Phát triển kinh tế tập thể gắn với xây dựng nông thôn mới: Bước chuyển ở Văn Quan
(LSO) – Từ chỗ chỉ có vài hợp tác xã (HTX) hoạt động kể từ sau chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đến nay, huyện Văn Quan đã phát triển mới thêm nhiều HTX và là huyện có nhiều xã đạt tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất nhất trên địa bàn tỉnh.
Phát triển mới
Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, cộng với sự tuyên truyền, vận động của cơ quan chuyên môn, tháng 9/2018, HTX Xứ Lạng, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan được thành lập với 7 thành viên, ngành nghề chính là phát triển cây ăn quả, sản xuất cao khô… Ông Triệu Quang Thịnh, Giám đốc HTX cho biết: Mới đi vào hoạt động, HTX đã lựa chọn mô hình trồng cây chanh leo trên diện tích 3 ha. Năm 2019, năm đầu thu hoạch, HTX thu về khoảng 50 tấn chanh leo. Bên cạnh đó, hiện nay, HTX đang tìm hiểu và bắt tay vào thực hiện mô hình sản xuất cao khô. Hoạt động ổn định, HTX không chỉ làm tốt vai trò “bà đỡ” cho các hộ thành viên trong khâu cung ứng vật tư, tiêu thụ sản phẩm mà còn tạo thêm việc làm cho lao động tại chỗ. Bên cạnh đó, hoạt động ổn định của HTX còn góp phần giúp xã Yên Phúc hoàn thành tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Hoạt động sản xuất tại HTX Hoàng Anh
Tương tự như tại xã Yên Phúc, trong những năm qua, UBND huyện Văn Quan cũng như các xã trên địa bàn đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh, các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thành lập mới các HTX. Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Văn Quan đã có thêm 8 HTX được thành lập mới (vượt kế hoạch năm 2019 là 4 HTX), nâng tổng số HTX trên địa bàn toàn huyện lên 32 HTX, tăng 22 HTX so với năm 2015. Qua đó, toàn huyện có 18 xã đạt tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới và là huyện có nhiều xã đạt tiêu chí 13 nhất trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao chất lượng
Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện cũng có những chuyển biến tích cực. Có được kết quả đó trước hết phải kể đến sự phát huy nội lực, tìm tòi, sáng tạo của các HTX trên địa bàn.
Ông Đặng Quang Hải, Giám đốc HTX Hoàng Anh, xã Tân Đoàn cho biết: Nhận thấy lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương còn nhiều, tôi đã chủ động tìm hiểu một số ngành nghề, thị trường, đối tác, sau đó lựa chọn xây dựng mô hình may gia công túi tự phân hủy. Đến tháng 1/2019, HTX chính thức được thành lập và nhanh chóng đi vào hoạt động. Khắc phục những khó khăn ban đầu như: vốn, kinh nghiệm… HTX từng bước đi vào hoạt động ổn định và tạo ra việc làm cho 200 lao động (lúc cao điểm) với mức thu nhập từ 3 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh sự nỗ lực của các HTX, để giúp các HTX phát triển, UBND huyện Văn Quan cũng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Ông Hoàng Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hằng năm, UBND huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp tuyên truyền, vận động mới thành lập các HTX. Cùng với phát triển mới, việc tháo gỡ khó khăn cho các HTX cũng được quan tâm thường xuyên.
Cụ thể hằng năm, UBND huyện tổ chức hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo huyện với các doanh nghiệp, HTX để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, từ đó có những giải đáp, tháo gỡ trực tiếp cho doanh nghiệp, HTX. Trong đó, nhiều khó khăn liên quan đến HTX như: mặt bằng, xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ… đã từng bước được tháo gỡ. Đặc biệt, đối với các HTX mới thành lập có quy mô nhỏ, UBND đã tạo điều kiện thuận lợi để các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, các chương trình, dự án phát triển sản xuất. Từ năm 2015 đến nay, từ các nguồn vốn lồng ghép, nhà nước đã hỗ trợ cho các HTX trực tiếp cũng như qua các chương trình, dự án được trên 4 tỷ đồng. Qua đó đã từng bước giúp các HTX tháo gỡ khó khăn về vốn khi mới thành lập cũng như giúp các xã từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường… Đến nay, doanh thu bình quân của 1 HTX trên địa bàn huyện được 900 triệu đồng, tăng hơn 50 triệu đồng so với năm 2018; thu nhập bình quân của người lao động được 48 triệu đồng/năm.
Ý kiến ()