Hà Tĩnh, sau đó mở rộng ra một số tỉnh khác như Nghệ An, Quảng Bình… Theo anh Tuấn, những doanh nghiệp trồng rừng trong miền Trung rất thích keo giống của Lạng Sơn bởi tỉ lệ sống cao, sinh trưởng ổn định. Vậy là gia đình anh Tuấn sản xuất được bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Mừng vì bán được cây giống nhưng cũng chính thời điểm này, anh Tuấn phải đối mặt với 2 khó khăn. Một là nhu cầu thị trường lớn nhưng một mình gia đình anh không đủ cung cấp cây giống một cách tập trung. Từ đó các nguồn cây keo giống từ các nơi khác như Phú Thọ, Cao Bằng, Sóc Sơn (Hà Nội) có cơ hội chiếm lĩnh thị trường. Khó khăn thứ hai chính là nguồn cây giống từ các nơi khác “trà trộn” rồi lấy tên keo giống Lạng Sơn để thuận tiện cho việc tiêu thụ, từ đó ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng sản phẩm của gia đình anh.
Thế nhưng, tháng 11/2013, sự ra đời của HTX Tài Nguyên đã giải quyết 2 khó khăn nổi cộm nêu trên. Anh Tô Mạnh Hòa, Phó Giám đốc HTX cho biết: ngoài 7 thành viên cũng là những người trực tiếp sản xuất cây giống của mình, HTX còn ký hợp đồng với nhiều vườn ươm khác cả trong và ngoài tỉnh để luôn đảm bảo nguồn cung cây keo giống. Sản phẩm cây keo giống của HTX cũng như các vườn ươm đều được tuân thủ theo một quy trình chung, đảm bảo sản xuất ra những sản phẩm cây giống chất lượng để đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh đó, HTX đang tập trung hoàn thiện thủ tục để sớm xây dựng cho mình thương hiệu cây giống riêng. Việc xây dựng được thương hiệu vừa nâng tầm giá trị sản phẩm cây giống của HTX, đồng thời có sự cạnh tranh công bằng và lâu dài hơn trên thị trường. Theo anh Hòa, từ khi HTX đi vào hoạt động, số lượng cây giống cung ứng ra ngoài thị trường đã tăng thêm khoảng 10%. Thu nhập của thành viên HTX đạt từ 100-500 triệu đồng/năm, thu nhập của người lao động trong HTX cũng đạt từ 40-60 triệu đồng/năm. Phấn khởi vì những kết quả đạt được trong sản xuất cây giống, ông Vũ Đức Vinh, Chủ tịch UBND thị trấn Hữu Lũng khẳng định: ươm giống cây lâm nghiệp đang là một trong những chìa khóa trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của khoảng 20 hộ ươm cây với quy mô lớn và trên 50 hộ có quy mô nhỏ hơn của thị trấn. Sự ra đời của HTX Tài Nguyên đã tạo thêm chỗ dựa vững chắc về thị trường để sản xuất giống cây lâm nghiệp trên địa bàn thị trấn tiếp tục duy trì và phát triển.
Rõ ràng sự ra đời và thành công trong hoạt động của HTX Tài Nguyên đã mở ra một triển vọng mới không chỉ cho các HTX, tổ hợp tác trong lĩnh vực ươm cây nói riêng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung.
Bài, ảnh: ĐÌNH QUYẾT
Ý kiến ()